Thừa Thiên Huế đưa vào đấu giá khai thác 4 mỏ đất

15:00 10/07/2023
Có 4 khu vực mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong đợt 1 năm 2023.

2 mỏ vật liệu san lấp, 2 mỏ làm gạch ngói
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Quyết định số 1499 /QĐ-UBND phê duyệt phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đợt 1 năm 2023.

Theo đó, có 4 khu vực mỏ khoáng sản làm VLXD (vật liệu xây dựng) thông thường trên địa bàn tỉnh được đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong đợt này. Trong đó, có 2 mỏ đất làm vật liệu san lấp và 2 mỏ đất sét làm gạch ngói. Cả 2 mỏ này đều chưa có kết quả thăm dò khoáng sản nhưng đã có tài nguyên dự báo.

Hai mỏ đất làm vật liệu san lấp chưa thăm dò khoáng sản gồm: Mỏ đất tại khu vực thôn Hiền Sỹ (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) với diện tích khoảng 19,18ha, tài nguyên dự báo khoảng 2 triệu m3, giá khởi điểm hơn 1,786 tỷ đồng; mỏ đất tại khu vực xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc) với diện tích khoảng 7,34ha, tài nguyên dự báo khoảng 1 triệu m3, giá khởi điểm hơn 893,3 triệu đồng.

Hai mỏ đất sét làm gạch ngói gồm: Mỏ tại khu vực 1 - Mỏ đất sét 2 (xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy) với diện tích khoảng 15,3ha, tài nguyên dự báo khoảng 500 nghìn m3, giá khởi điểm hơn 3,453 tỷ đồng; Mỏ tại khu vực 2 - Mỏ đất sét 2 (xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy) với diện tích khoảng 14,7ha, tài nguyên dự báo khoảng 400 nghìn m3, giá khởi điểm hơn 3,763 tỷ đồng.

Nguồn: ITN.

Theo phương án phê duyệt, 4 khu vực mỏ này chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Sau khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản và được UBND tỉnh cấp phép hoạt động khoáng sản thì tổ chức, cá nhân trúng đấu giá có trách nhiệm thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo quy định của pháp luật.

Thông tin địa chất khoáng sản hiện nay được lưu trữ tại Sở TN&MT, các tổ chức có nguyện vọng và cần tham khảo thông tin, tài liệu có liên quan đến các khu vực mỏ đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản, liên hệ Sở TN&MT để được giải quyết.

Nguyên tắc đấu giá

Nguyên tắc đấu giá tuân thủ theo quy định của pháp luật; Bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, khách quan.

Phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản chỉ được tiến hành khi có ít nhất 02 tổ chức đủ điều kiện (có hồ sơ hợp lệ và nộp tiền đặt trước) tham gia đấu giá. Chỉ tiến hành đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các khu vực đã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên. Trình tự, thủ tục đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.

Trường hơp có ít hơn 02 tổ chức đủ điều kiện tham gia đấu giá thì không tổ chức đấu giá.

Giá khởi điểm của các loại khoáng sản theo Quyết định số 1811/QĐUBND ngày 24/5/2023 của UBND tỉnh phê duyệt. Mức giá khởi điểm trên chưa bao gồm chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò, đánh giá trữ lượng; chi phí lập hồ sơ khai thác mỏ sau khi trúng đấu giá; chi phí giải phóng mặt bằng; các loại thuế, phí, lệ phí và các chi phí khác có liên quan.

Đối với loại khoáng sản làm VLXD thông thường phát hiện khi thăm dò khoáng sản trong phạm vi, diện tích tại khu vực mỏ khoáng sản đã trúng đấu giá (nếu có) thì Giá khởi điểm phiên đấu giá được xác định bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) quy định tại Phụ lục I Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ.

Giá trúng đấu giá của loại khoáng sản làm VLXD thông thường phát hiện khi thực hiện thăm dò khoáng sản ngoài thực địa trong phạm vi diện tích, độ sâu của khu vực mỏ khoáng sản đã được UBND tỉnh công nhận trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản (nếu có) được áp dụng căn cứ theo tỷ lệ phần trăm tăng của giá trúng đấu giá (mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R)) so với giá khởi điểm của loại khoáng sản đã trúng đấu giá để áp dụng cho giá trúng đấu giá của loại khoáng sản đá làm VLXD thông thường được phát sinh khi thăm dò khoáng sản (nếu có)”.

Các tổ chức tham gia đấu giá phải có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tương đương giá khởi điểm đã được xác định tại Quyết định phê duyệt giá khởi điểm được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1811/QĐ-UBND ngày 24/5/2023. Văn bản chứng minh vốn chủ sở hữu được quy định tại Điều 9 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.

Trường hợp đối với mỏ khoáng sản sau khi đấu giá thành công, trong quá trình thăm dò phát hiện có khoáng sản làm VLXD thông thường trong phạm vi diện tích, độ sâu của khu vực mỏ khoáng sản đã được UBND tỉnh công nhận trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì tổ chức tham gia đấu giá phải bổ sung vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của 02 loại khoáng sản làm VLXD thông thường trước khi trình các thủ tục để được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư và các thủ tục để trình UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác.”...

Bình luận