Ngày 29/5, tại Hà Nội, Diễn đàn Phát triển khu công nghiệp Việt Nam 2025 với chủ đề “Thúc đẩy phát triển khu công nghiệp: Giải pháp toàn diện và đầu tư bền vững” đã diễn ra, thu hút hơn 800 đại biểu tham dự.
Sự kiện do Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng IEC Consulting tổ chức.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trải qua sự chuyển dịch sâu sắc về chuỗi cung ứng, sản xuất và năng lượng, Việt Nam nổi lên là điểm đến chiến lược của dòng vốn đầu tư quốc tế.
Cùng với đó là các yêu cầu ngày càng cao về phát triển bền vững, tiêu chuẩn ESG (bộ tiêu chuẩn về môi trường - xã hội - quản trị), chuyển đổi số và giảm phát thải. Những thay đổi này đang tạo ra áp lực và cũng là động lực để tái cấu trúc toàn bộ hệ thống khu công nghiệp - vốn được coi là nền tảng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong suốt hơn hai thập kỷ qua.

Tại diễn đàn, ông Trương Gia Bảo - Tổng Thư ký Liên chi hội BĐS công nghiệp Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cũng cho thấy rằng mô hình phát triển khu công nghiệp truyền thống đang đối mặt với một số tồn tại và thách thức: Mức độ liên kết vùng và kết nối hạ tầng còn chưa cao; Chuyển đổi số và quản trị thông minh chưa được đầu tư đúng mức; Các tiêu chuẩn về môi trường, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn vẫn đang trong quá trình định hình; Việc thu hút nhà đầu tư có chất lượng, công nghệ cao, ít thâm dụng lao động vẫn là bài toán chưa dễ có lời giải.
Theo ông Trương Gia Bảo, chúng ta cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới trong quy hoạch, phát triển và vận hành các khu công nghiệp - không chỉ là nơi sản xuất, mà còn là hệ sinh thái hỗ trợ đổi mới sáng tạo, là hạt nhân kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, và là không gian phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường.
"Chính vì vậy, Diễn đàn hôm nay mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là cơ hội để chúng ta nhìn lại hiện trạng, thảo luận các xu hướng, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau đưa ra các kiến nghị, giải pháp mang tính thực tiễn, chiến lược để định hình tương lai của bất động sản công nghiệp Việt Nam", ông Trương Gia Bảo nhấn mạnh.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) Nguyễn Văn Khôi đánh giá, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến chiến lược của dòng vốn đầu tư quốc tế, nhờ vị trí địa lý thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện.
Nhưng đi kèm với cơ hội là những thách thức mới như yêu cầu cao hơn về phát triển bền vững, tiêu chuẩn ESG, chuyển đổi số, giảm phát thải hay chất lượng lao động. Những điều này đòi hỏi Việt Nam phải tái cấu trúc toàn diện hệ thống khu công nghiệp.

Trong khuôn khổ phiên toàn thể đã diễn ra phiên tọa đàm về chiến lược xây dựng khu công nghiệp thông minh - sinh thái - bền vững.
Tại đây, các chuyên gia đã trao đổi về một số nội dung quan trọng để phát triển bền vững các khu công nghiệp tại Việt Nam như việc áp dụng các chiến lược bền vững (4PS) vào khu công nghiệp Deep C; giải pháp chiếu sáng thông minh phù hợp để áp dụng tại các khu công nghiệp ở Việt Nam; giải pháp năng lượng thông minh phục vụ chuyển đổi xanh tại Việt Nam; khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận các gói tài chính của ngân hàng…
Phiên buổi chiều, diễn đàn đi sâu vào hai trục chủ đề: (1) Khu công nghiệp thông minh - Giải pháp về hạ tầng số, cảm biến, dữ liệu, tự động hóa, cùng chiến lược nâng cao năng lực thu hút đầu tư. (2) Khu công nghiệp sinh thái - Các giải pháp cộng sinh công nghiệp, năng lượng xanh, xử lý nước thải, mái xanh, vật liệu tái chế, cách nhiệt tiết kiệm năng lượng.

Theo Ban tổ chức, sự kiện là dịp để các cơ quan quản lý, nhà phát triển khu công nghiệp, quỹ đầu tư và chuyên gia công nghệ cùng thảo luận hướng đi mới nhằm thúc đẩy các khu công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và thích ứng với các yêu cầu xanh hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh ngày diễn đàn chính, sự kiện bao gồm các hoạt động bên lề, có tính chuyên môn cao như: Webinar - Thị trường Bất động sản công nghiệp Việt Nam: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh biến động toàn cầu, chương trình tham quan thực địa Khu công nghiệp Hòa Phú (Bắc Giang), một trong những mô hình khu công nghiệp điển hình về đầu tư hạ tầng đồng bộ và áp dụng công nghệ hiện đại.
Theo thống kê, đến nay cả nước có 416 khu công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích gần 129.000 ha, nhưng mới chỉ có 6 khu công nghiệp sinh thái được thí điểm theo hỗ trợ của UNIDO tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM.
Phần lớn khu công nghiệp vẫn đang vận hành theo mô hình truyền thống, phân tán hạ tầng xử lý, thiếu tích hợp dịch vụ hậu cần - đổi mới - đào tạo, chưa phát huy hiệu quả sử dụng đất hay năng lượng.
Ngoài ra, một tỷ lệ đáng kể các khu công nghiệp chưa có hệ thống giám sát môi trường tự động, gây khó khăn cho việc quản lý phát thải.
Về nguồn lực nhân lực, số liệu của Bộ KH&CN cho thấy, chỉ khoảng 15% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp có khả năng tiếp nhận công nghệ cao hoặc tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.