Chủ trương này được triển khai trên cơ sở báo cáo của UBND TP.HCM và ý kiến của các bộ, ngành, các địa phương cùng thống nhất.
Đối với Vành đai 4, tiếp tục nghiên cứu đánh giá đề xuất tính khả thi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1263/TTg-CNngày 29/9/2021.
UBND TP.HCM là cơ quan chuẩn bị đầu tư Dự án Vành đai 3 (cơ quan tổ chức lập, trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) tổ chức hội thảo, xin ý kiến các cơ quan liên quan, các đối tượng tác động, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, hoàn thiện dự thảo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án vào đầu tháng 02/2022, cho bảo đảm tiến độ, chất lượng trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2022.
UBND TP.HCM thành lập ngay Tổ công tác nghiên cứu, chuẩn bị phương án đầu tư tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, do Chủ tịch UBND TP.HCM là Tổ trưởng, các thành phần Tổ công tác là lãnh đạo của các Bộ, ngành liên quan, cùng Chủ tịch UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2022;
Rà soát kỹ lưỡng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư bảo đảm tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả, khả thi, tuân thủ quy định pháp luật tránh lãng phí, tham nhũng, tiêu cực;
Rà soát kỹ các loại đơn giá và phân tích, giải trình rõ lý do tại sao suất đầu tư 01 km đường của Dự án cao;
Rà soát kỹ lưỡng hướng tuyển, quy mô đầu tư (trong đó nghiên cứu giảm số lượng nút giao cho phù hợp với tính chất cao tốc đô thị) để không lãng phí và hiệu quả.
Nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ vốn hợp lý, khả thi, hiệu quả giữa trung ương, địa phương và các cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để triển khai dự án nhanh nhất có thể.
Phấn đấu báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 05/02/2022.
Trước đó, vào ngày 15/01/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về Dự án đường Vành đai 3 và Vành đai 4 TP.HCM theo hình thức trực tiếp và trực tuyến cùng lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuyến đường Vành đai 3 và Vành đai 4 TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra không gian phát triển mới.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo nghiên cứu phương án triển khai đầu tư. Tuy nhiên, do các dự án đi qua các đô thị, có tổng mức đầu tư lớn, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư rất cao, nên việc đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP gặp nhiều khó khăn và khó khả thi, nhất là đường Vành đai 3.