Thị trường khó khăn, nhiều sàn giao dịch BĐS tại TP.HCM chấm dứt hoạt động

07:01 07/03/2023
Sở Xây dựng TP.HCM vừa công bố công khai 9 sàn giao dịch bất động chấm dứt hoạt động, bên cạnh đó là 59 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động.

Phòng Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng TP.HCM) vừa công khai thông tin các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) trên địa bàn. Theo số liệu của Phòng Phát triển nhà ở và thị trường BĐS, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 59 sàn giao dịch BĐS đang hoạt động. Những sàn giao dịch BĐS này được thành lập từ tháng 5/2017 đến tháng 3/2023.

Bên cạnh đó, số liệu từ Phòng Phát triển nhà ở và thị trường BĐS công bố cũng cho thấy, có 9 sàn giao dịch BĐS chấm dứt hoạt động. Cụ thể, có 1 sàn chấm dứt hoạt động trong năm 2023; 7 sàn chấm dứt hoạt động trong năm 2022 và 1 sàn chấm dứt hoạt động trong năm 2019.

Theo đó, các sàn giao dịch BĐS vừa được công bố chấm dứt hoạt động bao gồm, Sàn giao dịch BĐS Hoàng Anh thuộc Công ty CP xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh; Sàn giao dịch BĐS Worderland thuộc Công ty TNHH Gia Luật Group; Sàn giao dịch BĐS Hiệp Long thuộc Công ty CP quản lý và phát triển Hiệp Long; Sàn giao dịch BĐS DPV thuộc Công ty CP phát triển BĐS DPV; Sàn giao dịch BĐS Milestone Land thuộc Công ty  CP Impac investment  Consultancy; Sàn giao dịch BĐS Trung Thịnh thuộc Công ty TNHH Đầu tư phát triển Trung Thịnh; Sàn giao dịch BĐS Vieland thuộc Công ty TNHH Dịch vụ bất động sản Vieland Sàn giao dịch BĐS Goland thuộc Công ty CP Đầu tư Phát triển quỹ đất Goland; Sàn giao dịch BĐS Kim Cúc Land thuộc Công ty CP Đầu tư Kim Cúc Land.

Ảnh minh họa: Internet.

Trong khi đó, theo báo cáo công bố thông tin về nhà ở và thị trường BĐS quý IV/2022 của Bộ Xây dựng, trước các diễn biến phức tạp của nền kinh tế, từ giữa quý III đến cuối năm 2022, hoạt động của các sàn giao dịch BĐS có dấu hiệu khó khăn hơn.

Cụ thể, lượng giao dịch BĐS đã giảm so với thời gian đầu năm dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch BĐS giảm, số lượng môi giới BĐS cũng giảm theo.

Mới đây, tại thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, năm 2022, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS gặp rất nhiều khó khăn do khó tiếp cận được các nguồn vốn (tín dụng, trái phiếu,...).

Đồng thời, lãi suất, tỉ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; không bán được sản phẩm... dẫn đến nhiều tập đoàn, doanh nghiệp BĐS phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp BĐS tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (cá biệt có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động); dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới...

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, khó khăn của thị trường BĐS kéo theo khó khăn của nhà thầu, cung ứng vật liệu và nhiều ngành nghề khác ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM nhìn nhận, thị trường BĐS hiện nay đang trong tình trạng khó khăn. Nhiều công trình dừng triển khai xây dựng, các nhà thầu không có dự án, không có việc làm, công nhân mất việc, nhiều doanh nghiệp giảm 30-50% lực lượng lao động, lực lượng môi giới giảm đến 70%.

Theo Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, năm 2022 có hơn 1.200 doanh nghiệp BĐS dừng hoạt động, giải thể, phá sản. 

 

Bình luận