Các dữ liệu gần đây đang cho thấy nền kinh tế Mỹ và khu vực châu Âu đều chịu chung sức ép trong bối cảnh Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất cao.
Đặc biệt là trong tháng Ba, khi nền kinh tế phải đối mặt với khủng hoảng ngân hàng làm tín dụng thắt chặt hơn, khiến hoạt động kinh tế suy yếu và càng dấy lên lo ngại về tình trạng mất việc làm trên diện rộng.
Số liệu Cơ hội việc làm (JOLTs) được công bố mới đây của Mỹ còn chỉ ra thị trường lao động Mỹ thậm chí đã mất đà ngay cả trước khi khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng xảy ra.
Dữ liệu thay đổi việc làm phi nông nghiệp của ADP giảm mạnh 116,000, cho thấy tình hình lao động hạ nhiệt có thể tiếp tục làm gia tăng thêm lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế và làm giảm triển vọng nhu cầu tiêu thụ kim loại công nghiệp.
Ở một diễn biến khác, trước lo ngại nguồn cung thu hẹp tại Chile lại thúc đẩy sức mua cho thị trường đồng trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi vào quý I năm 2023 và giá nhà mới dần ổn định cũng là dấu hiệu tích cực thúc đẩy lực mua cho thị trường kim loại cơ bản.
Theo dữ liệu từ Central Index Institute, giá nhà mới trong quý I năm nay tăng 0,02% so với quý trước, số thành phố ghi nhận giá nhà giảm tiếp tục ít đi trong tháng Ba. Trong quý đầu tiên của năm nay, chính quyền địa phương đã nỗ lực mở rộng các chính sách nhằm tạo điều kiện cho bất động sản phục hồi, bao gồm tối ưu hóa chính sách cho vay quỹ tiết kiệm, nới lỏng hạn chế mua bán, tăng trợ cấp mua nhà và giảm lãi suất thế chấp.
Cũng theo MXV, lực mua kỹ thuật ở vùng hỗ trợ 3,95 USD/pound đã giúp đồng COMEX phục hồi phiên thứ 2 liên tiếp, với mức tăng 0,73% lên 4,01 USD/pound. Chỉ số quản lý mua hàng PMI tổng hợp của Caixin, bao gồm cả hoạt động sản xuất và dịch vụ tại Trung Quốc đã tăng lên mức 54,5 trong tháng 3, đánh dấu mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.
Phí bảo hiểm đồng ở cảng Dương Sơn, phản ánh nhu cầu đồng nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng lên 32,5 USD/tấn vào đầu tuần này, mức tăng đầu tiên sau nửa tháng. Mặc dù tốc độ phục hồi vẫn chậm hơn so với kỳ vọng, nhưng những tín hiệu tích cực này vẫn đang thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Trái với đồng, sau khoảng thời gian dài đi ngang, sức mua đối với quặng sắt, nguyên liệu đầu vào quan trọng trong nền công nghiệp sản xuất thép đã suy yếu rõ rệt, với mức giảm 0,29% xuống 117.5 USD/tấn, mức thấp nhất trong hai tuần qua trong bối cảnh bức tranh trên thị trường thép kém sắc.
Theo dữ liệu từ Mysteel, sản lượng các sản phẩm thép xây dựng, bao gồm thép cây và thép cuộn, giảm 1,04% so với tuần trước xuống còn 4,23 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 6/4, trong khi nhu cầu giảm 6,7% so với tuần trước xuống 4,36 triệu tấn.