Trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5, một số nhà máy sản xuất thép đã thông báo cắt hỗ trợ giá bán thép thanh vằn CB4, CB5 ở mức từ 50.000 - 100.000 đồng/tấn, hoặc có nhà sản xuất cắt hỗ trợ từ 150.000 - 200.000 đồng/tấn đối với hàng dân dụng, thậm chí tăng trực tiếp 50.000 đồng/tấn giá niêm yết thép thanh vằn D10-Gr40, theo VNSTEEL.
Mặc dù nguyên liệu đầu vào như phôi thép và thép phế đã duy trì diễn biến tăng giá từ đầu tháng 4/2024 cho tới nay, nhưng các nhà sản xuất vẫn rất thận trọng trong việc điều chỉnh giá bán thép xây dựng nội địa. Việc tăng giá thép xây dựng của các nhà sản xuất trong những ngày cuối tháng 4 diễn ra nhỏ lẻ, với phương thức điều chỉnh tăng giá khác nhau. Tuy nhiên, đây được coi là những tín hiệu khởi đầu cho khả năng tăng giá đồng loạt trong thời gian tới.
Kỳ vọng về đà tăng giá của thép xây dựng sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 càng được củng cố hơn khi giá thép phế nội địa trong tuần cuối tháng 4/2024 tiếp tục tăng thêm từ 100.000 - 300.000 đồng/tấn tùy theo khu vực. Nếu so với thời điểm đầu tháng 4/2024, giá thép phế nội địa khu vực phía Bắc hiện nay đã tăng thêm từ 500.000 - 700.000 đồng/tấn, khu vực miền Trung và miền Nam tăng thêm từ 100.000 - 300.000 đồng/tấn.
Nhận định chung về ngành thép, các chuyên gia phân tích của Chứng khoán SSI cho rằng nhu cầu thép năm 2024 có thể phục hồi, đặc biệt là tại thị trường nội địa.
Tính chung quý 1/2024, sản xuất thép thành phẩm đạt 7,06 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tiêu thụ đạt 6,68 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,25 triệu tấn, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023.
Quý 1, lợi nhuận của các doanh nghiệp thép có xu hướng hồi phục so với cùng kỳ. Hòa Phát ước tính lãi sau thuế 2.869 tỷ đồng, gấp 7,4 lần cùng kỳ năm ngoái. Còn Gang thép Thái Nguyên ghi nhận quý thứ hai liên tiếp có lãi sau giai đoạn thua lỗ triền miên.
Nhìn chung, những kỳ vọng vào sự phục hồi cả về giá và nhu cầu của thị trường thép xây dựng nội địa đang ngày càng tăng cao. Một số nhà kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) phía Bắc cho biết, tốc độ bán hàng bình quân cho nhóm khách hàng dân dụng trong tháng 4 này đã có sự cải thiện hơn so với tháng trước.
Mặc dù thị trường thép thế giới hiện nay biến động không ổn định và phức tạp, nhưng hầu hết những người tham gia thị trường đều đánh giá thị trường thép xây dựng nội địa quý 2/2024 sẽ có nhiều triển vọng tích cực hơn quý 1/2024, đặc biệt là sự cải thiện về nhu cầu tiêu thụ thép, sản lượng tiêu thụ của quý 2 được dự báo sẽ tăng so với quý 1 và thậm chí có thể đưa mức sản lượng lũy kế dần dần đạt mức tương đương cùng kỳ năm 2023.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của các nhà sản xuất tại thị trường nội địa quý 1/2024 là 2,058 triệu tấn, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khu vực miền Bắc tiêu thụ 1,123 triệu tấn, giảm 8,1%; miền Nam 0,711 triệu tấn, giảm 5,2%; miền Trung đạt 0,223 triệu tấn, giảm 3,7%, VNSTEEL đưa tin.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng đánh giá triển vọng chu kỳ tăng giá mới có thể bắt đầu từ nửa sau năm 2024 nhờ nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng từ nhóm BĐS dân dụng hồi phục khi các chủ đầu tư mở bán các dự án mới, hoàn thiện các dự án hiện hữu; các dự án đầu tư công như cầu đường, hầm, sân bay đẩy mạnh thi công, xây dựng trong giai đoạn 2024 - 2025; thị trường BĐS Trung Quốc tạo đáy và hồi phục.
Đáng chú ý, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đầu tư công đang được thúc đẩy, dự án hạ tầng giao thông trọng điểm và nhà ở xã hội triển khai đồng bộ sẽ tạo ra lực đẩy cho thị trường BĐS. Từ đây, doanh nghiệp ngành VLXD sẽ được hưởng lợi từ việc kích thích đầu tư công, đặc biệt là các công ty sản xuất nhựa đường, thép và khai thác đá.
Trong báo cáo phân tích cuối tháng 3, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định nhu cầu thép sẽ tiếp tục cải thiện hơn vào năm 2024 do Chính phủ sẽ tiếp tục tăng chi tiêu công, tập trung vào các dự án công cộng như sân bay Long Thành.
Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản (BĐS), nguồn cầu chính của sản phẩm thép, dự kiến sẽ phục hồi nhờ các quy định mới đã và đang được soạn thảo. Bên cạnh đó, nguồn cung của ngành BĐS được kỳ vọng cải thiện trong những năm tiếp theo cũng giúp nhu cầu thép phục hồi.
Tuy nhiên, ACBS cho rằng tất cả các quy định mới liên quan đến lĩnh vực BĐS sẽ chỉ có hiệu lực hoàn toàn vào năm 2025 và sẽ khó có đột phá nào cho ngành thép trong năm 2024.
Do đó, đơn vị này kỳ vọng nhu cầu thép có thể phục hồi nhẹ trong năm 2024. Do mối tương quan dương giữa giá bán thép và giá đầu vào, đồng thời xét đến xu hướng tăng giá đầu vào hiện nay do Trung Quốc đang có những hỗ trợ cho thị trường BĐS nên kỳ vọng giá thép sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2024.