Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đến năm 2025 là thành phố trực thuộc trung ương

13:20 11/10/2023
Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Phát huy giá trị di sản Cố đô

Ngày 09/10, Hội đồng thẩm định tiến hành thẩm định hồ sơ quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo quy hoạch, phạm vi ranh giới quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm phần lãnh thổ tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích tự nhiên trên đất liền 4.947,11 km2.

Mục tiêu đến năm 2025, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Ảnh minh họa. Nguồn: CTV.

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; Đô thị hạt nhân cấp vùng và tiểu vùng, là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; Một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; Trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, cực tăng trưởng của Vùng động lực miền Trung; Đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với BĐKH và nước biển dâng; Là khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; Là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; Hướng tới thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu đặc sắc của cả nước và châu Á; Là điểm đến an toàn, thân thiện, xứ sở của hạnh phúc và tràn đầy năng lượng.

Các khâu đột phá trong phát triển ở thời kỳ quy hoạch được Thừa Thiên Huế nhận diện là phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh để xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát huy lợi thế đô thị ven biển gắn với vị thế 4 trung tâm của vùng và cả nước và thích ứng với BĐKH với quy mô lớn.

Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu lực, hiệu quả thực thi thể chế, chính sách, pháp luật.

Phát triển bền vững kinh tế biển, đầm phá xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, cực tăng trưởng, động lực phát triển của vùng động lực miền Trung và cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu Chân Mây đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển kinh tế chuỗi KKT, KCN, đô thị biển - đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đặc sắc của khu vực.

Phát huy vai trò quan trọng động lực của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đối với phát triển KT-XH của tỉnh, của vùng. Bảo tồn phát huy các di sản lịch sử, văn hoá và thiên nhiên; xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn. Bồi đắp, phát huy giá trị vai trò và con người Huế làm nền tảng phát triển bền vững.

Không gian phát triển phù hợp với đặc trưng văn hóa

Các thành viên Hội đồng thẩm định, chuyên gia phản biện tham gia ý kiến, tập trung về phương án phát triển các ngành, lĩnh vực và tổ chức không gian phát triển phù hợp với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Có những góp ý kiến liên quan đến việc phân tích, đánh giá bổ sung hiệu quả đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hiệu quả KT-XH của các KKT, KCN trên địa bàn, tính liên kết vùng. Làm rõ, rà soát, bổ sung một số điểm mạnh, hạn chế trong phát triển KT-XH…

Ảnh minh họa. Nguồn: CTV.

Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua hồ sơ Quy hoạch tỉnh với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung theo ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng thẩm định.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị UBND tỉnh chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh; Xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình cụ thể toàn bộ ý kiến tham gia bằng văn bản của các Bộ, cơ quan, ủy viên phản biện, ý kiến tham gia của thành viên Hội đồng thẩm định, để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh theo quy định.

UBND tỉnh bổ sung, làm rõ việc triển khai, phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc xây dựng nội dung đưa vào quy hoạch; việc tích hợp nội dung đề xuất vào quy hoạch và việc xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện; làm rõ việc triển khai đồng thời giữa quá trình lập quy hoạch và lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch...

Bình luận