Việc áp dụng mô hình Mô hình thông tin công trình (BIM) trong xây dựng là một nội dung quan trọng, theo định hướng của Chính phủ trong Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình trong hoạt động xây dựng được ban hành ngày 17/3/2023 vừa qua.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Quyết định 258/QĐ-TTg, BIM được áp dụng bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt từ năm 2023; được áp dụng bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên từ năm 2025.
Lộ trình này áp dụng cho các công trình của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
Số hóa trong xây dựng từ thiết kế đến thi công và quản lý dự án là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao hiệu suất lao động, cải thiện chất lượng dự án và kiểm soát tốt hơn lịch trình và chi phí của dự án trong lĩnh vực xây dựng.
Hội thảo tập trung vào việc ứng dụng BIM cho các dự án cơ sở hạ tầng, kết cấu nhà cao tầng, quản lý dự án cũng như lộ trình ứng dụng BIM Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ và Tư vấn CIC cho biết, cuộc các mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và ngành Xây dựng cũng không phải ngoại lệ. Công nghệ luôn luôn thay đổi, đối với ngành Xây dựng, sự thay đổi này mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi sự cập nhật thường xuyên công nghệ mới cũng như sự thay đổi về cơ chế, chính sách, quy trình, nâng cao năng lực con người…
Chia sẻ tại cuộc Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hà bày tỏ mong muốn có thể mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa thông qua cuộc hội thảo ngày hôm nay.
Với sự tích cực phối hợp trong hoạt động xây dựng, giữa các bên tham gia dự án, việc số hóa trong xây dựng từ thiết kế đến thi công và quản lý dự án sẽ đem đến tầm nhìn và tương lai rộng mở hơn, hiện đại hơn, bền vững hơn cho ngành Xây dựng.