Thị trường chứng khoán khởi động tuần giao dịch từ 4 - 8/4 với diễn biến tích cực khi VN-Index tạo khoảng trống giá tăng (Gap Up) ngay ở phiên đầu tuần. Tuy nhiên, hàng loạt tin đồn xuất hiện và tạo ra áp lực rất mạnh lên thị trường chung đặc biệt là nhóm đầu cơ. Chính điều này khiến thị trường ở các phiên sau đó giao dịch không được tốt.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.482 tỷ đồng, tương ứng giảm 34,44 điểm (-2,27%) so với tuần trước đó. HNX-Index cũng giảm 22,08 điểm (-4,86%) xuống 432,02 điểm. UPCoM-Index giảm 1,38 điểm (-1,18%) xuống 115,81 điểm.
Thanh khoản khớp lệnh suy giảm so với phiên trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy nhà đầu tư vẫn khá dè dặt ở vùng giá hiện tại của thị trường. Gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều đi xuống trong tuần qua.
Bất động sản là một trong những nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những đợt lao dốc của thị trường chung. Thống kê 122 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, tại tuần từ 4 - 8/4 có đến 102 mã giảm trong khi chỉ có vỏn vẹn 15 mã tăng giá.
Cổ phiếu giảm mạnh nhất trong nhóm bất động sản là PLA của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hạ tầng Xăng Dầu với 24,4% từ 13.164 đồng/cp xuống 9.952 đồng/cp. Như vậy, sau khi tăng đến 65% ở tuần trước đó, cổ phiếu PLA đã có sự điều chỉnh mạnh trở lại. Thanh khoản của cổ phiếu này cũng giảm đáng kể so với tuần trước đó. Tổng khối lượng khớp lệnh bình quân chỉ 30.268 đơn vị/phiên, giảm 44,6%.
Cổ phiếu NVT của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay lao dốc với mức giảm 22,1% chỉ sau một tuần giao dịch. Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, HĐQT trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hợp nhất dự kiến đạt 345,5 tỷ đồng, gấp 2,7 lần thực hiện 2021. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến là 34,5 tỷ đồng trong khi năm 2021 lỗ 62 tỷ đồng.
Cổ phiếu NVT giảm sâu khi các cổ phiếu trong “hệ sinh thái” DNP cũng lao dốc mạnh. Trong đó, DNP của CTCP Nhựa Đồng Nai giảm 10,5%, HUT của CTCP Tasco giảm 6,4%, JVC của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật giảm 17%...
Bên cạnh đó, nhà đầu tư trong tuần từ 4 - 8/4 cũng chứng kiến sự lao dốc của một “hệ sinh thái” liên quan đến Gelex trước một số tin đồn. Trong đó, IDC của Tổng Công ty IDICO giảm đến 19,5%. Không chỉ IDC, các cổ phiếu như GEX của CTCP Tập đoàn GELEX, VGC của Tổng Công ty Viglacera… cũng đồng loạt lao dốc bất chất nhiều thông tin hỗ trợ được “bơm” ra. Cập nhật từ Tổng công ty Viglacera doanh thu quý I/2022 đạt 130% kế hoạch quý, đạt 22% mục tiêu cả năm và tăng trưởng 31% so với cùng kỳ.
Năm 2022, kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 15.000 tỷ đồng, như vậy doanh thu Tổng Công ty ghi nhận riêng trong quý I/2022 đạt 3.300 tỷ đồng. Theo VGC, hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực bất động sản đạt và vượt cao so với kế hoạch quý I (đạt 306% kế hoạch quý và đạt 48% kế hoạch năm) đã giúp VGC hoàn thành vượt mức chỉ tiêu quý I đã đặt ra.
Cổ phiếu PVL của CTCP Đầu tư Nhà đất Việt tiếp tục lao dốc với mức giảm 14,8%. Hiện tại, cổ phiếu PVL nằm trong diện có khả năng hủy niêm yết trên HNX do Báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021 có ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Phúc đáp thông báo này về việc có khả năng bị hủy niêm yết tại HNX, PVL cho biết, vấn đề ý kiến ngoại trừ nêu tại BCTC kiểm toán là vấn đề khách quan, Công ty sẽ tiến hành trao đổi với Công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán và phát hành lại BCTC năm 2021. Công ty cũng có nguyện vọng được tiếp tục niêm yết trên HNX và sẽ tiến hành các biện pháp khắc phục để cổ phiếu Công ty không bị rơi vào tình trạng bị hủy niêm yết.
Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao như DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng, DXG của CTCP Tập đoàn Đất Xanh, IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam… cũng đồng loạt giảm sâu.
Đối với “hệ sinh thái” FLC, cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC hay AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone giảm lần lượt 10,4% và 8,7%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HD2 của CTCP Đầu tư Phát triển nhà HUD2 tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản với 28,8%. Thanh khoản của HD2 tăng vọt so với tuần trước đó. Tổng giá trị khớp lệnh bình quân đạt 254.900 đơn vị/phiên, trong khi tuần trước đó chỉ là 31.620 đơn vị/phiên.
Một cổ phiếu bất động sản khác cũng tăng giá trên 20% là C21 của CTCP Thế kỷ 21 với 22%. Tuy nhiên, thanh khoản của C21 khá thấp với khối lượng khớp lệnh bình quân chỉ hơn 25.200 đơn vị/phiên.
Trong số các mã tăng giá mạnh ở nhóm bất động sản, NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va là mã có thanh khoản tốt nhất. Trong tuần qua, NVL tăng 3,4%. Theo bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Forbes được cập nhật mới nhất tại thời điểm 7/4, ông Bùi Thành Nhơn - ở vị trí thứ hai trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam với tài sản 3,4 tỷ USD, sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng (6,3 tỷ USD). Với khối tài sản này, ông Bùi Thành Nhơn hiện đứng thứ 920 trong danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới.
Tháng 1/2022, tỷ phú Bùi Thành Nhơn chuyển giao chức Chủ tịch HĐQT Novaland cho ông Bùi Xuân Huy để tập trung việc dẫn dắt, định hướng cho toàn bộ Nova Group. NVL cũng là một trong số ít các cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn giữ được đà tăng trong tuần từ 4 - 8/4. Trong top 10 cổ phiếu bất động sản còn ghi nhận đà tăng đến từ BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (2,07%) và KSF của Tập đoàn KSFinance (2,7%).
Nguồn: Reatimes.vn