Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường; Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và một số tỉnh vùng Tây Bắc.
Trước giờ khởi công dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến đặt hoa tại Đài tưởng niệm Căn cứ cách mạng Giằng Sèo ở xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc.
Nơi đây, 79 năm trước đã diễn ra lớp huấn luyện quân sự đầu tiên của tỉnh những ngày tiền khởi nghĩa, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tặng quà các đại biểu là bí thư chi bộ, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, người có uy tín của huyện Đà Bắc.
Tuyến cao tốc đầu tiên được triển khai xây dựng trên địa bàn Hòa Bình
Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có chiều dài khoảng 34 km; tổng mức đầu tư 9.997 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2028. Giải phóng mặt bằng giai đoạn hoàn thiện quy mô 4 làn xe có tổng diện tích khoảng 354,37 ha.
Tỉnh Hòa Bình được phân cấp thực hiện dự án, nguồn vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. Đây là công trình trọng điểm của ngành giao thông vận tải và là tuyến cao tốc đầu tiên được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Dự án có điểm đầu tại thị trấn Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, khớp nối với đoạn Km0 - Km19 đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; điểm cuối tại xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, khớp nối với dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Hòa Bình - Mộc Châu đoạn tuyến tại tỉnh Sơn La.
Dự án có các công trình hầm cũng như các cầu đặc biệt có trụ cao trên 50 m, phương án kiến trúc được lựa chọn bảo đảm về mỹ quan, phù hợp với văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Trong đó, điểm nhấn là công trình cầu Hòa Sơn vượt hồ Hòa Bình, nằm trong quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Dài khoảng 1,2 km, đây là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Việt Nam (550 m), trụ tháp dây văng cầu cao nhất Việt Nam (187 m).
Về phân kỳ đầu tư, dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với tốc độ thiết kế 80 km/giờ, bảo đảm phù hợp với quy hoạch; chiều rộng nền đường 12 m; xây dựng cầu Hòa Sơn với quy mô bảo đảm bố trí 4 làn xe theo giai đoạn hoàn thiện. Tỉnh Hòa Bình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện về nguồn vốn đầu tư giai đoạn hoàn thiện (nâng cấp lên 4 làn xe) cho dự án này.
Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị sớm cho phép điều chỉnh đoạn tuyến từ Km0 - Km19 tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) bằng nguồn vốn đầu tư công và đầu tư xây dựng cao tốc hoàn thiện 4 làn xe.
Tạo động lực, truyền cảm hứng cho Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là sự kiện quan trọng, mốc son đánh dấu việc phát triển hạ tầng của vùng Tây Bắc và sự trưởng thành của tỉnh Hòa Bình – được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án
Thủ tướng cho biết, 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng (XI, XII, XIII) đều xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về hạ tầng. Trong đó, hạ tầng giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, doanh nghiệp và quốc gia.
Trong giai đoạn 2000-2021, cả nước mới đầu tư đưa vào khai thác 1.163 km đường bộ cao tốc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Hoàn thành được mục tiêu này thì đến 2025 chúng ta cần đạt được 3.000 km và 2026-2030 phấn đấu có thêm 2.000 km đường bộ cao tốc.
Như vậy, trong giai đoạn 2021-2030, chúng ta cần phải triển khai đầu tư, xây dựng gấp gần 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong hơn 20 năm từ 2000-2021, trong khi thời gian chỉ bằng một nửa. Đồng thời, triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm quốc gia về năng lượng, các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia…
Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã luôn quan tâm, dành nguồn lực rất lớn với nhiều hình thức đầu tư và chính sách phù hợp để huy động mọi nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đạt nhiều kết quả thiết thực.
Về hàng không, đã khánh thành cải tạo nâng cấp cảng hàng không Điện Biên, Phú Bài; mở rộng cảng hàng không Cát Bi, nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, nhà ga hành khách T2 Nội Bài… và nghiên cứu mở rộng các sân bay Cà Mau, Phú Quốc (Kiên Giang), Phù Cát (Bình Định), khai thác sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận)…
Đặc biệt, đối với Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, đến nay đã giải quyết cơ bản các tồn tại, khó khăn, vướng mắc, đã bàn giao 5.000 ha đất, sau 3 năm thi công đã thành hình hài công trình, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025…
Về đường bộ, từ năm 2021 đến nay, đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng thêm 858 km cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc cả nước lên 2.021 km; đang tổ chức triển khai thi công khoảng 1.700 km, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường cao tốc.
Đồng thời, đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công thêm khoảng 1.400 km đường bộ cao tốc. Cùng với đó, triển khai các dự án đường ven biển, đường Hồ Chí Minh…
Về đường sắt, triển khai các dự án cải tạo đường sắt Bắc – Nam hiện hữu, chuẩn bị các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 10 đã thông qua chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Về vận tải biển, mở rộng, chuẩn bị triển khai các dự án tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), Liên Chiểu (Đà Nẵng), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cần Giờ (TPHCM)…; đẩy mạnh phát triển vận tải thủy nội địa tại ĐBSCL.
Về hạ tầng năng lượng, nổi bật là hoàn thành Dự án 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) với khối lượng lớn trong thời gian 6 tháng, trong khi các dự án tương tự trước đây phải kéo dài ít nhất từ 3 đến 4 năm. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy định để huy động nguồn lực phát triển điện gió, điện mặt trời…
Thủ tướng kỳ vọng những kết quả nói trên tạo động lực, truyền cảm hứng cho Hòa Bình nói riêng và các tỉnh miền núi phía bắc nói chung, đặc biệt là các tỉnh Tây Bắc nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong phát triển hạ tầng giao thông; ngoài hỗ trợ của Trung ương thì cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường.
