Đó là một trong những nguyên nhân chính gây biến động thị trường kim loại tuần vừa qua.
Có thể thấy, sự sụp đổ của Ngân hàng SVB và những rắc rối đối với Ngân hàng Credit Suisse đã gây ra sự hoảng loạn nhất định trên thị trường tài chính. Các nhà đầu tư tăng cường nắm giữ những tài sản mang tính an toàn hoặc trú ẩn cao.
Cuộc khủng hoảng này đã khiến cho các nhà đầu tư kỳ vọng vào việc Fed sẽ sớm ngừng chu kỳ tăng lãi suất và có thể cắt giảm 100 điểm cơ bản sau đó.
Ở một diễn biến khác, bất chấp những sự hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu về vấn đề thanh khoản, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 3,5%, mức cao nhất kể từ năm 2009. Chi phí cho vay tăng cao có thể tiếp tục kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế của các nước khu vực châu Âu. Theo đó là sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất và kéo theo nhu cầu tiêu thụ đồng suy yếu, gây sức ép lên giá đồng.
Bên cạnh đó, ECB và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều hướng chung tới một mục tiêu là đẩy lùi lạm phát. Do đó, trong phiên họp tới, nhiều khả năng Fed có thể sẽ tuân theo quyết định của ECB và tiếp tục nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vì lo ngại về lạm phát cao vượt xa lo ngại về khủng hoảng ngân hàng toàn cầu.
Với nhóm kim loại cơ bản đã có một tuần đầy biến động, giá đồng giảm 3,42% về 3,89 USD/pound.
Triển vọng tiêu thụ đồng bị ảnh hưởng nặng nề khi những lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng trước các tin tức tiêu cực của ngành ngân hàng.
Giữa tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã bổ sung đồng và niken trở thành những nguyên liệu chiến lược, và đảm bảo việc cấp phép cũng như tiếp cận vốn dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp để đảm bảo nguồn cung. Tuy nhiên, thông tin này cũng không mang lại quá nhiều sự hỗ trợ đối với giá đồng.
Giá sắt tăng 1,57% lên 130,79 USD/tấn, và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 6/2022. Các số liệu kinh tế của Trung Quốc trong tuần vừa qua không hỗ trợ nhiều cho giá đồng nhưng lại rất tích cực với giá quặng sắt, bởi so với đồng, nhu cầu tiêu thụ quặng sắt tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng nhanh và mạnh hơn.
Bên cạnh việc ngân sách đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc tăng 5,5% trong tháng 2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc hạ mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 11% còn 10,75%. Động thái này được xem như một chính sách hỗ trợ nền kinh tế và trực tiếp thúc đẩy giá quặng sắt phục hồi mức 130 USD/tấn.
Như vậy, những tác động tiêu cực của ngành ngân hàng thế giới đã khiến thị trường kim loại cơ bản có một tuần giao dịch đầy biến động với những lo ngại về suy thoái kinh tế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sản xuất và triển vọng tiêu thụ. Từ đó gây sức ép về giá tới những mặt hàng này, nhất là kim loại đồng.