Điểm tin Quy hoạch - Kiến trúc

Thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

16:26 31/03/2024
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP Hà Nội diễn ra ngày 29/3 với 92,55% đại biểu có mặt tán thành. Bên cạnh đó là một số tin tức đáng chú ý khác trong lĩnh vực Quy hoạch - Kiến trúc.

Tiếp tục hoàn thiện đồ án Quy hoạch để trình các cấp có thẩm quyền theo quy định

Đại biểu thảo luận và bấm nút biểu quyết thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Báo TN&MT

Ngày 29/3, HĐND TP Hà Nội khóa XVI thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Nghị quyết, HĐND TP Hà Nội giao UBND TP tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Đô thị HĐND TP và ý kiến của đại biểu để hoàn thiện nội dung của Quy hoạch; trình cấp có thẩm quyền báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 - tháng 5/2024 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

Đồng thời giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP Hà Nội và đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Trước đó ngày 23/02, Bộ KH&ĐT đã tổ chức phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 30/3, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội nghị triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch xác định đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng thời phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm dịch vụ hàng hải của quốc gia và khu vực Đông Nam Bộ, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế và là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của vùng Đông Nam Bộ.

Đến năm 2050 đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" theo cam kết của Chính phủ tại Hội nghị quốc tế về Biến đổi khí hậu - COP26.

Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực cấp, thoát nước

Ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng và bà Halla Qaddumi - Chuyên gia kinh tế cấp cao về nước của WB điều hành Hội thảo.

Ngày 29/3, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Cục Hạ tầng kỹ thuật và Ngân hàng Thế giới (WB) đã phối hợp tổ chức Hội thảo kỹ thuật về sự hợp tác, hỗ trợ của WB đối với Bộ Xây dựng về xây dựng Luật Cấp, thoát nước.

Các nội dung chính được thảo luận, trao đổi gồm việc quản lý huy động vốn và tài chính đầu tư cho ngành nước, tối ưu hóa việc quản lý tài sản ngành nước và vận hành các doanh nghiệp ngành nước, cùng việc nâng cao năng lực quản lý, vận hành đối với lĩnh vực cung cấp dịch vụ cấp, thoát nước.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về đề xuất đầu tư nhằm “hồi sinh những dòng sông chết” với trọng tâm ban đầu là sông Hồng; An ninh nguồn nước liên tỉnh ở sông Mekong, cung cấp cơ sở pháp lý cho việc điều phối, đầu tư và quản lý tài sản liên tỉnh cũng như khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này.

Hoàn thiện Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Ngày 28/3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM (Đề án).

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu, xem xét Đề án để quyết định các nội dung quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trên cơ sở báo cáo của UBND TP.HCM về sản phẩm đầu ra của Đề án, Bộ GTVT rà soát, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực. Dự kiến vị trí của cảng nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Dự án dự kiến khởi công trong năm 2025, tổng mức đầu tư khoảng 129.000 tỷ đồng.  

Hình thành đô thị trung tâm của thị xã Phong Điền trong tương lai

Một góc huyện Phong Điền nhìn từ trên cao. Ảnh internet

Ngày 26/3, UBND huyện Phong Điền đã công bố đồ án Quy hoạch phân khu khu vực trung tâm Phong Điền - Phong Thu (định hướng thành lập phường) đến năm 2045.

Theo đó, khu vực quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thị trấn Phong Điền và xã Phong Thu, quy mô diện tích khoảng 4.533,76 ha; dân số quy hoạch đến đến năm 2030 khoảng 17.770 người và đến năm 2045 khoảng 24.100 người.

Đây là đô thị trung tâm, đô thị động lực của thị xã Phong Điền trong tương lai; bao gồm các chức năng trung tâm hành chính, công cộng, thương mại, thể dục thể thao, y tế, giáo dục và một số chức năng khác.

Trước đó, ngày 25/3, UBND xã Phong Hiền cũng đã công bố đồ án Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) khu vực Phong Hiền (định hướng thành lập phường), huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thi tuyển phương án kiến trúc tòa tháp 108 tầng dự án Thành phố Thông minh

Công ty CP Đầu tư phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội phối hợp với Tạp chí Kiến trúc tổ chức Cuộc thi tuyển Phương án Kiến trúc công trình Trung tâm tài chính, thương mại, hỗn hợp - tháp 108 tầng tại dự án Thành phố Thông minh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Theo Ban tổ chức, ý tưởng thiết kế sẽ nhấn mạnh hệ thống thương mại, dịch vụ, văn hóa gắn với các ga đường sắt đô thị, kết hợp các khu vực công trình đầu mối giao thông xây dựng không gian mở, quảng trường... Ngoài ra, công trình cần đảm bảo yêu cầu về PCCC, hài hòa với các công trình văn hóa, biểu tượng, nghệ thuật đường phố...  

Cuộc thi sẽ có sự tham gia của các tập đoàn tư vấn thiết kế kiến trúc hàng đầu thế giới đến từ Hoa Kỳ, Anh quốc…  

Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội nằm tại huyện Đông Anh, có quy mô 272 ha, với tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD.

Bình luận