Thiết kế và lựa chọn cây xanh tạo cảnh quan tại các đô thị sông nước Cần Thơ

Trên thế giới đã đưa ra nhiều quan niệm khác nhau về tạo lập môi trường sinh thái trong đô thị, tuy nhiên ở bất cứ quan điểm nào thì cây xanh đô thị cũng là một thành phần rất quan trọng để tạo nên một môi trường sống tốt và việc xây dựng hệ thống quản lý phù hợp là yếu tố then chốt.
Thiết kế và lựa chọn cây xanh tạo cảnh quan tại các đô thị sông nước Cần Thơ
Nguồn ảnh: INT

1. Đặt vấn đề 

Trong quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, cây xanh là một trong những yếu tố quan trọng xây dựng cảnh quan, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt của từng đô thị cũng như cải tạo môi trường sinh thái. Tạo môi trường sống thoải mái, trong lành, nuôi dưỡng lối sống lành mạnh; giảm thiểu hình ảnh “rừng bê tông”, từ đó khuyến khích người dân đi bộ, gián tiếp giảm việc sử dụng phương tiện cơ giới trong đô thị, tăng giá trị mỹ quan đô thị. 

Cây xanh giúp góp phần giảm bức xạ nhiệt, điều hoà không khí và nhiệt độ cho đô thị, cung cấp đầy đủ lượng oxy góp phần bảo vệ sức khỏe người dân trong điều kiện biến đổi khí hậu xảy ra ngày càng khốc liệt và diễn biến bất thường.

Bên cạnh đó, giảm ô nhiễm, góp phần khống chế xói mòn đất và tăng tỉ lệ thẩm thấu nước mưa, tăng cường đa dạng sinh học. Cây xanh cũng góp phần thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế xã hội. 

Trên thế giới đã đưa ra nhiều quan niệm khác nhau về tạo lập môi trường sinh thái trong đô thị, tuy nhiên ở bất cứ quan điểm nào thì cây xanh đô thị cũng là một thành phần rất quan trọng để tạo nên một môi trường sống tốt và việc xây dựng hệ thống quản lý phù hợp là yếu tố then chốt. Là phương thức hiệu quả để quản lý và phát triển cây xanh đô thị.

Trong đó, những lưu ý trong thiết kế và lựa chọn cây xanh tạo cảnh quan tại các đô thị sông nước Cần Thơ là cần thiết trong quản lý và phát triển cây xanh đô thị.

2. Phân loại cây xanh trong đô thị  

Theo mục đích sử dụng, cây xanh trong đô thị được phân thành nhiều loại:

- Cây xanh phòng hộ: (i) Trồng tại dải cây xanh cách ly, vệ sinh (giữa khu nhà ở, khu xí nghiệp công nghiệp để loại trừ/giảm bớt ảnh hưởng vệ sinh môi trường); (ii) Rừng chắn gió, chắn cát (tránh gió to và gió cát bồi lấp, tấn công đất đai đô thị); (iii) Dải cây xanh chống xói lở (dọc bờ sông, ven hồ, ven biển, trên sườn núi, sườn dốc để cải tạo và gia cố đất, chống xói lở);

- Cây xanh vườn ươm được bố trí ở vườn ươm và trại hoa;

- Cây xanh chuyên dụng ở các nơi danh lam thắng cảnh, cây xanh vườn bách thú, cây xanh vườn bách thảo.

3. Những lưu ý trong thiết kế cây xanh đô thị

3.1. Quy định chung, yêu cầu và quy cách trồng cây xanh đô thị

1) Quy định chung về cây xanh đô thị

- Các quy định về chỉ tiêu, chỉ số đất đai về cây xanh chuyên dụng là cơ sở để áp dụng trong các hoạt động quản lý đô thị và cây xanh trong đô thị.

- Cây xanh chuyên dụng phải được gắn kết chung với các loại cây xanh sử dụng công cộng và vành đai xanh ngoài đô thị (kể cả mặt nước) thành một hệ thống hoàn chỉnh, liên tục.

- Quy hoạch và trồng cây xanh chuyên dụng không được làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông, làm hư hại công trình kiến trúc, hạ tầng, kỹ thuật đô thị, không gây nguy hiểm tới người sử dụng và khu vực xung quanh. [1]

2) Yêu cầu về hệ thống cây xanh đô thị 

- Về kích thước: Cây trưởng thành có kích thước là cây gỗ lớn, trung bình, gỗ nhỏ và cây bụi.

