Nhìn trước những khó khăn - Quyết liệt trong chỉ đạo điều hành
Ngay từ đầu năm 2022, Bộ Xây dựng đã xác định tình hình kinh tế trong nước sẽ phải ứng phó với những vấn đề lớn phát sinh, chưa có tiền lệ, thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành các Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Bộ Xây dựng đã ban hành Chương trình hành động để triển khai với 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 80 nhiệm vụ cụ thể, trong đó phân công rõ đơn vị chủ trì, tiến độ, thời gian hoàn thành.
Đặc biệt, Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/BCSĐ ngày 25/4/2022 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành Xây dựng năm 2022, trong đó xác định và chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện các nhóm giải pháp chính, tập trung thực hiện 3 khâu đột phá của ngành Xây dựng: (1) Hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng; (2) Tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị; (3) Đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản; nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.
Việc Bộ Xây dựng đã xác định đúng, đầy đủ, tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ lớn, then chốt, có trọng tâm, trọng điểm đã tạo chuyển biến tích cực, kết quả đạt được cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022.
Theo đó, năm 2022, tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng ước đạt 8 - 8,5%; Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 41,7%, tăng 1,2% so với năm 2021; Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%; tỷ lệ lập quy hoạch phân khu đối với 22 đô thị loại I và 02 đô thị loại đặc biệt đạt khoảng 79%; tỷ lệ lập quy hoạch chi tiết bình quân cả nước đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị.
Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 25,5 m2 sàn/người, tăng 0,5 m2 sàn/người so với năm 2021. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 94,2%, tăng 2,2% so với năm 2021.
Tổng công suất các nhà máy nước đô thị và vùng nông thôn lân cận đã đạt khoảng 12,6 triệu m3/ngđ với tổng số hơn 750 nhà máy nước sạch. Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm xuống còn 16,5%, giảm 0,7% so với năm 2021. Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom xử lý đạt khoảng 15%.
Giá trị sản xuất xi măng ước đạt sản lượng sản xuất đạt 85,36 triệu tấn, giảm 9,92% so với năm 2021, tiêu thụ 87,31 triệu tấn, giảm 9,81% so với năm 2021.
Thực hiện 7 nội dung lớn đem lại hiệu quả toàn Ngành
Để đạt được kết quả vượt bậc, điểm lại một năm nỗ lực vượt khó, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, là do toàn ngành Xây dựng đã triển khai hiệu quả, quyết liệt những nội dung lớn, bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, cụ thể hóa bằng các chính sách sát thực tiễn; đề xuất kịp thời với Chính phủ, các bộ ngành liên quan, để ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ nhất, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã thực hiện trách nhiệm giải trình chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề trọng tâm, được xã hội quan tâm của ngành Xây dựng, đề xuất giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế thời gian qua... được Quốc hội cùng cử tri đánh giá cao.
Thứ hai, xác định hoàn thiện thể chế, pháp luật về xây dựng là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng.
Thứ ba, Bộ Xây dựng đã tích cực phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam. Đây là cơ sở để các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương tập trung thực hiện công tác hoàn thiện thể chế và ban hành các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị đến năm 2030.
Thứ tư, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Bộ đã xây dựng Chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện. Đề xuất, trình Chính phủ Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.
Đến nay, các giải pháp đã mang lại hiệu quả tích cực, trong năm 2022 các địa phương đã khởi công được 19 dự án với tổng số 33.194 căn, tổng diện tích xây dựng hơn 1,8 triệu m2.
Thứ năm, bám sát diễn biến của thị trường bất động sản, đề xuất kịp thời với Chính phủ các giải pháp ngăn chặn nguy cơ "bong bóng" bất động sản trong những tháng đầu năm 2022 và sự suy giảm của thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm 2022, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thứ sáu, chủ động, kịp thời thành lập các tổ công tác, đoàn làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng; bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, một số điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư xây dựng từng bước được tháo gỡ.
Thứ bảy, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy mạnh tiến độ các quy hoạch ngành, quốc gia được Chính phủ giao.
Thống nhất hành động tạo đột phá trong năm 2023
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường hơn. Ở trong nước các hoạt động kinh tế - xã hội chuyển từ thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh, ổn định hơn.
