Tập trung đẩy nhanh tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

08:49 30/05/2025
Lãnh đạo Bộ Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị thi công lập kế hoạch chi tiết tiến độ từng tuần các dự án thành phần, từ đó chủ động triển khai và cam kết hoàn thành tiến độ đặt ra.

Ngày 29/5, Thứ trưởng Phạm Minh Hà cùng đoàn công tác của Bộ Xây dựng đã có buổi kiểm tra hiện trường và làm việc với chủ đầu tư và nhà thầu liên quan đến dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Đoàn công tác của Bộ Xây dựng kiểm tra dự án.

Từng bước tháo gỡ khó khăn

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là một trong những công trình trọng điểm quốc gia, đóng vai trò then chốt trong việc hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực ĐBSCL. Với chiều dài hơn 110 km, tuyến cao tốc này đi qua 5 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng. Dự án được chia thành hai dự án thành phần: Đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau, BQLDA Mỹ Thuận làm chủ đầu tư.   

Tính đến cuối tháng 5/2025, dự án đạt khoảng 67% tiến độ tổng thể. Toàn bộ 95 cầu trên tuyến chính đã được triển khai, trong đó 86 cầu đã hoàn thành lắp dầm, 12 cầu lớn đã thông xe kỹ thuật. Phần nền đường đã hoàn thành gia tải được gần 75/83 km, đạt gần 90% khối lượng. Các nhà thầu đã huy động 183 mũi thi công, 971 máy móc thiết bị và khoảng 3.000 nhân lực, tổ chức thi công tăng ca, tăng kíp để đảm bảo tiến độ.


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu lập kế hoạch chi tiết tiến độ dự án.

Để bù đắp tiến độ, các đơn vị thi công đã làm việc xuyên dịp lễ 30/4, 1/5, tập trung vào các công đoạn dỡ tải, cấp phối đá dăm và thảm bê tông nhựa. Đặc biệt, tại nút giao IC5 (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), khoảng 150 kỹ sư, công nhân đã thi công liên tục, phấn đấu hoàn thành phần cầu trước 30/6, phần đường và dỡ tải đường trước 30/9, công tác thảm nhựa trước 30/11 và hoàn thiện sơn vạch kẻ đường trong tháng 12.

Một trong những khó khăn lớn nhất của dự án là thiếu hụt nguồn vật liệu, đặc biệt là cát đắp nền. Để khắc phục, các nhà thầu đã chuyển từ phương pháp xử lý đất yếu truyền thống sang sử dụng công nghệ hút chân không (VCM) nhằm rút ngắn thời gian chờ lún. Đồng thời, các địa phương đã hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác mỏ cát, đưa vào khai thác 25,7 triệu m³ trên tổng số nhu cầu 18,5 triệu m³, góp phần tháo gỡ khó khăn cho dự án.

Nhà thầu phải cam kết tiến độ thi công từng tuần

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thành dự án trước ngày 19/12/2025, BQLDA Mỹ Thuận đã chỉ đạo nhà thầu lập lại tiến độ thi công, huy động bổ sung vật tư, máy móc thiết bị để triển khai thi công cuốn chiếu, làm ngày làm đêm.

Trước đó, BQLDA Mỹ Thuận cùng các nhà thầu đã phát động phong trào thi đua “50 ngày đêm” đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành dự án đúng thời hạn. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa đạt kế hoạch đề ra, công tác huy động máy móc thiết bị, vật liệu cho các hạng mục "đường găng" chưa đảm bảo. Trong đó, tổng nhu cầu đá các loại của dự án khoảng 2,3 triệu m3 nhưng nhà thầu chỉ mới huy động về công trường 1,2 triệu m3.

Đối với dự án Cần Thơ - Hậu Giang, một số nhà thầu chậm huy động máy móc thiết bị, nhân công. Cụ thể, hạng mục đắp vật liệu dạng hạt số mũi thi công còn rất hạn chế, đặc biệt là nhà thầu Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C. Đối với dự án Hậu Giang - Cà Mau, các nhà thầu Hải Đăng, Thi Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 vẫn còn chậm một số hạng mục.