- Về yêu cầu sinh thái: Chọn cây có tuổi thọ cao, cây ưa sáng, ưa bóng, có khả năng sinh trưởng tốt, điều kiện lập địa cao hay thấp, thoát nước tốt hay kém.

- Về màu sắc: Chọn cây chú ý phối kết màu sắc cả bốn mùa, cây lá rộng thường xanh, rụng lá, bán rụng lá, hoa lá có màu sắc tươi, đẹp.

- Về hình dáng: Có dáng đẹp, tán lá cân đối, tỉa cành cao.

- Các tiêu chuẩn khác: Cây không có mủ độc, không có cành nhánh giòn dễ gãy, ít hay không có gai, có khả năng tiết các chất thơm, cho bóng mát rộng, các chất phitoxit diệt khuẩn. Tránh trồng cây ăn quả hấp dẫn trẻ em. 

- Về quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị phải đảm bảo: (i) Các quy định chung trong các đô thị (bao gồm: Cây xanh công viên, cây xanh vườn hoa, cây xanh đường phố).

Trong đó, cây xanh sử dụng công cộng phải được gắn kết chung với các loại cây xanh khác; đặc biệt là các cây xanh chuyên môn, cây xanh vành đai đô thị để tạo ra hệ thống hoàn chỉnh; (ii) Các quy hoạch và trồng cây xanh công cộng không được làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông; không được làm hư hại công trình kiến trúc, hạ tầng, kỹ thuật đô thị; không gây nguy hiểm tới người sử dụng và môi trường sống cư dân trong thành phố.  [1]

3) Quy cách trồng cây xanh đô thị

- Các tuyến đường lớn có vỉa hè rộng trên 5m chỉ trồng các loại cây có độ cao tối đa khoảng 15m.

- Các tuyến đường hẹp có vỉa hè rộng từ 3 - 5m chỉ trồng các loại cây có độ cao tối đa khoảng 12m.

- Khoảng cách các cây trồng trên đường phố có thể từ 7 - 10m.

- Cây trồng phải cách trụ điện 3m, cách giao lộ 5m, cách miệng hố ga 2m…

- Các tuyến đường có lưới điện cao thế chạy dọc trên vỉa hè với diện tích hẹp, công trình ngầm chỉ được trồng cây cao không quá 4m hoặc trồng hoa…

- Kết hợp nhiều loại cây xanh khác nhau để phong phú và tô điểm cho không gian.

- Sử dụng nhiều loại cây, loại hoa có lá, hoa màu sắc phong phú theo bốn mùa.

- Thiết kế cây xanh cho đô thị thành nhiều tầng cao thấp. Sao cho cây thân gỗ, cây bụi và cỏ phù hợp với công trình kiến trúc. [1]

3.2. Những lưu ý trong thiết kế cảnh quan trung tâm đô thị

1) Thiết kế cảnh quan trục giao thông 

a. Trục đường chính:

Việc lựa chọn cây bóng mát phải phù hợp với quy mô, không gian của cảnh quan hiện có. Tăng cường trồng cây bóng mát trên trục đường chính sẽ mang lại bóng mát và bầu không khí dễ chịu, mát mẻ. (Hình 1)

Hình 1. Trồng cây bóng mát trục đường chính.

b. Trồng cây bóng mát khu vực đường mới:

Cần tạo một dải phân cách cây xanh (rộng 1,5 - 3m) trong khu vực đường mới với mục đích trồng cây bóng mát có thể phân làn xe riêng biệt với lối đi bộ, tạo môi trường an toàn. Phân nhánh dưới 3m từ mặt đất phải được cắt, để không làm phiền sự di chuyển của người đi bộ và phương tiện tham gia giao thông. (Hình 2)

Hình 2. Trồng cây bóng mát trục đường mới.

c. Trồng cây bóng mát bằng một hoặc nhiều loại cây khác nhau:

- Căn cứ theo diện tích và không gian để sử dụng một hay nhiều loại cây kết hợp nhằm đảm bảo công năng tạo bóng mát của hệ thống cây xanh với cảnh quan tổng thể.

