Thị trường kim loại cơ bản lao dốc trước sức ép vĩ mô

17:13 20/12/2024
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch hôm qua, nhóm kim loại tiếp tục chịu áp lực bán mạnh do sức ép vĩ mô gia tăng...

Hiện tại, đồng USD đã bật tăng mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy thái độ cứng rắn hơn trong tiến trình hạ lãi suất trong tương lai. Trong quyết định lãi suất công bố rạng sáng hôm qua (19/12), Fed đã điều chỉnh giảm dự báo quy mô hạ lãi suất trong năm tới, xuống còn 50 điểm cơ bản, tương đương hai lần cắt giảm 25 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất mục tiêu về 3,75 - 4%.

Quy mô cắt giảm này thấp hơn một nửa so với mức 100 điểm cơ bản được đưa ra trong cuộc họp tháng 9. Tới cuối năm 2026, lãi suất chính sách sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản xuống mức 3,4%, cao hơn so với dự báo trước ở mức 2,75 - 3%. Hơn nữa, dự báo lạm phát năm 2025 đã tăng lên 2,5%, cao hơn so với ước tính trước đó là 2,1% và cao hơn nhiều so với mục tiêu ở mức 2% của Fed.

Thái độ cứng rắn hơn này của Fed đã thúc đẩy đồng USD tăng mạnh. Thêm nữa, sức mạnh của đồng USD càng được củng cố sau khi Mỹ điều chỉnh tăng dữ liệu GDP quý III vào hôm qua. Cụ thể, theo số liệu chính thức do Cục Phân tích kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ công bố, GDP quý III của nước này tăng 3,1% so với quý trước, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với số liệu sơ bộ.

Sau khi tăng chạm đỉnh hai năm trong phiên trước đó, chỉ số Dollar Index tiếp tục tăng thêm 0,35% trong phiên hôm qua (ngày 19/12), lên mức 108,41 điểm. Đồng USD mạnh lên làm gia tăng chi phí đầu tư trong khi lãi suất có nguy cơ giảm chậm lại đã khiến giá kim loại quý, mặt hàng nhạy cảm với lãi suất và biến động tiền tệ, tiếp tục giảm mạnh.

Chính vì sự tăng mạnh của đồng USD đã gây áp lực lên các mặt hàng trong nhóm kim loại cơ bản, kéo giá tất cả mặt hàng đều suy yếu. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự sụt giảm gần 1% của giá kẽm LME về mức 2.967 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng một tháng gần đây. Bên cạnh sự mạnh lên của đồng USD, giá mặt hàng này cũng chịu áp lực trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu giảm từ lĩnh vực sản xuất và xây dựng tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Tại thị trường nội địa, theo SteelOnline.vn, giá thép CB240 và D10 CB300 ổn định quanh mốc 13.900 đồng/kg.

Theo báo cáo mới nhất của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, năm 2024 đánh dấu sự phục hồi về sản lượng của thị trường thép xây dựng Việt Nam.

Từ đầu năm 2024, sản lượng tiêu thụ ghi nhận mức tăng trưởng tương đối tốt và đạt 15,8% so với năm 2023, hỗ trợ bởi sự phục hồi của hoạt động xây dựng dân dụng và hạ tầng.

Các sản phẩm thép dẹt cho hoạt động xây dựng như tôn mạ, ống thép… duy trì tăng trưởng sản lượng, không chỉ từ nhu cầu nội địa còn ghi nhận nhu cầu từ thị trường nước ngoài, với sản lượng tôn mạ xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng ở 46,1% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, thép cuộn cán nóng (HRC) với 2 nhà sản xuất chính là Hòa Phát và Formosa ghi nhận sản lượng tương đương so với năm 2023. Nguyên nhân do sản lượng nội địa chiếm 62% tổng sản lượng, tuy nhiên gặp sức ép cạnh tranh từ HRC Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.

Đồng thời, thị trường xuất khẩu chiếm 38% tổng sản lượng cũng gặp khó khăn do các hoạt động phòng vệ thương mại tại thị trường EU trong nửa cuối năm 2024. 

Theo VDSC, thuế chống bán phá giá thép dẹt có thể được áp dụng trong quý 1/2025, các công ty có lợi thế về quy mô và giá thành sẽ có cơ hội lấy thị phần từ các nhà nhập khẩu thép (bị áp thuế chống bán phá giá).

 

Bình luận