Thực hiện cam kết COP26 - Xi măng phải được sản xuất “xanh”

07:01 28/07/2022
Ngành Xây dựng thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26 thì vấn đề lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt khí thải phát điện, sử dụng rác thải thay thế nhiên liệu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nền tảng cho việc thực hiện COP 26

Theo ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ VLXD, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp sản xuất xi măng cần tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi: Lắp đặt hệ thông thu hồi nhiệt khí thải phát điện; sử dụng rác thải thay thế một phần nhiên liệu đốt lò và sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên.

Trong thời gian qua, những vấn đề này đã được Bộ Xây dựng tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện và ban hành các chính sách cụ thể như các quy định tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 phê duyệt Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 phê duyệt quy hoạch phát triển công nghệ xi măng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030... 

Hệ thống phát điện nhiệt dư của một nhà máy xi măng.

Đối với vấn đề lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt khí thải phát điện, Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, quy định tại Phụ lục: “Đến hết năm 2025, 100% các dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải”.

Đối với vấn đề xử lý và sử dụng chất thải công nghiệp và rác thải làm nhiên liệu và nguyên liệu đầu vào trong sản xuất clinker, Quyết định số 1488/QĐ-TTg quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1: “Khuyến khích đầu tư công nghệ sản xuất xi măng gắn với việc xử lý và sử dụng chất thải công nghiệp và rác thải (kể cả rác thải y tế) làm nhiên liệu để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường”.

Phụ lục I Quyết định số 1266/QĐ-TTg cũng quy định: “Tỷ lệ sử dụng clinker trong sản xuất xi măng trung bình toàn ngành tối đa ở mức 65%; phụ gia cho xi măng sử dụng tối thiểu 35%”.

Việc quy định các nội dung cụ thể và triển khai thực hiện 3 vấn đề cốt lõi này được các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng sẽ là bước đệm và nền tảng tốt cho việc triển khai tốt Kế hoạch của ngành Xây dựng trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26 là đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Ông Phạm Văn Bắc cho biết, khi các nhà máy xi măng có hệ thống thu hồi khí thải phát điện mang lại lợi kép: (1) Giúp thu hồi khí nóng để phát điện, doanh nghiệp có thể tự cung cấp 20 - 30% tổng lượng điện tiêu thụ, (2) làm giảm nhiệt độ của khí thải ra môi trường từ khoảng 3000 xuống hơn 1000, (3) thu hồi bụi thải, giảm ô nhiễm môi trường, bụi thải ra môi trường ở mức 20 - 25 mg/m3, thấp hơn so với Quy chuẩn Việt Nam quy định là 30 mg/m3

Bên cạnh đó, thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp xi măng thành công trong việc đồng xử lý chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại trong quá trình sản xuất clanhke, trong đó phải kể đến Công ty Xi măng INSEE Việt Nam (tỉnh Kiên Giang) là đơn vị đi đầu đồng xử lý chất thải nguy hại trong lò nung clinker. Tính từ thời điểm năm 2007 đến nay, Công ty Xi măng INSEE Việt Nam đã đồng xử lý 1,16 triệu tấn chất thải nguy hại, tương đương giảm thiểu hơn 1 triệu tấn khí thải nhà kính…

Công nghệ đồng xử lý chất thải của Công ty CP Xi măng và xây dựng Quảng Ninh có khả năng xử lý được chất thải công nghiệp thông thường như: vải vụn, đế giầy, PE, PU, PVC, mút, xốp, gỗ, bùn thải của hệ thống xử lý nước khống chứa thành phần nguy hại. Tính từ thời điểm tháng 3/2020 đến nay, dây chuyền đồng xử lý của doanh nghiệp đã xử lý được hơn 4.058 tấn chất thải công nghiệp thông thường, trong đó bùn thải hơn 761 tấn, chất thải công nghiệp thông thường hơn 3.297 tấn…

Đặc biệt, cộng với việc nhiều nhà máy xi măng đã đầu tư nghiên cứu và áp dụng thành công việc sử dụng chất thải của các nhà máy nhiệt điện/phân bón hóa chất, bùn thải... làm nguyên liệu đầu vào sản xuất xi măng, không chỉ giúp làm giảm thiểu rủi ro nứt bê tông, tăng độ bền cho bê tông, giúp bê tông thích ứng được với môi trường nhiễm phèn, mặn, mà còn giúp cho các doanh nghiệp giảm tỷ lệ sử dụng clanhke trong sản xuất xi măng xuống mức 65%, thậm chí thấp hơn, ngành Xi măng Việt Nam đang chuyển hướng mạnh mẽ sang kinh tế tuần hoàn.

Hơn 50% dây chuyền sản xuất chưa có hệ thống thu hồi nhiệt khí thải

Tuy nhiên, vấn đề lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt khí thải phát điện chưa đạt được như kỳ vọng khi tính đến hết năm 2021, vẫn còn hơn 50% dây chuyền sản xuất xi măng chưa lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt khí thải để phát điện, trong đó có khoảng 10 nhà máy với hơn 16 dây chuyền đều có công suất hơn hoặc bằng 2.500 tấn clinker/ngày nằm trong hệ thống quốc doanh.

