Báo cáo về Đề án, đại diện UBND thành phố Kon Tum cho biết trong những năm qua, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum; Đảng bộ, UBND thành phố Kon Tum và nhân dân thành phố đã nỗ lực trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và đạt được những kết quả đáng khích lệ trên các mặt.
Được công nhận đô thị loại II, thành phố Kon Tum sẽ được định hướng phát triển và đầu tư nâng cấp mọi mặt theo các tiêu chí cao hơn, qua đó sẽ mang lại bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại và một cuộc sống tốt, tiện nghi hơn cho cư dân đô thị.
Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng đã có nhiều ý kiến đóng góp về các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quy hoạch, kiến trúc, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn, an ninh quốc phòng… nhằm giúp UBND tỉnh và thành phố Kon Tum tiếp thu, hoàn chỉnh Đề án; đồng thời tăng cường các biện pháp đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí đã đạt, khắc phục các chỉ tiêu chưa đạt.
Theo nhận xét chung của Hội đồng, sau 17 năm trở thành đô thị loại III, đến nay thành phố Kon Tum đã cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, đời sống nhân dân được nâng cao, diện mạo đô thị phát triển. Do đó, chủ trương xây dựng và phát triển thành phố Kon Tum trở thành đô thị loại II của tỉnh Kon Tum là phù hợp với thực tiễn và các chương trình, định hướng của quốc gia, của tỉnh về phát triển đô thị.
Hồ sơ thẩm định Đề án đảm bảo đầy đủ trình tự thủ tục và các căn cứ pháp lý. Báo cáo thuyết minh phản ánh rõ nét những nỗ lực của chính quyền và nhân thành phố Kon Tum nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung trong việc xây dựng và phát triển thành phố Kon Tum đạt tiêu chí đô thị loại II.
Bên cạnh việc ghi nhận các thành tựu thành phố đạt được, Hội đồng cũng thẳng thắn góp ý: Để phát triển và phát huy tốt hơn các tiềm năng, lợi thế, thành phố Kon Tum cần tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển đô thị, từng bước xây dựng thành phố đáp ứng yêu cầu mới; thay vì lựa chọn hướng đầu tư tương đối đồng đều như hiện nay, thành phố nên tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh; từng bước xây dựng đô thị sinh thái, mang bản sắc khu vực Tây Nguyên, có thêm nhiều công trình kiến trúc mang đặc trưng Tây Nguyên.
Đặc biệt, với các tiêu chí chưa đạt hoặc đạt thấp, địa phương cần có giải pháp mạnh mẽ khắc phục trong thời gian tới; đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là bộ máy quản lý đô thị, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho rằng, hồ sơ, quy trình thủ tục của Đề án cơ bản đúng theo quy định; các ý kiến góp ý khá kỹ lưỡng và đóng góp được nhiều ý kiến xác đáng vào việc hoàn thiện Đề án.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng đề nghị UBND tỉnh và thành phố Kon Tum tiếp thu ý kiến của các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng, có lộ trình giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, phù hợp với Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; có kế hoạch hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt; tăng cường công tác quản lý đô thị, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý đô thị.
Hội đồng thẩm định nhất trí bỏ phiếu thông qua Đề án đề nghị công nhận thành phố Kon Tum là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Kon Tum, và sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án.
Năm 1913, tỉnh Kon Tum chính thức thành lập, bao gồm địa giới hành chính của 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai ngày nay.
Sau nhiều bước thăng trầm, năm 1991, tỉnh Kon Tum được tái lập theo Nghị quyết tại kỳ họp thứ IX Quốc hội khoá VIII. Thị xã Kon Tum ngày đó (nay là thành phố Kon Tum) trở lại với vai trò vốn có, là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội và khoa học - kỹ thuật của tỉnh Kon Tum.
Năm 2005, Kon Tum được công nhận là đô thị loại III, năm 2009 được nâng lên thành thành phố Kon Tum. Thành phố Kon Tum hiện nay có diện tích khoảng 433km2, dân số toàn đô thị là 205.762 người, với 21 đơn vị hành chính.
Trong những năm gần đây, thành phố Kon Tum tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp.