Chốt phiên giao dịch đầu tuần, giá bạc tăng nhẹ 0,15% lên 32,5 USD/ounce, trong khi bạch kim ghi nhận mức tăng 1,13% lên 1.032 USD/ounce. Trong khi đó, nhóm kim loại cơ bản cũng khởi sắc với đồng COMEX bật lên 2,57%, chạm mức 4,7 USD/pound (tương đương 10.377 USD/tấn). Giá nhôm trên sàn LME tăng 1,16% lên 2.658 USD/tấn, trong khi quặng sắt nhích 0,58%, đạt 107,3 USD/tấn.

Ngày 07/02, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối ứng lên nhiều quốc gia vào đầu tuần này, với mục tiêu điều chỉnh chính sách thương mại nhằm đảm bảo lợi ích của Mỹ. Theo dữ liệu từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mức thuế trung bình của Mỹ hiện ở mức 2,2%. Đồng thời, nước này muốn gia tăng nguồn thu từ thuế nhập khẩu, vốn chỉ chiếm khoảng 2% tổng thu ngân sách hàng năm.
Thị trường kim loại cơ bản được hưởng lợi khi quyết định áp thuế 25% lên thép và nhôm nhập khẩu của ông Trump được công bố vào cuối tuần trước, chính thức có hiệu lực vào ngày 10/02. Động thái này làm dấy lên lo ngại về tình trạng thắt chặt nguồn cung tại Mỹ, qua đó đẩy giá nhiều mặt hàng kim loại đi lên. Việc chi phí nhập khẩu tăng buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn cung trong nước hoặc từ các thị trường khác với mức giá cao hơn, khiến chi phí sản xuất leo thang.
Giá đồng bật tăng nhờ dự báo nhu cầu tích cực trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt. Theo tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới BHP, đến năm 2050, nhu cầu đồng toàn cầu ước tính tăng 70%, đạt 50 triệu tấn/năm. Trong đó, nhu cầu đồng từ ngành chuyển đổi năng lượng sẽ chiếm 23%, tăng từ mức 7% hiện nay, trong khi nhu cầu từ lĩnh vực kỹ thuật số như trung tâm dữ liệu, 5G, AI sẽ tăng từ 1% lên 6%.
Ngoài ra, giá quặng sắt còn được hỗ trợ nhờ dữ liệu về nhu cầu khôi phục sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán tại Trung Quốc. Theo dữ liệu từ công ty tư vấn ngành thép và quặng sắt Mysteel (Trung Quốc), sản lượng gang nóng trung bình hàng ngày tại các nhà máy thép, chỉ số thường được sử dụng để đánh giá nhu cầu quặng sắt, đã tăng 1,3% so với mức được ghi nhận trước kỳ nghỉ tết, đạt 2,28 triệu tấn vào ngày 05/02.
Tại thị trường nội địa, ngành thép Việt dù đang phải đối diện với rủi ro kép từ thuế bổ sung mà ông Trump đưa ra và cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp được khởi xướng từ năm 2024. Tuy nhiên, nhìn nhận vào thực tế hiện nay, không chỉ có Mỹ mà nhiều quốc gia khác đang có xu hướng tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ hơn. Việc ông Trump áp thuế thép cũng không phải là vấn đề quá mới.
Do vậy, ngành thép Việt cũng không quá bị động trước những tác động trên. Bên cạnh đó, thị trường nội địa đang đón nhận nhiều yếu tố tích cực thúc đẩy để ngành thép phục hồi và phát triển mạnh trong thời gian tới, đó là lĩnh vực đầu tư công và bất động sản. Hiện Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ các vấn đề pháp lý của thị trường bất động sản, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công như cầu, cảng, sân bay, cao tốc, nhà ở xã hội,...