Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Chia lợi nhuận bằng cổ phiếu để huy động vốn tự có
Điểm mới cốt lõi của Nghị định số 167/2024/NĐ-CP là quy định mới việc chia lợi nhuận bằng cổ phiếu cho các cổ đông, thành viên góp vốn.
Theo đó, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu chỉ áp dụng đối với công ty cổ phần thuộc phạm vi đầu tư bổ sung vốn Nhà nước để thực hiện dự án quan trọng quốc gia theo tiêu chí phân loại quy định tại Luật Đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương dự án. Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm quy định tại Điều 43 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu hiệu quả, không tạo kẽ hở để tham ô, tham nhũng, nếu vi phạm thì xử lý theo quy định pháp luật.
Theo Tờ trình của Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn kiến nghị cho phép Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được chia cổ tức bằng cổ phần để giúp doanh nghiệp này tăng thêm nguồn vốn tự có thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn như: dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, mở rộng nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài…
Tuy nhiên, nếu thực hiện theo quy định tại khoản 17 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, ACV sẽ không thể tăng vốn, dẫn tới không đáp ứng nhu cầu vốn còn thiếu hiện có để bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ đầu tư, xây dựng, đặc biệt là tại dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, ACV sẽ phải hoàn thành đưa vào khai thác dự án này vào năm 2025, mà sẽ phải vay các tổ chức tín dụng, dẫn tới việc tăng rủi ro trong hoạt động đầu tư, giảm hiệu quả dự án và giảm hiệu quả hoạt động của ACV.
Thoái vốn theo hình thức chuyển nhượng bằng hợp đồng
Bên cạnh đó, Nghị định số 167/2024/NĐ-CP cũng đồng thời quy định mới việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên xây dựng phương án chuyển nhượng vốn đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết, đăng ký giao dịch theo trình tự, thủ tục quy định nhưng không áp dụng được phương thức chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp quy định tại Điều 29 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và khoản 16 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, do không đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Luật Chứng khoán 2019, thì doanh nghiệp được áp dụng quy định về chuyển nhượng cổ phần tại khoản 2 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 đế xây dựng phương án.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu có ý kiến để người đại diện phần vốn Nhà nước tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên về phương án chuyển nhượng vốn đầu tư.
Khoản 2 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký...
Theo Tờ trình của Bộ Tài chính, với quy định tại khoản 22 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở lên không thể triển khai việc thoái vốn tại các doanh nghiệp đang bị lỗ, lỗ lũy kế. Như trường hợp của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) không thể thoái vốn tại Công ty CP Hàng không Pacific Airlines (PA), khi muốn tháo gỡ khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, do PA không đáp ứng điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng theo Luật Chứng khoán 2019, do đó không được thực hiện chào bán chứng khoán của PA ra công chúng, tương ứng với việc không được tổ chức thoái vốn theo phương thức đấu giá công khai cũng như không thể triển khai các bước tiếp theo của việc thoái vốn của VNA tại PA.
Ngay từ năm 2005, Viện Nghiên cứu thành lập và phát triển doanh nghiệp (thuộc Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam - VAFI), sau khi tiến hành khảo sát tại 25 công ty niêm yết trong vòng 4 năm (2000, 2001, 2002 và 2003) và thống kê về việc chi trả cổ tức và phân phối lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp cổ phần có phần vốn góp của Nhà nước, đã đưa ra khuyến nghị: phương thức trả cổ tức bằng cổ phiếu cần trở thành phổ biến cho các doanh nghiệp cổ phần niêm yết và chưa niêm yết, nhằm tăng khả năng tài chính cho doanh nghiệp, để nhanh chóng mở rộng sản xuất; và cũng là hình thức huy động thêm vốn từ các cổ đông hiện hữu. Phương thức này chỉ áp dụng thành công khi thị trường chứng khoán phát triển, cổ phiếu mang tính thanh khoản cao.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - CTCP là công ty hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, được chuyển đổi từ Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối theo Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 06/10/2015. ACV hiện đang quản lý, đầu tư, khai thác khai thác hệ thống 22 cảng hàng không trong cả nước, bao gồm 09 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa. ACV ước đạt lợi nhuận trước thuế năm 2024 là 11.981 tỷ đồng, vượt 28% kế hoạch năm và tăng 35% so với năm 2023. Năm 2025, ACV dự kiến khởi công mới một số các dự án quan trọng ngành GTVT như: Nhà ga hành khách T2 - Cảng HKQT Cát Bi trong quý 1/2025; Mở rộng nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau; Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới trong quý 1/2025.