Cầu Bạch Đằng 2 có ý nghĩa rất quan trọng, ngoài trực tiếp kết nối giao thông giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, giúp kết nối thông suốt các địa phương vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với sân bay Long Thành, cảng biển Cái Mép - Thị Vải.
Cầu Bạch Đằng 2 có vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, gồm phần cầu và đường dẫn 2 đầu cầu với tổng chiều dài gần 3 km; trong đó, riêng phần cầu dài hơn 400 m, rộng 17 m với 4 làn xe.
Dự án cầu Cầu Bạch Đằng 2 được khởi công vào cuối năm 2021, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022, nhưng vướng GPMB và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bị chậm tiến độ.
2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương được ngăn cách bởi sông Đồng Nai. Nhiều năm qua giữa 2 địa phương này chỉ có 2 cầu kết nối trực tiếp (cầu Đồng Nai nằm trên quốc lộ 1A và cầu Thủ Biên), mặc dù là 2 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhiều mối liên hệ về kinh tế, văn hóa.
Như vậy, cầu Bạch Đằng 2 đi vào hoạt động là cầu thứ 3 kết nối 2 địa phương. Cây cầu sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ là đòn bẩy cho nền kinh tế, kết nối giao thương giữa các khu công nghiệp tại TP Tân Uyên và huyện Vĩnh Cửu, TP Biên Hòa.
Dù đã thông xe, những ngày tới, các đơn vị vẫn tiếp tục thi công để hoàn thiện tất cả các hạng mục của cầu Bạch Đằng 2 như: vạch sơn đường, lắp đặt hệ thống cảnh báo, hệ thống đèn chiếu sáng...
Dự án cầu Bạch Đằng 2 có 2 dự án thành phần, trong đó Dự án 1 - Xây dựng đường dẫn vào cầu phía Bình Dương có chiều dài tuyến 2,68 km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 327,2 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2024 là 49,9 tỷ đồng.
Dự án 2 - Xây dựng cầu vượt sông Đồng Nai, là công trình giao thông cấp 2, cầu bê tông dự ứng lực đúc hẫng cân bằng, chiều dài 400 m, có tổng mức đầu tư 490,9 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2024 là 65,2 tỷ đồng.