Tại buổi làm việc đã có nhiều ý kiến phát biểu của đại diện các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản như: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam... Cũng như ghi nhận các ý kiến đề xuất, góp ý của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
Trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thống nhất nhận định, hợp tác mua bán than giữa Việt Nam và Lào là vấn đề hết sức quan trọng, vừa là nhiệm vụ phát triển kinh tế, thương mại; vừa là nhiệm vụ chính trị giữa hai nước. Do vậy, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã có rất nhiều cuộc họp và văn bản chỉ đạo về vấn đề này.
Đánh giá về hoạt động mua bán than với Lào của các tập đoàn, doanh nghiệp trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận, các tập đoàn, tổng công ty đã nỗ lực nhập khẩu than từ Lào về Việt Nam theo Hiệp định liên Chính phủ, chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên sản lượng nhập khẩu than đến nay vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng của hai nước.
Thời gian tới, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh việc hợp tác mua bán than giữa Việt Nam và Lào theo tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động hợp tác thương mại với Lào; trong đó có việc xây dựng Hiệp định hợp tác thương mại mua bán với than với Lào.
“Đây là nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ Công Thương thực hiện. Một nhiệm vụ hết sức quan trọng, vừa là nhiệm vụ phát triển kinh tế, thương mại, vừa là nhiệm vụ chính trị giữa hai nước” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Để có cơ sở xây dựng Hiệp định hợp tác nêu trên, Bộ trưởng yêu cầu, các đơn vị chức năng trong Bộ cũng như các tập đoàn, tổng công ty có báo cáo đánh giá toàn diện về nhu cầu mua bán than giữa hai nước và các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện được thuận lợi, đúng quy định.
Nội dung Hiệp định tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: Thứ nhất, về sản lượng nhập khẩu có thể điều chỉnh theo nhu cầu thực tế. Thứ hai, về phương thức mua bán và cuối cùng, về phân bổ số lượng nhập khẩu than từ Lào cho các tập đoàn, tổng công ty đầu mối.
Để triển khai thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Vụ Dầu khí và Than - đơn vị đầu mối chủ trì khẩn trương lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan để sớm hoàn thiện dự thảo Hiệp định trình Chính phủ, đảm bảo chất lượng và tiến độ được giao.
Nguồn: TTXVN