Thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cao tốc

12:54 12/07/2023
Cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT cho biết, kết quả triển khai bước đầu thí điểm sử dụng cát biển thay thế cát sông (cát tự nhiên) làm vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đề ra.

Đó là nhận định của Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Bộ GTVT khi đánh giá về việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.

Được biết, thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao về việc triển khai nhanh việc áp dụng thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, Bộ GTVT đã giao Ban quản lý dự án Mỹ Thuận thực hiện thí điểm sử dụng cát biển cho Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Phạm vi thí điểm thuộc đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978 tại lý trình km 79+820 dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau.

Đến nay, đoạn thí điểm đã hoàn thành hết lớp đắp bằng cát biển K95, K98 (tỷ lệ đầm nén thực tế đạt 95, 98%), dày khoảng 1m, đắp lề đất hai bên và đang tiến hành thi công lớp cấp phối đá dăm láng nhựa, dự kiến đến tháng 12/2023 sẽ hoàn thành đến lớp mặt và có thể thông tuyến đoạn thí điểm.

Qua theo dõi, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường nhận thấy kết quả triển khai bước đầu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng các yêu cầu đề ra.

Kết quả đánh giá chất lượng môi trường xung quanh khi sử dụng cát biển của đoạn thí điểm cho thấy, chất lượng môi trường nền (nước mặt, nước ngầm và đất) trước và trong khi thi công cho thấy chưa có bằng chứng về việc thi công đắp cát biển làm tăng độ mặn và hàm lượng Clorua trong nước mặt và nước ngầm; việc thi công cũng không ảnh hưởng đến chất lượng đất; các chỉ tiêu cơ bản đáp ứng yêu cầu cho cát đắp nền đường theo quy định. Tuy nhiên, vẫn có sự lan truyền độ mặn và clorua vào mạch nước dưới đất, nhưng sự thay đổi này không lớn.

Theo Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường đánh giá sơ bộ, cát biển lấy từ tỉnh Sóc Trăng có thể thay thế cát sông làm vật liệu đắp nền đường. Các tính chất vật liệu của cát biển sử dụng đắp nền đường tương tự như cát sông.

 Tuy nhiên, để có thêm số liệu làm cơ sở đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cát biển sử dụng cho các dự án đường cao tốc, thời gian tới Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ về việc bổ sung mẫu cát biển từ các vùng miền khác nhau để nghiên cứu, đánh giá toàn diện hơn về nguồn và chất lượng cát biển sử dụng cho các công trình xây dựng.

Như vậy, theo kết quả ban đầu của cơ quan chuyên môn, việc sử dụng cát biển thay thế cát tư nhiên làm vật liệu đắp nền đường đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Đây được xem là một trong những tín hiệu đáng mừng khi nhu cầu nguồn đất đắp cho các dự án đường cao tốc trong thời điểm hiện nay đang rất lớn và  bị thiếu trầm trọng. Tuy nhiên, việc sử dụng cát biển thay thế cát tự nhiên có thực sự hiệu quả hay không cần có thêm thời gian để các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và có kết luận cuối cùng.

Bình luận