Báo cáo cho biết, trong tháng 2, sản xuất thép thô nội địa đạt hơn 1,541 triệu tấn, tăng 13,5% so với tháng trước, nhưng giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ thép thô đạt 1,656 triệu tấn, tăng 13,3% so với tháng trước, nhưng giảm 6,9% so với tháng 2/2022. Xuất khẩu thép thô đạt 150.700 tấn, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 2 tháng đầu năm, sản xuất thép thô đạt 2,899 triệu tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ đạt 3,118 triệu tấn, giảm 10%. Xuất khẩu thép thô đạt 13% so với cùng kỳ năm 2022 với sản lượng xuất khẩu là 312.000 tấn.
Đến cuối tháng 02/2023, giá phôi tăng 8 USD/tấn giữ mức 618 USD/tấn. Giá phôi nội địa tăng 1.200 - 1.400 đồng, giữ giá ở mức 14.500 – 14.800 đồng/kg. Bước sang đầu tháng 3, thị trường ghi nhận mức giá chào phôi tăng lên, hiện tại tạm thời chững lại, đi ngang; tuy nhiên lượng giao dịch trên thị trường vẫn sôi động hơn so với những tuần trước đó
Dữ liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) cho thấy, các yếu tố không thuận lợi đã khiến sản lượng thép thô toàn cầu giảm 4,3%, xuống còn 1,83 tỷ tấn trong năm 2022. Hầu hết các hoạt động sản xuất bị đình trệ khó có thể quay trở lại vào năm 2023. Vì vậy, cán cân cung - cầu hiện tại sẽ không thay đổi nhiều và có thể tiếp tục kéo dài sang nửa cuối năm.
Thép xây dựng có sản lượng sản xuất tháng 2 đạt 947.429 tấn, tăng 8,17% so với tháng trước, nhưng giảm 10,7% so với tháng 2/2022. Bán hàng đạt 892.403 tấn, tăng 5,7% so với tháng trước, nhưng giảm 24,3% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 114.537 tấn, chỉ bằng 68,1% so với tháng 2.
VSA đánh giá, thị trường bất động sản trì trệ cùng với hệ thống ngân hàng siết chặt tín dụng nên sử dụng thép xây dựng ở mức thấp so với kỳ vọng vào mùa xây dựng sau Tết.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép xây dựng đạt 1,823 triệu tấn, giảm 15,4% so với cùng kỳ 2022. Bán hàng đạt 1,736 triệu tấn, giảm 22,3%; trong đó, xuất khẩu đạt 262.000 tấn, giảm 34,5%.
Đáng chú ý, Hòa Phát là nhà sản xuất thép xây dựng với 599.841 tấn, chiếm 33,81% thị phần; xếp sau là VNSteel sản xuất 266.168 tấn, chiếm 12,92% thị phần. Tiếp theo là Formosa Hà Tĩnh, Việt Đức, POSCO Yamato Vina,…
Thép cuộn cán nóng (HRC) trong tháng 2, sản xuất HRC đạt 546.795 tấn, tăng 21,25% so với tháng 1/2023, nhưng giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng đạt 530.304 tấn, tăng 42,67% so với tháng trước, nhưng giảm 9,7% so với cùng kỳ 2022.
Tính chung 2 tháng đầu năm, sản xuất HRC đạt 997.000 tấn, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng đạt 901.000 tấn, giảm 21,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 382.000 tấn.
Thép thành phẩm các loại cũng ghi nhận sản xuất 2,35 triệu tấn, tăng 21,91% so với tháng 01/2023, nhưng giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép các loại đạt 2,08 triệu tấn, tăng 18,13% so với tháng trước, nhưng giảm 19% so với cùng kỳ.
Tính chung 2 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm đạt 4,285 triệu tấn, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng đạt 3,851 triệu tấn, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu đạt 1 triệu tấn.
Tính tổng cộng từ đầu năm đến nay giá thép đã được điều chỉnh tăng tới 5 lần, nâng tổng số các lần tăng tới 2 triệu đồng mỗi tấn thép (tùy loại). Hầu hết các loại thép đang dao động ở mức hơn 15 đến hơn 17 triệu đồng/tấn. Cá biệt có thép Pomina lên tới gần 19 triệu đồng/tấn. Với mức giá trên được xuất bán tại các nhà máy, còn giá bán lẻ tại cửa hàng sẽ đội thêm nhiều lần do chi phí vận chuyển từ nhà máy đến nơi tiêu thụ.
VSA cũng lý giải thực chất giá sắt liên tục tăng lên bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến các nhà máy trong nước buộc phải nâng giá bán để giảm lỗ. Tuy bình quân giá thép vào cuối tháng có 2 tăng nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 8%.
Được biết, động thái tăng giá bán do nguyên liệu đầu vào khan hiếm khi nhiều nhà máy đã dừng sản xuất phôi một số lò từ năm trước. Ngoài ra, còn do các nhà máy phải trả đơn hàng đã ký từ trong năm, làm giá thép tăng cục bộ bởi nguồn cung ít.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp thép vẫn đang phải xoay xở với lượng hàng tồn kho giá cao, thậm chí là sản xuất cầm chừng.
Nhiều chuyên gia dự báo, nhu cầu thép trong nước có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự hồi phục, trong năm nay chỉ có thể trông chờ vào các dự án đầu tư công.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, tại Việt Nam, áp lực từ các nền kinh tế lớn sẽ khiến cho các doanh nghiệp sản xuất nội địa khó khăn hơn trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thép xây dựng.Trong khi đó, ngành thép vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, biến động giá cũng sẽ là yếu tố gây ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng nhận định, trong quý I này, giá thép có thể phục hồi 2-3% so với cùng kỳ do tính mùa vụ và giá thép thế giới phục hồi khi Trung Quốc mở cửa. Sang quý II và III/2023, diễn biến giá thép sẽ phụ thuộc vào mức độ phục hồi từ nhu cầu thép.
Do đó, nút gỡ lớn nhất cho các doanh nghiệp ngành thép hiện nay chính là chờ nhu cầu tiêu thụ tăng cao để giải quyết bài toán cung vượt cầu hiện nay.