- Cây xanh được lựa chọn và trồng đúng với quy cách để đảm bảo công năng và yêu cầu của giao thông đô thị. (Hình 3)

d. Trồng cây bóng mát đan xen với cây cỡ vừa:

Đan xen bằng cách sử dụng cây cỡ trung bình để có được hiệu ứng khác biệt trực quan và để giảm tác động mệt mỏi khi lái xe. Ngoài ra, việc trồng cây như vậy có tác dụng làm tăng bóng mát cho đường phố ở nhiều quãng thời gian trong ngày. (Hình 4)

Hình 3. Trồng một hoặc nhiều loại cây bóng mát.     
Hình 4. Trồng cây bóng mát đan xen.

e. Trồng cây bóng mát khu vực đường trên cao:

Ưu tiên trồng cây bóng mát ở mọi không gian xanh gần đường trên cao và phải đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. (Hình 5)

f. Trồng cây tại các nút giao thông:

Cần tính đến việc trồng cây tại các nút giao thông đường bộ: 

- Tầm nhìn của người lái xe (tầm nhìn trong khu vực A, B, C) cần rõ ràng;

- Việc trồng cây bụi là tối thiểu hoặc lớp phủ mặt đất có chiều cao thấp hơn 0.5m để không làm xáo trộn tầm nhìn người lái xe. (Hình 6)

Hình 5. Trồng cây bóng mát cạnh đường trên cao     
Hình 6. Trồng cây bóng mát tại nút giao thông

g. Trồng cây bóng mát khu vực vòng xoay:

Mép ngoài của vòng xoay không trồng cây có tán lớn gây hạn chế tầm nhìn và ảnh hưởng tới việc tham gia giao thông. Cân đối theo diện tích và tổng thể cảnh quan khu vực giao thông quanh vòng xoay để lựa chọn các loại cây cho phù hợp. (Hình 7)

h. Một số vấn đề cần khắc phục:

- Đối với những con đường có địa hình xấu hoặc gần với đường sắt, nên lắp đặt barrier hoặc tạo cây hàng rào an toàn cho người đi bộ. Đồng thời nên sử dụng cây có tán mọc vừa phải, thường xuyên kiểm tra, cắt tỉa để đảm bảo an toàn hành lang đường sắt. (Hình 8)

Hình 7. Trồng cây bóng mát tại vòng xoay.     
Hình 8. Trồng cây bóng mát tại vòng xoay.

- Trồng các loại cây không có chức năng che bóng như: Cau vua, Hoàng Nam ven đường và các khu vực phát triển cảnh quan khác không được khuyến khích.

Hình 9. Trồng cây bóng mát các nơi khác

2) Thiết kế cảnh quan công viên

Thiết kế công viên trong thế kỷ 21 không đơn giản là trồng thêm, tạo thêm không gian xanh, giảm “rừng bê tông”, mà cần tạo ra một hệ sinh thái bền vững, nơi mà hệ động thực vật và con người cùng phát triển và có sự tương hỗ cho nhau. 

Hệ sinh thái bền vững đòi hỏi phải trồng nhiều cây, và phải chọn lọc, kết hợp các loài cây, chọn khoảng cách thích hợp để tạo ra một diện mạo thảm thực vật đa tầng đẹp; có khả năng phát triển, cộng sinh, có sức đề kháng tốt. 

Thiết kế cảnh quan công viên phù hợp, nếu được quy hoạch thông minh, nơi đây sẽ là một hệ sinh thái thu nhỏ, có khả năng điều hoà không khí, làm giảm hiệu ứng nhà kính; đồng thời công viên sẽ trở thành nơi tích trữ nước mưa tạm thời, nhằm giảm đáng kể nguy cơ lũ lụt do thiên tai.

Do vậy, trong thiết kế cảnh quan công viên cần lưu ý đến các công tác trồng, tỉa cây, trồng nhiều tầng và mang tính bảo tồn, đặc trưng văn hoá lịch sử vùng miền. Tạo ra một hệ thống trồng đa cấp giống như một hệ sinh thái rừng, từ đó tạo ra một chuỗi thức ăn sinh học đa dạng, và kiểu sinh thái này được gọi là công viên bền vững.

a. Trồng và tỉa thưa:

Lựa chọn loại cây và số lượng tán cây thích hợp, khoảng cách trồng hợp lý tạo một phần quan trọng của môi trường trồng cây. Đối với những công viên cũ nếu có mật độ trồng cây dày, quá rậm rạp, cần được tỉa thưa bớt. 