Ông Trần Văn Thi - Giám đốc BQLDA yêu cầu các nhà thầu phải chủ động thi công để bù tiến độ tại các gói thầu.

BQLDA Mỹ Thuận cho biết, đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620, đến nay còn 9 cầu trên tuyến chính chưa thi công bản mặt cầu, tình hình thi công rất chậm do thiếu nhân công, tổ đội và vật liệu (thép, bê tông). Ban cũng đã yêu cầu lãnh đạo Công ty quyết tâm chỉ đạo cung cấp vật tư, nhân lực để hoàn thành việc gác dầm, đổ bê tông bản mặt cầu đúng tiến độ và tránh ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Đại diện các nhà thầu, ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C cho biết, một số hạng mục của gói thầu tại dự án còn chậm, nguyên nhân là do một số nhà thầu phụ như 620, nhà thầu Đồng Tâm chậm triển khai và một số đoạn trên tuyến phát sinh các kiến nghị của người dân về việc thay đổi, bổ sung các cống trên tuyến. 

Đối với kế hoạch thi công sắp tới, đơn vị sẽ tăng cường máy móc, nhân lực để tập trung tại dự án. Ngoài thi công tuyến chính, nhà thầu cũng sẽ chủ động các hạng mục phụ trợ như hàng rào, hộ lan, biển báo…

Ông Đỗ Đức Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hải Đăng cho biết, đơn vị cũng đã tập trung nhân công, lực lượng tại dự án. Hiện nay, nhà thầu đang gặp một số khó khăn về vật liệu, BQLDA Mỹ Thuận và các nhà thầu trong liên danh cũng đã có biện pháp hỗ trợ cho nhà thầu. Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 Phạm Thanh Điền cho biết đơn vị cam kết sẽ khắc phục các hạn chế trước đó để tập trung thi công.

Nhiều hạng mục đã hoàn thiện tại dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau.

Sớm giải quyết dứt điểm bài toán về tiến độ

Tại cuộc họp, các đơn vị cũng đã chỉ ra một trong những nguyên nhân chính khiến tiến độ dự án chưa bứt phá là do các nhà thầu chưa thật sự làm chủ mọi tình huống trên công trường. Do đó, để dự án kịp về đích đúng hẹn, các nhà thầu chậm tiến độ phải quyết liệt thi công, đặc biệt là việc bổ sung tài chính, nhân lực và có biện pháp thi công hiệu quả trong giai đoạn sắp tới.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Minh Hà ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của các đơn vị thi công tại dự án từ khâu GPMB, nguồn vật liệu, nền đất yếu…

Qua kiểm tra công trường, một số nhà thầu còn chậm do vướng mắc nhiều khó khăn. Do đó, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị phải tập trung nguồn lực cho dự án. "BQLDA Mỹ Thuận phải tính toán thời gian thi công của các nhà thầu đến 19/12, từ đó chỉ đạo các đơn vị lập lại kế hoạch, tiến độ trong từng tuần để giải quyết dứt điểm. Nhà thầu nào không thực hiện đúng cam kết phải xử lý ngay", Thứ trưởng Phạm Minh Hà đề nghị.

Thứ trưởng Phạm Minh Hà tại buổi làm việc cùng các đơn vị.

Thứ trưởng Phạm Minh Hà giao BQLDA Mỹ Thuận sớm hoàn thành thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư cho trạm dừng nghỉ để sớm triển khai, đồng thời giao Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng kiểm tra đánh giá chi tiết tiến độ từng hạng mục, từng cam kết của các nhà thầu để giải quyết dứt điểm. "Với nhiệm vụ chính trị đặt ra, các đơn vị cần cố gắng hết mình để hoàn thành sứ mệnh”, Thứ trưởng nói.

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau không chỉ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông huyết mạch của khu vực ĐBSCL mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân trong khu vực. Với quyết tâm cao của Chính phủ, chủ đầu tư và các nhà thầu, dự án đang từng bước vượt qua khó khăn, hướng tới mục tiêu về đích đúng hẹn vào cuối năm 2025.

 

Bình luận