Hệ sinh thái ven sông Hồng bị đe dọa nghiêm trọng
Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống kết hợp với Khoa Kiến trúc & Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) và Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh (GreenHub) nghiên cứu, khảo sát môi trường và sử dụng không gian bờ vở sông Hồng khu vực thuộc phường Phúc Tân và phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Kết quả nghiên cứu phản ánh thực trạng môi trường khu vực bờ vở sông Hồng đang ở mức ô nhiễm nghiêm trọng và kỳ vọng của người dân về cách thức phát triển vùng bờ vở một cách bền vững; đồng thời giới thiệu một số kinh nghiệm đóng góp vào mục tiêu phát triển đô thị bền vững của Hà Nội.
Nghiên cứu cũng là một thực hành dung hợp xã hội khi có sự tham gia của cơ quan quản lý địa phương, người dân, sinh viên, giảng viên, chuyên gia các lĩnh vực quy hoạch, sinh thái, môi trường, xã hội… là cơ sở bảo đảm kết quả khảo sát tích hợp được nhiều góc nhìn khác nhau, từ đó đưa ra giải pháp triệt để và dung hợp hơn.
Chia sẻ về hiện trạng sinh thái bãi nổi giữa và ven sông Hồng khu vực Hà Nội, tại Tọa đàm “Tiếp cận sinh thái và xã hội trong việc thúc đẩy đô thị bền vững và dung hợp: Sự tham gia của các bên liên quan từ kinh nghiệm ở Hà Nội”, tổ chức sáng 29/5, TS Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD) đã cho biết, vùng bãi sông Hồng có giá trị tự nhiên và giá trị đa dạng sinh học nổi bật. Tuy nhiên, thực trạng hệ sinh thái động thực vật khu vực này đang bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là hệ sinh thái nguyên bản không còn giữ được nhiều.
Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do những tác động tiêu cực từ hoạt động đô thị hóa bất hợp pháp; áp lực từ phát triển của đại đô thị (rác sinh hoạt, phế thải xây dựng…); khai thác cát lậu; hay việc xâm lấn vùng bãi và các tác động tiêu cực của canh tác nông nghiệp không bền vững… đang làm biến đổi sinh thái vùng bãi sông Hồng.
Cộng đồng cùng tham gia cải tạo không gian xanh
Từ kết quả nghiên cứu khảo sát thực của Nhóm nghiên cứu, TS.KTS Phạm Anh Tuấn - Giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đề xuất giải pháp quản lý môi trường dựa vào cộng đồng, định hướng sử dụng không gian nhằm cải thiện môi trường sinh thái bền vững.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất trong việc cải tạo khu vực bãi sông Hồng chính là việc khơi thông dòng chảy, vì dòng chảy lưu vực sông Hồng rất dữ. Do vậy, TS.KTS Phạm Anh Tuấn đề xuất áp dụng giải pháp kè mềm và xốp là bước đệm để bảo vệ không gian sinh thái xanh hai bên bờ khi nhiều giải pháp kỹ thuật trước đó đã thất bại.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế và các giải pháp khả thi hướng đến phát triển đô thị bền vững, TS Ngô Anh Đào - Chủ trang trại An Nhiên (Hội An), đã đưa ra những ý tưởng nhằm mở rộng góc nhìn và các giải pháp khả thi để thiết kế và quy hoạch đô thị theo hướng sống xanh, bền vững. Trong đó, tính kết nối cộng đồng dân cư và hòa hợp với thiên nhiên đóng vai trò rất quan trọng.
Hay nói cách khác, cộng đồng dân cư cùng tham gia vào quá trình cải tạo không gian xanh nhằm bảo tồn sinh thái, tăng diện tích không gian công cộng cho chính người dân.
Từ kinh nghiệm thực tiễn 25 năm tư vấn cho các dự án quy hoạch hành động tại các đô thị di sản như: Huế, Hội An, Nam Định, Vĩnh Long, và nghiên cứu sâu về quản lý hệ sinh thái bờ nước và lưu vực ĐBSH và ĐBSCL… TS Ngô Anh Đào đồng tình với giải pháp thiết kế kè mềm để bảo vệ hệ sinh thái hai bên bờ sông Hồng do TS.KTS Phạm Anh Tuấn đề xuất.
TS Ngô Anh Đào cho rằng, chúng ta không những sử dụng vật liệu mềm mà phải “mềm” cả về tư duy. Không nên giữ tư duy cứng nhắc, phải chống lại thiên nhiên hoặc chinh phục thiên nhiên, mà cần thích ứng và đón nhận thay đổi của thiên nhiên bằng các giải pháp thiết kế phù hợp, hài hòa, tận dụng tất cả vật liệu, nguồn lực sẵn có của địa phương…
Thảo luận, trao đổi sâu hơn về vấn đề tiếp cận sinh thái và dung hợp xã hội, ý kiến các chuyên gia cũng cho rằng, cần dựa vào tính bản địa để giải quyết vấn đề vì đây là yếu tố quyết định sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển bền vững dựa trên sinh thái.
Bên cạnh đó, tính bình đẳng, tính nhân văn cũng là vấn đề then chốt, bởi phải có sự tham gia, kết nối của toàn cộng đồng thì hệ sinh thái mới bền vững.