Tuy nhiên, những vấn đề tích tụ, tồn đọng lâu ngày bộc lộ rõ nét hơn trước tác động của bối cảnh biến động khó lường.
Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chỉ rõ, ngành Xây dựng sẽ chủ động để đối mặt và vượt qua các khó khăn, thách thức, tiếp tục nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2023, bám sát chủ đề năm của Chính phủ để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp và tập trung, cố gắng cao độ để tổ chức thực hiện hiệu quả.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong năm 2023, Bộ sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, trọng tâm là: Hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) bảo đảm tiến độ theo yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội; nghiên cứu, xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sau khi được Chính phủ thông qua chính sách, Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý và phát triển đô thị, Luật Cấp thoát nước, trình Chính phủ trước ngày 01/11/2023. T
Triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023; xây dựng và thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của Bộ Xây dựng năm 2023.
Về công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quy hoạch xây dựng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công. Tổ chức và đôn đốc thực hiện hiệu quả Luật Kiến trúc, Định hướng kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/BCT ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng triển khai Nghị quyết.
Hoàn thiện hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị, gắn xây dựng quy hoạch, kế hoạch và thực hiện quy hoạch, kế hoạch với phát triển thị trường nhà ở, bất động sản. Thực hiện lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia đảm bảo tiến độ yêu cầu.
Ban hành và triển khai Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị năm 2023. Tiếp tục triển khai Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030, Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến 2030, Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030.
Đẩy mạnh nghiên cứu các mô hình phát triển đô thị gắn với vị trí địa lý, chức năng, vai trò và đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội để làm cơ sở nghiên cứu xây dựng Luật để quản lý phát triển đô thị (đô thị vùng núi, đô thị ven biển, đô thị đảo, đô thị cửa khẩu, đô thị công nghiệp, đô thị sinh thái, đô thị du lịch, đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh, đô thị di sản, đô thị sân bay…).
Nghiên cứu xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển không gian xây dựng ngầm đô thị; điều chỉnh Định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam; Điều chỉnh Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu ngập úng đô thị.
Tiếp tục triển khai Đề án “An ninh kinh tế trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn”; Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch giai đoạn 2016 - 2025; định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục. Đánh giá, rà soát thực trạng thoát nước, ngập úng đô thị lớn (Hà Nội, TP.HCM...) để có phương án, giải pháp hiệu quả chống ngập úng đô thị nhằm ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu…
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành. Chủ động nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành các văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị.
Rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực hoạt động xây dựng; Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng; Biên soạn và công bố các quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật theo lộ trình, kế hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo phủ kín lĩnh vực quản lý của Bộ; góp phần nâng cao chất lượng công trình xây dựng, phòng chống tham nhũng lãng phí, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Hoàn thiện “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt.
Theo dõi diễn biến thị trường VLXD, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu; nghiên cứu rà soát, đề xuất các giải pháp quản lý việc đầu tư phát triển các sản phẩm VLXD khi các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực; Rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực VLXD để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh phát triển sản xuất và sử dụng VLXD xanh, thân thiện môi trường trong công trình xây dựng…
Đẩy mạnh việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Bộ Xây dựng giai đoạn 2021 - 2025.
Chủ động tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình cam kết của Chính phủ và của Ngành; tích cực mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đa phương; tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài…
Tiếp nối những kết quả vượt khó đã đạt được trong năm 2022, bước sang năm mới 2023, toàn ngành Xây dựng phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu cụ thể.
Theo đó, trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng về xây dựng phấn đấu đạt 6,5-7%. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực nội thành/nội thị ước đạt 42,6%. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực toàn đô thị ước đạt 53,9%.
Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 96%. Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm xuống khoảng 16%. Tỷ lệ thu gom xử lý nước thải đạt khoảng 17%. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 26 m2 sàn/người. Sản lượng sản xuất xi măng khoảng 93,13 triệu tấn…
Với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn Ngành, thống nhất nhận thức và hành động, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp tốt với các bộ ngành, năm 2023 ngành Xây dựng sẽ có những đột phá, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.