Cũng theo MXV, mới đây, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Hoa Kỳ Elizabeth Warren cho biết, bà rất lo lắng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái, khiến nhiều người mất việc, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ đóng cửa do chi phí tiền tệ tăng theo lãi suất. Trong khi đó, ông Jerome Powell cũng nhấn mạnh rằng những điều đó là chi phí không thể tránh khỏi nhằm kiểm soát lạm phát. Thị trường đồng, tất yếu sẽ chịu sức ép khiến giá giảm trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại hạn chế nhu cầu tiêu thụ.
Trong khi đó, bối cảnh kinh tế vĩ mô tại các khu vực khác cũng đang cho thấy gam màu ảm đạm. Tại khu vực châu Âu (EU), Citigroup dự báo lạm phát sẽ còn tăng và vượt quá mức kỷ lục 8.9% của tháng 7. Trong tuần này, dữ liệu về chỉ số giá sẽ được công bố. Trong trường hợp lạm phát tiếp tục lập đỉnh, mức tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 9 của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) là một kịch bản có có thể xảy ra, nhất là khi hàng loạt quan chức cho thấy động thái quyết liệt trong Hội nghị Jackson Hole cuối tuần qua.
Tại Trung Quốc, nơi tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, theo cuộc khảo sát hàng quý mới nhất của Bloomberg, các chuyên gia kinh tế đã tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 đối với quốc gia này từ mức 3.9% xuống 3.5%. Bên cạnh đó, bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp diễn, bất động sản suy yếu trầm trọng làm ảnh hưởng tới năng lực sản xuất, những kích thích kinh tế, bao gồm khoản hỗ trợ 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ chủ yếu thúc đẩy cơ sở hạ tầng vẫn sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức để đạt được hiệu quả.
Vào giữa tuần này, dữ liệu quan trọng về sản xuất Trung Quốc trong tháng 8, thể hiện qua chỉ số quản trị mua hàng PMI sẽ được công bố và giá đồng thường biến động rất lớn trong phiên. Nhiều khả năng con số tích cực hơn tháng 7 nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng 50, biểu thị sự thu hẹp hoạt động, do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng điện trong thời gian vừa qua. Trong trường hợp đó, giá đồng có thể sẽ tiếp tục chịu sức ép vĩ mô và nguồn cung có thể tiếp tục tạo áp lực giảm đối với mặt hàng này.