Thị trường lao động tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chuyển biến tích cực

06:55 04/09/2024
Nhiều doanh nghiệp không chỉ tuyển dụng mà còn có kế hoạch đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, góp phần phát triển thị trường lao động bền vững, hiện đại.

Dù còn nhiều thách thức nhưng thị trường lao động tại các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang tiếp tục ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong 8 tháng của năm 2024, thu hút đầu tư trong nước của tỉnh ước đạt 50.671 tỷ đồng vốn đăng ký. Thu hút đầu tư nước ngoài cũng ghi nhận nhiều tăng trưởng, đạt 1,097 tỷ USD, trong đó có 129 dự án đầu tư mới và hơn 90 dự án điều chỉnh tăng vốn.

Đây là tín hiệu tích cực thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn. Nhờ đó, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp cũng tăng cao.

Công nhân làm giày da tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Công nhân làm giày da tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Hiện Bình Dương có 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp, thu hút khoảng 1,3 triệu lao động.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực chế biến gỗ, may mặc, ép nhựa, cơ khí… đang lấy lại đà sản xuất.

Trong những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lượng lớn công nhân để đáp ứng đơn hàng.

Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bình Dương nhận định quý 3 và những tháng cuối năm 2024, thị trường lao động tại tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, trong đó nhu cầu tuyển dụng nhiều ở các lĩnh vực điện tử, dịch vụ, công nghiệp cơ khí, may mặc, giáo dục.

Các thành phố Thủ Dầu Một, Tân Uyên và Thuận An - nơi có nhiều khu công nghiệp, hạ tầng giao thông và các dịch vụ hỗ trợ thuận lợi, tiếp tục là những địa bàn có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao.

Một số doanh nghiệp thông báo tuyển lao động bổ sung với các chế độ đãi ngộ hấp dẫn như sắp xếp chỗ ở ký túc xá, thưởng lương tháng thứ 13 và thưởng thêm sau Tết Nguyên đán. Các vị trí tuyển dụng công nhân có tay nghề và lao động phổ thông chiếm phần lớn nhu cầu. Một số doanh nghiệp cũng ưu tiên tuyển lao động nam cho các ngành công nghiệp nặng, trong khi lao động nữ được ưu tiên tuyển dụng trong các ngành dịch vụ và bán lẻ.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không chỉ tuyển dụng mà còn có kế hoạch đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, góp phần phát triển thị trường lao động bền vững, hiện đại.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cũng có nhiều thông tin tích cực về thị trường lao động tại thành phố. Trong 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp ở thành phố cần khoảng trên 153.500 - 161.500 chỗ làm việc, ở các lĩnh vực như thương mại - dịch vụ, công nghiệp xây dựng, nông, lâm, thủy sản... Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 87,7% tổng nhu cầu nhân lực của TP.

Còn theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, chỉ trong một tháng qua, trên chuyên trang của đơn vị đã ghi nhận trên 3.600 người đang tìm việc và khoảng 8.650 công việc cần tuyển dụng. Những vị trí việc làm hoặc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có nhu cầu tuyển nhiều lao động là lao động phổ thông, các doanh nghiệp lĩnh vực da giày, may mặc, sản xuất, kinh doanh thực phẩm - đồ uống...

Công nhân làm việc tại Công ty Cơ khí Động lực Toàn Cầu, khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Cùng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai thông tin những tháng cuối năm các doanh nghiệp trên địa bàn cần tuyển khoảng 40.000 lao động. Mới đây nhất, tại Sàn giao dịch việc làm Đồng Nai diễn ra vào giữa tháng 8, có 20 đơn vị, doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển gần 1.400 lao động, chủ yếu ở các lĩnh vực may mặc, da giày, dịch vụ.

Tại sàn giao dịch lần này, các đơn vị doanh nghiệp đã tư vấn việc làm cho gần 400 lượt lao động và mới chỉ tuyển được trên 230 lao động. Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tiếp tục tuyển dụng để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh.

Theo đại diện bộ phận nhân sự Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sunjin Vina (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) - doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động ở nhiều vị trí việc làm: quản lý kinh doanh thuốc thú y, quản lý trang trại, nhân viên bảo trì hệ thống điện, vận hành máy ép viên, nhân viên kinh doanh thức ăn chăn nuôi...

Tại Sàn giao dịch việc làm Đồng Nai giữa tháng Tám, doanh nghiệp chưa tuyển đủ lao động, đang tiếp tục tuyển dụng để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh.

Thị trường lao động tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục khởi sắc. Song, một số chuyên gia, nhà quản lý cũng nhận định vẫn còn tình trạng người lao động chưa tìm được việc làm phù hợp. Còn đơn vị có nhu cầu lại chưa tuyển đủ số lượng và chất lượng lao động như mong muốn.

Công nhân làm thớt gỗ xuất khẩu Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành, quận Gò Vấp, TP.HCM. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM cho rằng thị trường lao động đang phát triển với yêu cầu tăng nhanh về số lượng lẫn chất lượng nhân lực. Các cơ quan chức năng của Nhà nước cần tăng cường dự báo, hỗ trợ kết nối người lao động với nhà tuyển dụng.

Hiện, nhiều lao động phổ thông lựa chọn bỏ làm công nhân về bán hàng online hoặc đi lái xe công nghệ, giao hàng... Vì vậy, doanh nghiệp cần có mức lương, đãi ngộ hấp dẫn, tạo điều kiện cho người lao động rèn luyện, nâng cao tay nghề, giúp họ yên tâm làm việc.

Đối với người lao động, để có việc làm, thu nhập thu nhập xứng đáng, ngoài trình độ chuyên môn, cần có tinh thần làm việc tích cực, ý thức kỷ luật cao, thích ứng với những thay đổi.

Nguồn: Vietnam+

Bình luận