Tuần qua, dòng tiền đổ mạnh vào kim loại quý khi lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ gia tăng và căng thẳng thương mại leo thang. Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump tăng thuế nhập khẩu có thể khiến chi phí sản xuất tăng cao, đẩy giá cả leo thang và ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu cũng đối mặt với áp lực chi phí lớn hơn, làm gia tăng nguy cơ thu hẹp quy mô sản xuất và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Thị trường cũng theo dõi sát sao chính sách thương mại của Mỹ, khi khả năng áp thuế đối ứng, thuế đồng và thuế bổ sung đối với hàng hóa châu Âu vẫn còn bỏ ngỏ.
Bên cạnh đó, dữ liệu mới nhất về Chỉ số giá sản xuất (PPI) và Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ cho thấy áp lực lạm phát đang giảm dần, mở ra dư địa để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất. Nếu Fed hạ lãi suất, đồng USD có thể sẽ suy yếu, khiến giá các kim loại quý như bạc và bạch kim trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.
Không chỉ kim loại quý, nhóm kim loại cơ bản cũng có tuần giao dịch khởi sắc. Giá đồng COMEX tăng mạnh 3,95%, chạm mức 4,9 USD/pound (tương đương 10.793 USD/tấn) – cao nhất kể từ cuối tháng 5/2024. Giá thiếc trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) tăng vọt 8,5% lên 35.282 USD/tấn, trong khi giá quặng sắt cũng ghi nhận mức tăng 3,5%, đạt 103,9 USD/tấn.
Động lực chính thúc đẩy nhóm kim loại cơ bản đến từ thông báo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 13/3 về kế hoạch cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào thời điểm thích hợp. Chính sách tiền tệ nới lỏng này giúp duy trì thanh khoản dồi dào, tạo tâm lý tích cực cho thị trường hàng hóa.
Bên cạnh đó, giá đồng được hỗ trợ bởi nguy cơ thiếu hụt nguồn cung tại Mỹ, sau khi Bộ Thương Mại nước này thông báo khả năng áp thuế cao đối với đồng nhập khẩu. Động thái này nhằm khuyến khích sản xuất nội địa nhưng có thể làm hạn chế nguồn cung trên thị trường, đẩy giá đồng đi lên.
Trong khi đó, giá quặng sắt tiếp tục hưởng lợi từ triển vọng nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc. Theo khảo sát của Mysteel, tính đến ngày 13/3, sản lượng gang nóng trung bình hàng ngày tại các nhà máy thép Trung Quốc đã tăng tuần thứ ba liên tiếp, đạt 2,31 triệu tấn. Với mùa cao điểm xây dựng bắt đầu vào tháng 3, nhu cầu quặng sắt được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tại thị trường nội địa, giá thép xây dựng tại các doanh nghiệp vẫn bình ổn. Cụ thể, giá thép CB240 của Hòa Phát ghi nhận 13.480 đồng/kg, trong khi thép CB300 ở mức 13.580 đồng/kg. Ở các doanh nghiệp khác, giá thép CB240 dao động khoảng 13.360 - 13.800 đồng/kg, trong khi thép D10 CB300 khoảng 13560 - 13850 đồng/kg.
Trong bối cảnh ngành thép toàn cầu đang trải qua những biến động lớn, quyết định cắt giảm sản lượng thép của Trung Quốc cũng có sự tác động không nhỏ đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam khi Trung Quốc - quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới, đã thực hiện một loạt các biện pháp để giảm sản lượng thép, nhằm giải quyết các vấn đề môi trường và dư thừa công suất sản xuất.
Một trong những tác động chính của việc này là sự gia tăng giá thép toàn cầu. Khi Trung Quốc giảm sản lượng thép, các quốc gia khác có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung thép, đặc biệt là đối với các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu thép như Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước phải đối mặt với giá nguyên liệu cao hơn, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và khả năng cạnh tranh.
Ngành thép Việt Nam hiện đang phát triển mạnh mẽ và có nhu cầu cao đối với thép nhập khẩu, sẽ không thể tránh khỏi tác động từ việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép. Việc cắt giảm sản lượng thép của Trung Quốc sẽ khiến nguồn cung thép từ quốc gia này giảm, dẫn đến việc các doanh nghiệp thép Việt Nam phải tìm kiếm nguồn cung thay thế từ các quốc gia khác. Điều này có thể làm tăng giá thép nhập khẩu, khiến các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, cơ sở hạ tầng và sản xuất ô tô tại Việt Nam, những ngành tiêu thụ thép lớn, sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn trong việc sử dụng nguyên liệu thép.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc giảm sản lượng thép, giá thép tăng cao cũng giúp các doanh nghiệp sản xuất HRC như HPG gia tăng biên lợi nhuận. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để phát triển ngành thép trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung thép nhập khẩu và tạo ra động lực phát triển cho các nhà máy sản xuất thép trong nước.