Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn là nền tảng quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững

15:55 10/12/2024
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tạo nền tảng để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường, giữa con người với tự nhiên trong bối cảnh mới; đồng thời là giải pháp cho vấn đề cạn kiệt tài nguyên, quản lý chất thải carbon và thúc đẩy phát triển bền vững.
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn là nền tảng quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững
Ảnh minh hoạ

Tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam năm 2024, diễn ra tại Hà Nội ngày 10/12, các nhà quản lý, chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận về con đường chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam với những cơ hội, thách thức và nguồn lực cần thiết, cũng như cách thức thúc đẩy kế hoạch hành động trong thời gian tới...  

Ưu tiên thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn 

Đề cập đến vai trò quan trong của nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho rằng, kinh tế tuần hoàn là một phương pháp tiếp cận đột phá nhằm thay đổi cách quản lý tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Các chiến lược hiện tại để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả năng lượng chỉ giải quyết được 55% lượng khí thải toàn cầu. Kinh tế tuần hoàn mang lại giải pháp bổ sung giúp giải quyết 45% lượng khí thải còn lại.

"Điều này đặc biệt quan trọng khi các lĩnh vực vật liệu chiếm phần lớn lượng phát thải như: xi măng, nhựa, thép, nhôm và thực phẩm. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, kinh tế tuần hoàn mang lại giải pháp cho vấn đề cạn kiệt tài nguyên, đóng góp vào việc quản lý chất thải carbon và thúc đẩy phát triển bền vững", PGS. TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.

Bà Ramla Khalidi -  Đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chia sẻ tại Diễn đàn.

Trong khi đó, theo Bà Ramla Khalidi - Đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), để đẩy nhanh quá trình chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, cần thực hiện các mục tiêu ưu tiên như : (1) Lồng ghép, thiết kế sinh thái, thiết kế tuần hoàn vào các chính sách và đưa ra các mục tiêu có thể đo lường được vào lộ trình kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, thúc đẩy đổi mới và khả năng cạnh tranh; (2) Các ngành chính như nông nghiệp, điện tử, nhựa, dệt may và vật liệu xây dựng hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và mở ra các cơ hội cho tăng trưởng bền vững; (3) Chuyển đổi tuần hoàn nên được lồng ghép vào các cải cách thể chế hiện tại, đảm bảo các thể chế hiệu quả và cấu trúc quản trị hợp lý sẽ giảm bớt rào cản và thúc đẩy đổi mới; (4) Quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn phải là nỗ lực của toàn xã hội, đặt con người và công bằng xã hội vào trung tâm, trong khi thúc đẩy các quan hệ đối tác...

Mô hình sản xuất tuần hoàn mang lại nhiều kết quả tích cực 

Ông Jerome Stucki - Trưởng bộ phận Kinh tế tuần hoàn và Tài nguyên - Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cho biết, các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam bước đầu đã thu được thành quả trong nỗ lực chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Đáng chú ý, Việt Nam đã xây dựng được 1.283 mô hình sử dụng năng lượng hiệu quả và sản xuất sạch (RECP), trong đó có 783 mô hình đã được áp dụng bởi 125 doanh nghiệp trong nước và thu được kết quả ban đầu tích cực.

"Một trong những thành quả lớn nhất của việc ứng dụng mô hình RECP chính là tiết kiệm về chi phí lâu dài. Theo đó, các doanh nghiệp áp dụng mô hình RECP đã tiết kiệm được 5,8 triệu USD mỗi năm cũng như thu hút được thêm 11,8 triệu USD từ các nhà đầu tư trong khi giảm được lượng khí nhà kính lên tới 39.560 tấn/năm, tiết kiệm được 4.252 tấn nguyên liệu thô và hóa chất mỗi năm", theo ông Jerome Stucki.

Ông Jerome Stucki - Trưởng bộ phận Kinh tế tuần hoàn và Tài nguyên - Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).

Nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành sản xuất, ông Jerome Stucki đã nhấn mạnh đến mô hình khu công nghiệp sinh thái (EIP) cần phải được xác định là một trong những trọng tâm trong chiến lược xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

EIP là một mô hình thích hợp để tạo ra sự hài hòa trong sản xuất giữa các doanh nghiệp hoạt động ở cùng một khu vực, cũng như giữa khu công nghiệp với các cộng đồng dân cư xung quanh.

Trong mô hình EIP, phụ phẩm sản xuất của một nhà máy có thể trở thành nguyên liệu cho nhà máy khác. Các doanh nghiệp cũng có thể chia sẻ các dịch vụ như vận chuyển, logistics, năng lượng. Đối với các cộng đồng xung quanh, những tài nguyên và năng lực của EIP như khả năng xử lý nước thải, rác thải hay phát điện từ các nguồn tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời có thể được dùng để phục vụ cho người dân.

Chia sẻ về những thành quả tích cực khi chuyển đổi mô hình sản xuất tuần hoàn, ông Nguyễn Đức Hùng - Giám đốc Công ty Dệt may TCE Jeans cho biết, doanh nghiệp đã tiết kiệm được một lượng lớn chi phí cho nguyên liệu cũng như hoạt động xử lý.

"Trước đây, để xử lý nước thải trong quá trình sản xuất, Công ty sử dụng dịch vụ bên ngoài với chi phí khoảng 15.000 VNĐ/m3 nước. Tuy nhiên, sau khi đã tự xây dựng cơ sở xử lý nước thải của riêng Công ty với công suất xử lý hàng nghìn m3/ngày thì chi phí này đã giảm gần một nửa xuống còn 8.000VNĐ/m3. Về lâu dài, đây là một khoản đầu tư có lợi cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Đức Hùng cho biết.

Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam năm 2024 do Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế tổ chức...

Với chủ đề “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - Từ Kế hoạch đến hành động”, Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam năm 2024 phản ánh bức tranh tổng thể về các định hướng, cơ chế chính sách cũng như hiện trạng và các giải pháp sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; vai trò của khu vực tư nhân trong việc thực hiện nền kinh tế tuần hoàn.

Bình luận