Ông Phạm Văn Bắc cho biết, tính đến hết năm 2021, số liệu báo cáo về Bộ Xây dựng cho thấy, đã có hơn 25 dây chuyền lắp đặt và vận hành hệ thống thu hồi nhiệt khí thải để phát điện, đạt tỷ lệ trên 40% tổng số dây chuyền, với tổng công suất phát điện đạt trên 165,37 MW. 

Hệ thống lọc bụi tĩnh điện hiện đại của một nhà máy xi măng.

Còn tổng số 30 dây chuyền chưa lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt khí thải để phát điện, chiếm gần 60%, trong đó Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) có 10 nhà máy sản xuất xi măng với 16 dây chuyền đều có công suất lớn hơn hoặc bằng 2.500 tấn clinker/ngày nhưng đến nay mới có một dây chuyền đã lắp đặt và đang vận hành thiết bị tận dụng nhiệt thừa khí thải lò nung để phát điện với công suất 3 MW.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam khẳng định, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân đều đã lắp đặt và vận hành hệ thống thu hồi nhiệt khí thải phát điện, cho thấy hiệu quả kinh tế và môi trường do hệ thống này mang lại là rất lớn.

Thực tế tại một số doanh nghiệp tư nhân như Xi măng Long Sơn, ngay từ khi đầu tư xây dựng nhà máy vào năm 2014, doanh nghiệp đã thiết kế và lắp đặt đồng bộ hệ thống thu hồi nhiệt dư gồm 2 hệ thống hấp thụ nhiệt cho 2 dây chuyền sản xuất, với công suất thiết kế cho mỗi dây chuyền 7 MW. Năm 2019, hệ thống này sản xuất 115 triệu kW, tương đương giá trị tiết kiệm 170 tỷ đồng.

Tại Xi măng Thành Thắng đã lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt khí thải phát điện từ năm 2017 cho 2 dây chuyền sản xuất với tổng công suất của cả 2 nhà máy phát điện 160 MW. Trong năm 2020, tổng giá trị sản lượng điện sản xuất từ tận dụng nhiệt khí thải đạt 190 tỷ đồng. Sau 3 năm vận hành phát điện, doanh nghiệp hoàn toàn làm chủ công nghệ tận dụng nhiệt dư, cả hai nhà máy phát điện tận dụng nhiệt khí thải đều chạy đạt công suất thiết kế.

Hệ thống thu hồi nhiệt khí thải phát điện tại dây chuyền 1 và dây chuyền 2 của Xi măng Xuân Thành (Hà Nam) giúp thu hồi nhiệt từ tháp trao đổi nhiệt và lò nung tạo ra điện có công suất 24.800 kWh, giúp tiết kiệm từ 25 - 30% nhu cầu sử dụng điện năng của toàn bộ nhà máy. Trong năm 2021, giá trị sản lượng điện sản xuất từ tận dụng nhiệt khí thải đạt 275 tỷ đồng, với giá điện trung bình là 1.613 đồng/kWh. Về lâu dài, việc sử dụng hệ thống này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn giúp Xi măng Xuân Thành thực hiện mục tiêu sản xuất “xanh”, giảm phát thải khí CO2, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do không phải sử dụng nguồn nguyên liệu thứ cấp.

Còn tại Nhà máy Xi măng Vissai Hà Nam, việc lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt khí thải để phát điện tại dây chuyền 1 và dây chuyền 2 với tổng công suất 168 MW mới được triển khai những năm gần đây và chính thức phát điện dây chuyền 2 vào ngày 08/6/2021 và dây chuyền vào ngày 25/11/2021, có tổng đầu tư 11,44 triệu USD. Hệ thống này có thể tận dụng hết được 100% nhiệt khí thải để phát điện nhưng doanh nghiệp chỉ sử dụng khoảng 80 - 90% để duy trì sự ổn định áp suất hệ thống lò nung và bảo đảm công suất phát điện tối ưu của lò hơi... 100% các loại khí thải trước khi ra tới ống khói và thải ra môi trường đều phải qua hệ thống lọc bụi tĩnh điện hiệu suất cao để bảo đảm các tiêu chuẩn về nhiệt độ và nồng độ bụi…

Một doanh nghiệp xi măng cho biết, với việc thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26 cũng như những yêu cầu mới đặt tại thị trường tiêu chuẩn cao như Mỹ, châu Âu, Australia... doanh nghiệp đang đẩy nhanh hơn tiến độ nghiên cứu sử dụng nguyên liệu đầu vào thay thế than trong các dây chuyền sản xuất clanhke, đồng thời chú trọng phát triển những sản phẩm xi măng thân thiện môi trường để góp phần giảm thiểu các-bon và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
 

Bình luận