Tỉa thưa không phải là chặt bớt cây, mà là tạo môi trường mới thoải mái hơn cho cây, giúp cây (hiện tại và cây tỉa bớt) phát triển tốt hơn, đây là cách cải thiện môi trường sinh thái bền vững rất phổ biến.

b. Hệ thống trồng nhiều tầng:

Không gian trồng nhiều tầng dưới tán cây là một phần quan trọng của môi trường trồng cây. Hệ thống trồng nhiều tầng hợp lý, giúp duy trì sự lành mạnh của đất, thông qua các loại cây bụi chịu bóng hoặc che phủ dưới các tán cây này giúp đất được bão hòa ẩm và độ ẩm, bảo vệ bộ rễ của cây; 

Đồng thời, những lá rụng trở thành chất dinh dưỡng cho cây, từ đó thu hút nhiều sinh vật/chim đa dạng hơn phát triển. Một hệ thống đa dạng và tự cung tự cấp như vậy chính là hệ sinh thái bền vững. [3]

c. Thiết kế mang tính bảo tồn, đặc trưng văn hoá lịch sử vùng miền:

Xây dựng các đề án có tính khả thi để xây dựng công viên có quy mô lớn phục vụ cho cộng đồng và xã hội: 

- Công viên sưu tập và bảo tồn kiểng lá hoặc các loại tre…

- Công viên mang tính văn hoá lịch sử: Lựa chọn các loại cây đặc trưng; cây ăn trái đặc trưng; kết hợp với các làng nghề tạo ra sự đa dạng và phong phú, nhằm bảo tồn, giáo dục và phát triển kinh tế. 

4. Lưu ý trong lựa chọn cây xanh đô thị vùng sông nước

4.1. Tiêu chuẩn lựa chọn cây xanh đô thị 

- Sử dụng các loại cây chịu được gió lớn, bụi, kháng sâu bệnh, chịu ngập và chịu được mặn. 

- Cây phải có dáng đẹp, thân đẹp, thẳng, không che tầm nhìn giao thông.

- Cây có rễ ăn sâu, không có rễ nổi, tránh trường hợp bị đổ khi gió bão.

- Cây xanh đảm bảo có lá xanh quanh năm, không rụng lá trơ cành; hoặc nếu rụng lá vào mùa đông cũng phải có dáng, màu đẹp.

- Cây xanh không tạo quả hoặc cho quả nhưng không gây hấp dẫn ruồi muỗi.

- Hạn chế tối đa các loại cây xanh có hoa, quả có mùi gây khó chịu hoặc có thành phần gây dị ứng, có gai sắc nhọn. [1]

- Sử dụng những loại cây được phê duyệt và phù hợp với địa lý, khí hậu từng đô thị.

4.2. Lựa chọn cây xanh đô thị

1) Lựa chọn cây bóng mát (thấp nhất 5m, cao nhất 25m) [2], [3]

Danh sách các loài cây gợi ý trên đây thuộc loại dễ trồng, nhanh lớn ngày càng phát triển và dễ bảo trì để tạo sự đồng nhất và hiệu quả trồng. Tuy nhiên, các loài khác có thể được sử dụng tùy thuộc vào sự phù hợp thổ nhưỡng. Khoảng cách trồng phụ thuộc vào địa điểm, độ rộng của khu bảo tồn cảnh quan có sẵn và loại cây đã chọn. 

2) Lựa chọn cây tạo hình, khóm, bụi, dây leo  [3], [4]

5. Kết luận

Với những phân tích tổng quát và đánh giá trên đây, khi thiết kế cảnh quan và lựa chọn cây xanh các quận trung tâm TP Cần Thơ, cần lưu ý đảm bảo yếu tố về sinh quyển, điều hoà không khí, kết hợp với các làng nghề tạo sự đa dạng, phong phú góp phần bảo vệ môi trường, tạo môi trường sống lành mạnh, bảo tồn, giáo dục thế hệ trẻ và phát triển kinh tế - xã hội. Xứng tầm vị thế và bản sắc của TP Cần Thơ theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2045 là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thuộc nhóm các thành phố phát triển châu Á.

* Tít bài do Tòa soạn đặt

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN 8270:2009 và TCVN 9257:2012.
[2]. Pietro Puccio. 2022. Monaco Nature Encyclopedia. https://www.monaconatureencyclopedia.com.
[3]. Cifor. 2022. Energy from forests: Calophyllum inophyllum (Tamanu tree). https://www.cifor.org/feature/energy-from-forests/calophyllum-inophyllum.
[4]. Plantmark. Plant Finder: Hibiscus tiliaceus Rubra. https://www.plantmark.com.au/hibiscus-tiliaceus-rubra. 

Bình luận