Thị trường kim loại cơ bản suy yếu do triển vọng nhu cầu tiêu thụ kém khả quan

10:51 01/04/2025
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), trong phiên giao dịch hôm qua (31/3), hầu hết các mặt hàng kim loại cơ bản đều suy yếu do triển vọng nhu cầu tiêu thụ kém khả quan.

Chốt phiên giao dịch ngày 31/3, giá bạc quay đầu giảm nhẹ 0,58% xuống còn 34,61 USD/ounce, tuy nhiên vẫn cao hơn 17% so với hồi đầu năm. Trong khi đó, giá bạch kim lại bật tăng 3,27% lên mức 1.009 USD/ounce, tăng 11% so với đầu tháng 1.    

Bạch kim là một trong những kim loại thiết yếu trong ngành công nghiệp ô tô. Cho nên, thị trường đang nhiều hoang mang trước ngày Mỹ dự kiến công bố chính sách thuế đối ứng vào ngày 02/4 và chính thức áp thuế 25% đối với ô tô và linh kiện nhập khẩu từ ngày 3/4. Việc áp thuế quan này nhiều khả năng sẽ gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đồng thời đẩy giá xe và các linh kiện tăng đáng kể trong bối cảnh lạm phát vốn đã khiến ô tô đắt đỏ hơn.

Ngoài thuế quan ô tô sắp tới, trước đó ông Trump đã áp thuế quan bổ sung 25% với nhôm và thép nhập khẩu và dọa sẽ áp thêm với đồng. Đây là ba vật liệu quan trọng để sản xuất ô tô, do đó việc tăng thuế quan với các kim loại này cũng sẽ làm tăng chi phí sản xuất ô tô tại Mỹ.

Trên thị trường kim loại cơ bản, đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, giá đồng đánh mất 1,87% xuống còn 11.098 USD/tấn. Trong khi đó, quặng sắt cũng đảo chiều giảm 1,21%, lùi về mức 100,99 USD/tấn. 

Giá đồng chịu áp lực lớn sau khi BNP Paribas cảnh báo giá có thể giảm xuống mức 8.500 USD/tấn vào cuối quý II do nhu cầu sụt giảm khi làn sóng đầu cơ tại Mỹ chấm dứt. Ngân hàng này cũng hạ dự báo tăng trưởng tiêu thụ đồng toàn cầu năm 2025 từ 3,1% xuống còn 2,3%, đồng thời nâng dự báo thặng dư nguồn cung lên 460.000 tấn.

Quặng sắt cũng chịu sức ép khi nhu cầu thép tại Trung Quốc giảm sút. Bộ GTVT Trung Quốc cho biết, đầu tư vào ngành giao thông vận tải hai tháng đầu năm nay đã giảm 5,66% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đầu tư vào đường bộ giảm tới 7,2%. Tuy nhiên, đà giảm của nhóm kim loại cơ bản được hạn chế nhờ chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 3 đạt 50,5 điểm – mức cao nhất trong một năm qua nhờ nhu cầu nội địa cải thiện và hoạt động xuất khẩu gia tăng trước lo ngại về thuế bổ sung từ Mỹ.

Tại thị trường nội địa, mặc dù vẫn chịu tác động từ giá thế giới do căng thẳng thương mại toàn cầu, đặc biệt là thuế quan mới của Mỹ, nhưng nhu cầu sắt thép trong nước đang dần được cải thiện một phần nhờ bước vào mùa xây dựng cao điểm, nhưng quan trọng hơn là động lực từ kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cao nhất từ trước tới nay với nhiều dự án trọng điểm tới hạn hoàn thành trong năm nay. Điển hình có thể kể đến dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, dự án xây dựng sân bay Long Thành và loạt dự án phát triển nhà ở xã hội đang được đẩy mạnh và đẩy nhanh tiến độ. Điều này dự kiến sẽ kéo theo nhu cầu vật liệu xây dựng, trong đó có sắt thép tăng trưởng mạnh mẽ và đẩy giá thép lên trong thời gian tới.

Bình luận