Trên thị trường kim loại quý, kết thúc phiên giao dịch ngày cuối tuần (14/02), giá bạc tiếp tục đi lên mức 32,86 USD/ounce, tương đương tăng 1,27%. Mặc dù giảm nhẹ 0,16% xuống 1.019 USD/ounce trong phiên cuối tuần nhưng giá bạch kim vẫn đang nằm ở vùng giá cao.

Trong tuần qua, hàng loạt dữ liệu về kinh tế, nhiều thay đổi trong chính sách thuế quan của Mỹ đã kéo dòng tiền đổ vào thị trường kim loại quý.
Đáng chú ý, ngày 12/02, Cục Thống kê Lao động Mỹ cũng đã công bố báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của nước này. Báo cáo này đã tiết lộ rằng lạm phát Mỹ tăng 0,5%, vượt qua cả mức tăng 0,4% của tháng 12 và dự báo 0,3% của thị trường. Sự lo lắng tiếp tục gia tăng sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp đặt thuế quan đối ứng đối với các quốc gia đánh thuế hàng nhập khẩu từ Mỹ. Bên cạnh đó Mỹ cũng công bố chỉ số PPI tháng 1, cho thấy giá sản xuất tăng 0,4% trong tháng này.
Dữ liệu kinh tế nóng của Mỹ đã gây ra những dao động trong kỳ vọng về chính sách lãi suất của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed). Điều này phản ánh nhu cầu trú ẩn an toàn vẫn mạnh mẽ, đặc biệt từ các ngân hàng trung ương trên thế giới, trong bối cảnh lo ngại về các mức thuế thương mại mới của Mỹ có thể làm suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Những yếu tố này đã giữ cho giá kim loại quý tiếp tục đứng vững tại vùng giá cao trong tuần vừa qua.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, thị trường đồng COMEX đã có tuần giao dịch sôi động, phiên chốt tuần qua giá tăng mạnh 1,65% lên 10.283 USD/tấn. Quặng sắt cũng ghi nhận mức tăng nhẹ 0,07% lên 106,79 USD/tấn, cao hơn 7% so với giá tháng 01/2025. Theo MXV, nhu cầu hồi phục tại Trung Quốc sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, kết hợp với dự báo của tập đoàn khai khoáng BHP về nhu cầu đồng toàn cầu có thể tăng tới 70% vào năm 2050, đã góp phần đẩy giá đồng tăng trong tuần qua.
Trong khi đó, bão lớn tại Australia đã làm giảm lượng quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc trong hai tháng đầu năm, với ước tính sụt giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 191,7 triệu tấn. Với vai trò cung cấp gần hai phần ba nhu cầu quặng sắt cho Trung Quốc, lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ Australia đã hỗ trợ giá quặng sắt đi lên. Tuy nhiên, việc Ấn Độ đang cân nhắc áp thuế 15-25% lên thép Trung Quốc có khả năng buộc các nhà máy tại quốc gia này phải cắt giảm sản xuất, dẫn đến nhu cầu quặng sắt suy yếu, từ đó cản đà tăng của giá.