Thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam đã nóng trở lại?

13:36 22/02/2023
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sắt thép từ ngày 01/02 – 15/02 năm nay đã tăng vọt gấp đôi. Giá trị xuất khẩu cũng đã tăng mạnh hơn 63,5%.

Cụ thể, tính trong 15 ngày đầu tháng 02 vừa qua, nước ta đã xuất khẩu hơn 303 nghìn tấn sắt thép các loại, thu về kim ngạch 227,5 triệu USD.

Như vậy, sau một thời gian dài giá các mặt hàng sắt thép liên tục lao dốc, cộng thêm sức ép về triển vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại, ngành thép Việt Nam đã phải đối diện với nhiều thách thức, nhất là về năng lực tiêu thụ, thì kênh xuất khẩu được nhận định là sự kỳ vọng tích cực nhất và cũng là thế mạnh chính của Việt Nam.

Đang chú ý, đầu năm 2023, thép của Tập đoàn Hòa Phát cũng có nhiều đơn hàng xuất khẩu tới các thị trường khu vực châu Mỹ, châu Á và châu Úc như: Mỹ, Canada, Mexico, Puerto Rico, Úc, Malaysia, Hồng Kông, Campuchia…

Thị trường xuất khẩu của Hòa Phát hiện đã mở rộng khắp 5 châu. Việc khai thác các thị trường xuất khẩu giúp Hòa Phát đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đồng thời góp phần thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam. Đây không chỉ là tín hiệu vui của riêng Tập đoàn Hòa Phát, mà cho cả ngành sản xuất thép Việt Nam.

Theo thông tin mới nhất của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), tháng 1/2023, với sản lượng sản xuất trên 326.400 tấn và sản lượng bán hàng trên 304.200 tấn, Tập đoàn Hòa Phát đã nâng thị phần thép xây dựng từ khoảng 35% cuối năm 2022 lên 36,05%, dẫn đầu các doanh nghiệp thép trong nước.

Vừa qua, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cũng nhận định, giá các kim loại cơ bản đang dần nhận được tín hiệu khởi sắc hơn sau một giai đoạn chịu các sức ép từ cả yếu tố vĩ mô và nhu cầu tiêu thụ trên thực tế.

Nhiều khả năng xu hướng tích cực này sẽ được duy trì trong thời gian tới, nhất là với nhu cầu lấp đầy các kho dự trữ nhằm phục vụ cho các triển vọng tích cực về nhu cầu trên thị trường Trung Quốc.

Bất động sản tại Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu ổn định trở lại, sẽ là điểm sáng cho việc tiêu thụ các kim loại trong lĩnh vực xây dựng, từ đó hỗ trợ cho giá đồng và sắt thép.

Hiện tại, với thị trường nội địa, giá thép cũng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Kể từ đầu năm tới nay, thị trường thép trong nước thực sự sôi động khi liên tiếp chứng kiến các thương hiệu thép lớn trong nước điều chỉnh tăng giá bán tới 04 lần, nâng tổng số lên gần 2 triệu đồng/tấn, hiện giá đang dao động ở mức hơn 15 triệu đến hơn 16 triệu đồng/tấn.

Có thể thấy, tín hiệu xuất khẩu khởi sắc trở lại đã mang đến kỳ vọng tích cực hơn cho ngành sản xuất sắt thép xây dựng trong nước, góp phần vào đà phục hồi, tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp sản xuất thép tiếp tục phát triển hơn nữa.

 

Bình luận