Rút ngắn tiến độ, hoàn thành dự án trước 31/12/2027
Đối với vùng Tây Bắc (gồm 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình), Thủ tướng đánh giá hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng hiện đang rất khó khăn (mới chỉ có 1 tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai). Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến vùng Tây Bắc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình.
Thủ tướng lấy ví dụ, Sơn La đã phát triển các loại nông sản rất tốt, nhưng vì hạ tầng giao thông khó khăn nên làm tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Phát triển hạ tầng giao thông sẽ tạo thuận lợi cho các nông sản của Sơn La tham gia chuỗi cung ứng của toàn cầu.
Vì vậy, việc tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thành cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên (CT.03), trong đó có Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua tỉnh Hòa Bình có ý nghĩa chiến lược quan trọng.
Thủ tướng nêu rõ, việc triển khai Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu có 6 ý nghĩa lớn.
Thứ nhất, góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về 3 đột phá chiến lược, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng.
Thứ hai, thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho các địa phương về đầu tư phát triển hạ tầng, theo tinh thần Hội nghị Trung ương 10 là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của tỉnh Hòa Bình tham gia xây dựng một công trình trọng điểm quốc gia.
Thứ ba, góp phần tạo động lực, không gian phát triển mới, kết nối vùng trung du miền núi phía bắc với vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung, qua đó giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nền kinh tế.
Thứ tư, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh (về cả nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch); tạo việc làm, sinh kế, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.
Thứ năm, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ về quốc phòng, an ninh, kết hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế tại khu vực chiến lược Tây Bắc.
Thứ sáu, đáp ứng mong mỏi của nhân dân vùng Tây Bắc và đền đáp, tri ân những người đã hy sinh, cống hiến, nhân dân Tây Bắc đã góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử cũng như sự nghiệp cách mạng của Đảng, của toàn dân tộc ta.
Quá trình chuẩn bị đầu tư dự án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm; trình tự thủ tục đầu tư rút ngắn khoảng 1 năm so với dự án bình thường; phân cấp đầu tư cho địa phương làm cơ quan chủ quản; nguồn vốn đầu tư gồm Trung ương và địa phương.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực cố gắng của tỉnh Hòa Bình, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan trong chuẩn bị dự án.
Dự án khởi công là thể hiện sự cố gắng rất lớn của tỉnh và các bộ, ngành liên quan, tuy nhiên đây mới chỉ là bước khởi đầu, khối lượng công việc sắp tới còn rất lớn.
Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hòa Bình và các cơ quan liên quan phát huy các bài học kinh nghiệm trong triển khai các dự án hạ tầng chiến lược gần đây, theo đó, lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, quyết liệt, khoa học; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, kết quả phải cân đong, đo, đếm được, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, động viên, chia sẻ chân thành, kịp thời.
Phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng quân đội, công an, các đoàn thể chính trị - xã hội vào cuộc dưới lãnh đạo của cấp ủy Đảng, "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng", không để nhà thầu, đơn vị thi công "cô đơn trên công trường".
Cùng với đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, phát huy lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc; tạo sự đồng thuận, đồng lòng để người dân tự nguyện bàn giao đất ở, nơi sản xuất, cùng với chính quyền, đơn vị thi công tham gia thi công các công trình, dự án. Thủ tướng yêu cầu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước 30/11/2024, bảo đảm nơi ở mới của người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.
Thủ tướng cũng yêu cầu phát động phong trào thi đua sôi nổi, kịp thời động viên, khen thưởng, tạo không khí hăng say làm việc, thi đua đạt thành tích, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và vì sự phát triển của đất nước.
Chủ đầu tư, các đơn vị thi công phải thực hiện dự án với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương; huy động mọi lực lượng tại chỗ có đủ năng lực tham gia. Các nhà thầu chính tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà thầu địa phương cùng tham gia với tinh thần "cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển".
Về công việc cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hòa Bình đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà thầu thi công dự án, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng; giải quyết nhanh các thủ tục hành chính và các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong thi công, nhất là thủ tục với các mỏ nguyên vật liệu.
Các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn, giám sát phải cố gắng quyết tâm rất cao, thi công với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm" để dự án hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra trên tinh thần "đã cam kết là phải làm, đã làm phải có hiệu quả, phải đi vào cuộc sống, mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân".
Đồng thời, chủ động, tích cực triển khai, bảo đảm đạt tiêu chí mẫu mực về quản lý tiến độ - chất lượng - mỹ quan; thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.
Thủ tướng đề nghị rút ngắn tiến độ, hoàn thành dự án trước 31/12/2027, bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chống thông thầu, mua bán thầu; song song với đó xây dựng dự án giai đoạn 2 để mở rộng, đầu tư hoàn thiện dự án.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ Hòa Bình; các tỉnh Sơn La, Điện Biên tiếp tục xây dựng dự án, hoàn thành thủ tục đầu tư để hoàn thiện các đoạn còn lại của tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên (CT.03).
Thủ tướng kêu gọi nhân dân Hòa Bình tiếp tục ủng hộ dự án, hỗ trợ các nhà thầu, chủ đầu tư, phát huy truyền thống văn hóa – lịch sử, tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, đóng góp xây dựng và hoàn thành dự án đưa vào khai thác bảo đảm tiến độ, bảo đảm chất lượng, mỹ quan, góp phần quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Hòa Bình, của vùng và cả nước.
Nguồn: baochinhphu.vn