Thúc đẩy các giải pháp giao thông thông minh hướng tới đô thị hiện đại

21:45 22/05/2025
Khi các giải pháp truyền thống dần bộc lộ giới hạn, nhiều đô thị đang chuyển hướng sang mô hình giao thông thông minh, tích hợp dữ liệu, công nghệ số và phương thức quản lý hiện đại như một "chìa khóa" mới cho đô thị văn minh - đây là chủ đề chính được luận bàn tại Hội thảo về giao thông thông minh vừa diễn ra.
Thúc đẩy các giải pháp giao thông thông minh hướng tới đô thị hiện đại
Mô hình thí điểm Trung tâm điều hành giao thông thông minh.

Chiều 22/5, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Thúc đẩy các giải pháp giao thông thông minh và triển khai thu phí không dừng tại bến xe, điểm đỗ trong đô thị”. Sự kiện là diễn đàn quan trọng nhằm trao đổi, chia sẻ định hướng chính sách và thực tiễn triển khai các hệ thống giao thông thông minh, hướng đến phát triển đô thị hiện đại, hiệu quả, vì người dân.

Đổi mới tư duy, hiện đại hóa quản lý đô thị

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, chương trình là bước đi cụ thể hóa các chủ trương lớn của Chính phủ về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực xây dựng và giao thông vận tải.

Đây là hoạt động thiết thực nhằm triển khai các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 71/NQ-CP về việc sửa đổi, bổ sung cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Chính phủ, đặc biệt là mục tiêu phát triển hệ thống thu phí không dừng tại các bến xe và điểm đỗ trong đô thị.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo.

Thông tin tới Hội thảo, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các chủ đầu tư nghiên cứu, từng bước triển khai hệ thống giao thông thông minh, bao gồm: Hệ thống giám sát điều hành giao thông, hệ thống thu phí điện tử không dừng, trung tâm điều hành giao thông thông minh…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều địa phương mới dừng ở mức độ triển khai đơn lẻ, chưa hình thành được hệ thống điều hành đồng bộ tại các cửa ngõ hay vành đai đô thị, làm hạn chế hiệu quả của các giải pháp đang có.

Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, Hội thảo là dịp để các địa phương, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng nhìn lại, chia sẻ khó khăn cũng như kinh nghiệm, đồng thời đề xuất giải pháp phù hợp, khả thi trong triển khai thực tiễn.

Tầm nhìn từ chính sách đến giải pháp công nghệ

Tại Hội thảo, TS Tô Nam Toàn - Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam) đã trình bày tham luận về định hướng phát triển giao thông thông minh theo hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia và các đề án trọng điểm.

TS Tô Nam Toàn cho biết, cơ sở pháp lý vững chắc đã được thiết lập, từ Luật Đường bộ, Nghị định 165/2024/NĐ-CP đến các hệ thống tiêu chuẩn như TCVN 10849, TCVN 12836…, giúp định hình các thành phần cấu thành nên hệ thống giao thông thông minh (ITS), từ trung tâm điều hành giao thông, hệ thống camera đô thị, thiết bị giám sát hành trình đến nền tảng cơ sở dữ liệu giao thông.

Bên cạnh khung pháp lý, việc triển khai hạ tầng công nghệ và cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các chủ thể cũng được xác định là yếu tố then chốt để đảm bảo tính kết nối và hiệu quả trong vận hành hệ thống giao thông hiện đại.

TS Tô Nam Toàn - Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam) trình bày tham luận.

Tiếp đó, tham luận của đại diện Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (VTS) mang đến góc nhìn cụ thể về khả năng triển khai thực tiễn của hệ thống ITS trong môi trường đô thị Việt Nam. Với giải pháp tổng thể và hệ sinh thái đa phân hệ, từ điều hành xe buýt, giám sát đèn tín hiệu, xử lý vi phạm đến quản lý bãi đỗ xe, VTS khẳng định năng lực tự chủ công nghệ, sẵn sàng tích hợp và mở rộng theo nhu cầu từng địa phương.

Đặc biệt, công nghệ lõi do Viettel phát triển cho phép phân tích dữ liệu giao thông theo thời gian thực, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để mô phỏng, dự báo các kịch bản và điều chỉnh luồng giao thông linh hoạt, góp phần giảm tắc nghẽn, tai nạn và nâng cao trải nghiệm cho người dân.

