Bán sản phẩm khách hàng cần
Nhìn chung, BĐS đã qua giai đoạn khó khăn nhất khi thị trường hưởng lợi từ các chính sách kích cầu của Chính phủ. Trong đó gắn liền với những động thái cụ thể như tập trung tháo gỡ khó khăn về pháp lý, thủ tục hành chính, giảm lãi suất cho vay hay đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Minh chứng rõ nét là đà cắt lỗ sản phẩm đã có xu hướng giảm và tăng giá nhẹ trở lại.
Tại thị trường miền Trung, sản phẩm BĐS gắn liền với nhu cầu thực và phù hợp với tài chính khách hàng đã ghi nhận được lượng giao dịch tích cực. Theo ông Võ Nhật Thiên - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần CEN miền Trung, giai đoạn vừa qua ghi nhận thị trường gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình số lượng người tham gia ngành nghề môi giới giảm đi đáng kể. Do đó doanh nghiệp môi giới BĐS cũng phải tìm hướng đi mới và khác biệt nhằm tồn tại.
Ông Thiên cho biết, doanh nghiệp phải đặt khách hàng và người môi giới làm trung tâm. Ví dụ như khách hàng cần sản phẩm, phân khúc nào thì doanh nghiệp sẽ tập trung nghiên cứu để phát triển và phân phối. Điển hình tại Đà Nẵng, khách hàng đang quan tâm đến loại hình căn hộ có mức giá tầm trung.
“Giai đoạn này ai cố gắng bán cái gì thì rất đau lòng. Vì theo thời gian sẽ cảm nhận được sự khó khăn của thị trường. Do đó, chúng ta cần tập trung bán cái gì mà khách hàng cần, và khi khách hàng cần thì tập trung vào hỗ trợ. Tiếp theo là người môi giới đang cần gì thì chúng ta tạo ra sân chơi đó. Những sản phẩm khách hàng đã mua trước cũng cần tập trung hỗ trợ tư vấn nhằm giải quyết khâu tái đầu tư. Để bài toán ra hàng dễ dàng, doanh nghiệp môi giới cần tiếp tục rạo ra hệ sinh thái để hỗ trợ như nội thất, tái đầu tư, cho thuê…” - ông Thiên chia sẻ.
Hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp đều nhìn nhận giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã qua. Giá BĐS tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung gần như đã chạm đáy và không còn hạ thêm. Tuy nhiên bài toán đặt ra là niềm tin của nhà đầu tư dành cho thị trường cũng như việc mở rộng, tiếp cận nhóm khách hàng rộng lớn.
Ông Nguyễn Văn Duy - Tổng giám đốc Phố Xanh Group, cho biết thị trường Đà Nẵng thời gian qua được đánh giá rất khởi sắc. Mức độ giao dịch trung bình một tháng tầm 20-30 sản phẩm. Vì vậy, nếu mở rộng ra cả thị trường miền Trung thì có thể lên đến hàng trăm giao dịch một tháng.
Với kinh nghiệm hơn 9 năm làm BĐS thổ cư, ông Duy nhìn nhận thị trường BĐS sẽ khởi sắc trong thời gian sắp đến. Tuy nhiên, thị trường chỉ tập trung vào một số phân khúc sản phẩm, mức giá phù hợp. Riêng Đà Nẵng vẫn là vùng đất tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển.
Nhiều điểm sáng nhưng vẫn khan hiếm nguồn cung
Tại Tọa đàm nghề môi giới BĐS và giải pháp để tiếp cận khách hàng trong kỷ nguyên cồn nghệ số diễn ra ngày 13/12 ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch VNREA, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết trước tình hình kinh tế nhiều biến động đã tác động trực tiếp đến từng cá thể, đối tượng, ngành nghề của xã hội, đặc biệt lĩnh vực BĐS. Đương nhiên, điều hành vĩ mô tiếp tục hướng tới việc duy trì không làm tăng lạm phát, đảm bảo cán cân xuất nhập khẩu. Việt Nam không giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới khi nền kinh tế đã vượt qua được giai đoạn khó khăn.
Cũng theo ông Đính, năm 2024 sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn do tình hình chính trị của thế giới còn bất ổn khiến suy yếu kinh tế và giảm lực cầu. “Kinh tế có vấn đề thì BĐS cũng có vấn đề, do tổng cầu trên thị trường giảm xuống, kể cả chi tiêu và đầu tư BĐS cũng giảm. Minh chứng là lực lượng môi giới trong 2023 đã giảm xuống một cách đáng kể. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để sàng lọc, thị trường sẽ còn lại những người môi giới có trình độ năng lực và cạnh tranh mạnh hơn nhằm tạo ra sự công bằng”- ông Đính nhìn nhận.
Dự báo năm 2024 sẽ có cải thiện nhưng không nhiều, đặc biệt lượng cung mới rất khó khăn được đưa vào thị trường. Ông Đính cho biết có rất nhiều khó khăn như vướng mắc về thể chế pháp luật, phê duyệt các thủ tục, một số dự án đang nằm đợi phê duyệt phải tiếp tục chờ và chưa được giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, Luật Đất đai sửa đổi chưa được thông qua, Luật Thuế BĐS chưa trình Quốc hội khiến thị trường đất nền vẫn còn nhiều trở ngại và chưa thấy nhiều cơ hội cho đà phục hồi mạnh mẽ.
Tuy nhiên, Chính phủ đang rất quyết liệt và nỗ lực khi liên tục cho rà soát cũng như lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho ngành BĐS. Lực đẩy thị trường còn ghi nhận khi giải ngân đầu tư công tính đến tháng 11/2023 đạt 65,1%. Các địa phương từng bước phát triển hệ thống kết nối giao thông, tạo lan tỏa kinh tế, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, kích thích thị trường BĐS.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Huy - Chuyên gia đầu tư tài chính, BĐS và Chứng Khoán, cho rằng hiện thị trường BĐS Việt Nam các phân khúc có nhu cầu thực như nhà ở xã hội, nhà mặt phố, sản phẩm thổ cư vẫn phát triển và giao dịch. Một năm dễ dàng nhìn thấy có khoảng 80% sản phẩm thuộc thị trường thứ cấp vẫn đang giao dịch.
Do đó, theo ông Huy, cần phải thay đổi quan điểm thị trường BĐS đang gặp khó khăn, bởi nó không phải toàn thị trường mà chỉ tập trung vào một số phân khúc, sản phẩm nhất định còn mọi thứ vẫn đang vận hành.
Nguồn: kinhtedothi.vn