Cụ thể, theo số liệu của Steel Online, mức tăng giá thép phổ biến trong lần điều chỉnh này từ 150.000-210.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT).
Đáng chú ý, thương hiệu thép Pomina tại miền Trung có mức điều cao nhất với mức tăng hơn 1 triệu đồng/tấn với cả hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, kéo giá bán vượt 17 triệu đồng/tấn.
Lần điều chỉnh này, thương hiệu thép Hòa Phát tăng 200.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 ở khu vực miền Bắc và miền Trung, lên mức giá lần lượt là 15,96 triệu đồng/tấn và 15,88 triệu đồng/tấn. Tại khu vực miền Nam, thép cuộn CB240 của Hòa Phát cũng được điều chỉnh tăng 150.000 đồng/tấn, giá bán là 15,98 triệu đồng/tấn.
Đối với thương hiệu thép Việt Ý tại miền Bắc cũng tăng 200.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240, lên mức giá 15,91 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, Thép Việt Đức tại miền Bắc cũng điều chỉnh tăng 210.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240, lên mức giá 15,71 triệu đồng/tấn.
Không nằm ngoài xu hướng tăng giá, thương hiệu thép Việt Sing tại miền Bắc tăng thêm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, lên mức giá 15,83 triệu đồng/tấn.
Như vậy, tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép cuộn CB240 đã có 5 đợt điều chỉnh tăng giá bán liên tiếp, nâng tổng số điều chỉnh trung bình dao động tới hơn 2 triệu đồng/tấn.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), bình quân giá thép nội địa hiện tăng khoảng 5% so với cuối năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ 8%.
Giá thép xây dựng trong trong 2 tháng trở lại đây liên tục tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng, khiến các nhà máy trong nước phải tăng giá bán để bù lại giá thành sản xuất và giảm lỗ. Do đó, giá sắt thép dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do nhu cầu xây dựng tiếp tục tăng cao và giá nguyên liệu đầu vào chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.