Thúc đẩy tăng trưởng xanh

14:22 24/02/2022
Tăng trưởng xanh không phải nhân tố mới trong quá trình phát triển. Nhưng với cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26 đang được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh bằng những hành động cụ thể, thì tăng trưởng xanh được nhận định là yếu tố then chốt nhằm hiện thực hóa cam kết.

Nhiều quyết sách
Theo PGS.TS Bùi Thị An, tại Việt Nam, Chương trình tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa từ năm 2012, thông qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó khẳng định: Tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững...
Tiếp đó, đến ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, trong đó, đề ra 4 chủ đề chính gồm: Xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất; thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Mới đây, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ phê duyệt, khẳng định rõ ràng, tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Chiến lược đặt ra 3 mục tiêu quan trọng là giảm phát thải, xanh hóa các ngành kinh tế và xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Mục tiêu lâu dài trong tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP. Chiến lược đặt ra mốc đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Để thực hiện xanh hóa các ngành kinh tế, Chiến lược hướng đến việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, năng lượng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số. Đồng thời phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Cần sớm ban hành tiêu chuẩn cấp quốc gia
Theo kết quả khảo sát, đến cuối năm 2018, mới chỉ có 7 bộ, ngành và 34/63 tỉnh, thành ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, các dự án mà các bộ, ngành, địa phương đã, đang thực hiện liên quan đến Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đều dựa trên sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ, chưa xuất phát từ năng lực nội sinh của bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, vẫn còn có sự xung đột, trùng lặp về mục tiêu giữa các chiến lược: Chiến lược phát triển bền vững; chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu; chiến lược tăng trưởng xanh; nguồn lực thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh hiện nay chưa rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh suy giảm kinh tế và cắt giảm đầu tư công…
Trao đổi xoay quanh vấn đề này, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc áp dụng, lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của một số địa phương đang đối mặt với không ít thách thức, do thiếu các nhóm giải pháp cụ thể và chưa thật sự khả thi đối với hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Do đó, để đạt được các mục tiêu và định hướng phát triển mà “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050" đề ra, cần sớm ban hành Bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh cấp quốc gia của Việt Nam. Theo đó, cần bổ sung một số chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chuẩn bị sẵn sàng để hoàn thiện và áp dụng Bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).
Theo thông tin từ Bộ KH&ĐT, hiện Việt Nam đang quy hoạch lại tất cả các ngành kinh tế, vùng kinh tế, quy hoạch lại 63 tỉnh, thành theo hướng tích hợp tất cả các ngành, lĩnh vực trong bản quy hoạch đó. Đây được nhận định là cơ hội để Việt Nam lồng ghép tất cả các cam kết trong COP26 vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để thực thi.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, Hà Nội hiện cũng đã và đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xanh, có nhiều giải pháp ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu bằng những hành động thiết thực. Không chỉ tăng cường trồng hàng triệu cây xanh cho Thủ đô, trong công tác xử lý nước thải, TP Hà Nội đã triển khai nhiều dự án xử lý nước thải làng nghề quy mô lớn. Tại các quận, huyện, thị xã, công tác bảo vệ môi trường cũng được triển khai quyết liệt. Điển hình, quận Hoàn Kiếm đã loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trong khu dân cư, tổ chức thu gom vỏ hộp sữa ở 100% trường học; huyện Đông Anh triển khai có hiệu quả việc xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề và đang triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn...
Theo Kế hoạch, Hà Nội nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2025, lượng phát thải khí nhà kính giảm 12,14% so với mức phát thải năm 2025 khi không có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (khoảng 6,68 triệu tấn CO2). Đến năm 2030, lượng phát thải khí nhà kính giảm 18,71% so với mức phát thải năm 2030 khi không có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (khoảng 13,76 triệu tấn CO2). TP cũng phấn đấu đạt các mục tiêu xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Tỷ lệ gia tăng các sản phẩm được dán nhãn xanh, sinh thái là 15%/năm. Các tòa nhà xây mới đáp ứng tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” năm 2025 là 100%…

"Tăng trưởng xanh không phải bây giờ chúng ta mới đề cập tới, mà đã và đang triển khai từ hàng chục năm nay, ví như việc thực hiện chương trình tiết kiệm điện, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, xanh hóa sản xuất, lối sống và tiêu dùng bền vững, không dùng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần... Tuy hiệu quả của nó vẫn chưa thực sự rõ nét trong đời sống nhưng đã tạo nền tảng tư tưởng và nhận thức quan trọng đối với cả cộng đồng DN, người tiêu dùng cũng như toàn xã hội về tăng trưởng xanh." - PGS.TS Bùi Thị An

Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị

Bình luận