Thị trường thép nội tiếp tục điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn

12:41 26/03/2024
Nhiều nhà sản xuất thép lớn như: Hòa Phát, Việt Đức, Gang thép Thái Nguyên,... vừa thông báo giảm giá bán thép thêm 100.000 đồng/tấn đối với dòng thép cây các loại. Đây là đợt giảm giá thép chính thức thứ 3 liên tiếp trong tháng 3 này.

Cụ thể, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên cho biết, trong tình hình giá phôi thép, chi phí nguyên liệu vật liệu đầu vào giảm, Công ty quyết định giảm giá sản phẩm thép cây mức 100.000 đồng/tấn. Mức giá giảm được áp dụng kể từ ngày 25/3/2024. Phạm vi áp dụng trên toàn miền Bắc.

Cùng chung xu hướng giảm, Công ty TNHH MTV Hòa Phát Bình Định cũng thông báo giảm giá thép cây các loại 100.000 đồng/tấn. Phạm vi áp dụng tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kom Tum, Đắk Lắk, Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Không chỉ Hòa Phát, Công ty CP Tập đoàn Sản xuất thép Việt Đức cũng ra thông báo giảm giá thép cây các chủng loại VGS mức giảm 100 đồng/kg (tương đương 100.000 đồng/tấn, chưa bao gồm VAT 10%). Phạm vi áp dụng tại thị trường miền Bắc và miền Trung ngay trong ngày 25/3.

Trong kỳ điều chỉnh giá lần này, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) cũng ra thông báo giảm giá sản phẩm cốt thép bê tông dạng cây mức 100.000 đồng/tấn.

Trước biến động của thị trường, giá phôi thép, thép phế và một số nguyên vật liệu đầu vào giảm nên từ đầu tháng 3 tới nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép nội địa đã đồng loạt điều chỉnh giảm giá tới 3 lần liên tiếp, nâng tổng số giảm lên khoảng 500.000 đồng/tấn, chủ yếu áp dụng đối với dòng thép cây các loại. Hiện giá thép đang dao động quanh mức hơn 14.000.000 đồng/tấn.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, tiêu thụ thép trong nước 2 tháng đầu năm nay đạt khoảng 2,7 triệu tấn, giảm nhẹ so với mức 2,8 triệu tấn của thời điểm cách đây một năm, do trùng kỳ nghỉ tết Nguyên đán.

Từ đầu quý I/2024, giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép đang trong xu hướng giảm, nhưng các chi phí tài chính và tỷ giá USD tăng khá cao, cộng với nhu cầu tiêu thụ thép vẫn còn khá thấp nên các nhà máy buộc phải điều chỉnh giảm giá bán để đẩy bớt lượng hàng tồn kho, nhằm bù lại một phần chi phí sản xuất tăng.

Với những khó khăn nội tại của ngành thép Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ nội địa thấp, cộng thêm sức ép từ thép nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất thép càng thêm khó khăn.

Mặc dù tình hình thị trường tiêu thụ thép nội địa vẫn chưa mấy khởi sắc, nhưng thị trường xuất khẩu thép lại có nhiều dấu hiệu khả quan. 

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thép các loại trong tháng 02/2024 của Việt Nam đạt 996 triệu tấn, giảm 14,2% về lượng và 8,9% về trị giá so với tháng trước; nhưng tăng 25% về lượng và 24,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thép các loại đạt 2,15 triệu tấn, với trị giá 1,57 tỷ USD, tăng 50,8% về lượng và tăng 51,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

EU là thị trường nhập khẩu thép lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay, chiếm 27,1% tổng lượng, đạt 633.789 tấn, với trị giá 425 triệu USD, tăng 2,2 lần cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, Italy là thị trường nhập khẩu thép của Việt Nam nhiều nhất với 387 nghìn tấn, tăng 104% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, xuất khẩu thép sang Mỹ đạt 298 nghìn tấn, tăng 226% và sang Malaysia đạt 176 nghìn tấn, tăng 69%. 

Đáng chú ý, xuất khẩu thép sang thị trường Singapore tăng tới 154 lần về lượng và hơn 57 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 39.004 tấn, trị giá 21,5 triệu USD.

Như vậy, 3 quốc gia dẫn đầu về lượng sắt thép nhập khẩu của Việt Nam là Italy, Mỹ và Malaysia. Đặc biệt, lượng thép xuất khẩu sang 3 thị trường này đều tăng trưởng ở mức 3 con số.

Bình luận