Đa dạng giải pháp, tăng khả năng triển khai thực tiễn

Bên cạnh các tham luận định hướng từ cơ quan quản lý và doanh nghiệp công nghệ, nhiều giải pháp cụ thể hướng tới triển khai đồng bộ hệ thống giao thông thông minh tại đô thị đã được gợi mở và giới thiệu.

Điển hình, đại diện Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) đã chia sẻ về giải pháp thu phí không dừng tại các bãi đỗ hở, giải pháp có thể tích hợp linh hoạt với hạ tầng hiện hữu, phù hợp điều kiện các khu vực công cộng như tuyến phố, khu dân cư đông đúc. 

Đồng thời, giải pháp thu phí không dừng tại các bãi đỗ kín như bến xe, bãi đỗ tầng hầm cũng được giới thiệu như một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái điều hành đỗ xe thông minh. Các công nghệ như nhận diện biển số, thẻ RFID, kết nối nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt… đang được tích hợp để tối ưu hóa quy trình và trải nghiệm người dùng.

Đáng chú ý, kết quả thí điểm tại Hà Nội về giải pháp quản lý điểm đỗ xe thông minh đã được chia sẻ, cho thấy tiềm năng áp dụng rộng rãi mô hình này tại các đô thị lớn. Sự minh bạch trong quản lý, khả năng kết nối dữ liệu và thuận tiện cho người dân là những ưu điểm nổi bật được ghi nhận.

Thúc đẩy triển khai các giải pháp thu phí không dừng tại các bãi đỗ hở.

Với sự tham gia của các đại biểu, chuyên gia và doanh nghiệp, phiên thảo luận - giải đáp của Hội thảo đã diễn ra sôi nổi. Nhiều câu hỏi thực tiễn đã được đặt ra xoay quanh vấn đề kỹ thuật, mô hình đầu tư, chia sẻ dữ liệu và cơ chế vận hành. Qua đó, các bên liên quan có thêm góc nhìn cụ thể và nhất quán hơn trong quá trình triển khai giải pháp, hướng tới xây dựng hệ thống giao thông thông minh đồng bộ, hiệu quả và thân thiện với người dân.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ghi nhận sự nỗ lực của các địa phương, đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp trong việc chủ động đề xuất, triển khai giải pháp phù hợp với thực tiễn. Thứ trưởng nhấn mạnh yêu cầu “đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện và triển khai đồng bộ các giải pháp giao thông thông minh”, đồng thời đề cao việc xây dựng văn hóa giao thông văn minh, hệ thống hạ tầng kết nối, hiệu quả, vì người dân và cộng đồng.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu các tỉnh, thành phố cần có lộ trình cụ thể để tham mưu UBND địa phương triển khai giải pháp phù hợp, trên cơ sở đánh giá hiệu quả thí điểm và năng lực quản lý, vận hành tại chỗ. "Bộ Xây dựng sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm ban hành chính sách khung, hướng dẫn kỹ thuật và cơ chế hỗ trợ đầu tư để thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu phát triển giao thông thông minh trong tương lai gần", Thứ trưởng khẳng định.

Thực tế trải nghiệm tại Mô hình thí điểm Trung tâm điều hành giao thông thông minh

Trước thềm Hội thảo, các đại biểu đã tham gia chuyến tham quan thực tế tại Trung tâm điều hành giao thông thông minh - một mô hình ứng dụng công nghệ cao trong giám sát và điều phối giao thông tại Hà Nội. Tại đây, các đại biểu được giới thiệu về hệ thống camera giám sát, nền tảng phân tích dữ liệu, điều khiển đèn tín hiệu giao thông theo thời gian thực cùng các phương án xử lý sự cố, hỗ trợ điều hành xe buýt, quản lý điểm đỗ xe.

Chuyến tham quan là minh chứng sống động cho những ứng dụng có thể hiện thực hóa trong đô thị Việt Nam, đồng thời truyền cảm hứng cho các địa phương sớm triển khai mô hình điều hành giao thông đồng bộ, thông minh và thân thiện với người dân.

Bình luận