TÓM TẮT:
Trong bối cảnh giáo dục đại học hiện nay, công tác bảo đảm chất lượng đã và đang được quan tâm ở tất cả các trường Đại học trên cả nước, trong đó hoạt động bảo đảm chất lượng đối với các chương trình đào tạo là một nội dung quan trọng đòi hỏi các trường Đại học phải quan tâm và liên tục có các giải pháp cải tiến chất lượng. Tại Trường Đại học Tiền Giang, đối với ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng, yêu cầu cải tiến chất lượng đào tạo những năm gần đây đã được nhà trường chú trọng và có những biện pháp cải tiến nhất định. Bài báo trình bày việc phân tích, đánh giá thực trạng và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo. Trong tham luận này, các số liệu được trình bày và phân tích xoay quanh nội dung về chuẩn đầu ra.
Từ khóa: Bảo đảm chất lượng; chuẩn đầu ra; kỹ thuật xây dựng.
ABSTRACT:
In the current context of higher education, quality assurance has been concerned at all universities across the country, of which quality assurance for curricula is one of the important aspects which requires universities to pay more attention and continuously have quality improvement solutions. At Tien Giang University, in the field of civil engineering technology, the requirements to improve the training quality in recent years have been focused by the university and certain improvement measures have been implemented. This paper presents the analysis and assessment of the current situation and proposes some solutions to improve training effectiveness. In this paper, the data are presented and analyzed based on learning outcomes.
Keywords: Quality assurance; learning outcomes; civil engineering
1. GIỚI THIỆU
Chuẩn đầu ra (CĐR) là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân mà người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, được cơ sở giáo dục cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện. Tuy nhiên, việc đánh giá thành tích, năng lực của sinh viên thông qua đánh giá kết quả học tập theo CĐR trong quá trình đào tạo chưa được thực hiện một cách hiệu quả.
Chính vì vậy, trong thời gian tới Trường Đại học Tiền Giang cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo đảm chất lượng bên trong nhằm đánh giá chính xác hơn mức độ đạt được CĐR của người học sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo.
Bài báo trình bày một số kết quả trong công tác bảo đảm chất lượng đào tạo được thực hiện tại ngành Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng (CNKTXD), Trường Đại học Tiền Giang. Kết quả này dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng sau kỳ kiểm định, đánh giá ngoài qua một số khía cạnh như: mức độ đạt được của chương trình đào tạo (CTĐT), chương trình dạy học (CTDH); hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH); hoạt động hỗ trợ sinh viên.
Qua đó, một số giải pháp cải tiến hoạt động bảo đảm chất lượng cũng được đề xuất góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngành CNKTXD tại Trường Đại học Tiền Giang.
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Nội dung nghiên cứu
Các nội dung nghiên cứu chính mà bài báo đề cập bao gồm:
- Đánh giá thực trạng hoạt động bảo đảm chất lượng đào tạo ngành CNKTXD, Trường Đại học Tiền Giang, giai đoạn 2018 - 2022.
- Xác định những khó khăn, hạn chế tồn tại trong công tác bảo đảm chất lượng của Trường.
- Đề xuất giải pháp cải tiến hoạt động bảo đảm chất lượng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của ngành CNKTXD tại Trường Đại học Tiền Giang.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Các phương pháp nghiên cứu đã được sử dụng gồm:
- Phương pháp tổng hợp: tập hợp các thông tin dữ liệu có liên quan đến hoạt động bảo đảm chất lượng làm cơ sở phân tích đánh giá.
- Phương pháp thống kê: thống kế các số liệu về việc đánh giá các tiêu chí khác nhau nhằm so sánh và đánh giá sự phát triển của hoạt động NCKH trong sinh viên.
- Phương pháp khảo sát: trên cơ sở khảo sát ý kiến của các bên liên quan, tham khảo với các chuyên gia có kinh nghiệm trong công tác bảo đảm chất lượng giáo dục, xác định các khó khăn và xây dựng các giải giải pháp cải tiến.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Thực trạng về hoạt động bảo đảm chất lượng ngành CNKTXD tại Trường Đại học Tiền Giang thời gian qua được khái quát qua một số nội dung chủ yếu nêu bên dưới đây.
3.1. Mục tiêu, Chuẩn đầu ra (CĐR) của Chương trình đào tạo (CTĐT) ngành Xây dựng, Trường Đại học Tiền Giang
Mục tiêu, CĐR của CTĐT được xác định rõ ràng, phù hợp với phát biểu sứ mạng và tầm nhìn của Chiến lược phát triển Trường, phù hợp với yêu cầu của mục tiêu của GDĐH quy định tại Luật GDĐH.
Để đánh giá mức độ đạt được mục tiêu, CĐR của sinh viên về CTĐT ngành CNKTXD, ý kiến các bên liên quan đã được khảo sát. Trường đã tiến hành phân tích, đánh giá ý kiến đóng góp ở cấp Trường và ngoài Trường được thể hiện trong Bảng 1.
Bảng 1. Kết quả đánh giá mức độ đạt được của mục tiêu, CĐR của CTĐT ngành CNKTXD giai đoạn 2018 - 2022
Bên cạnh những mặt đạt được, công tác bảo đảm chất lượng cần quan tâm đến một số vấn đề sau:
- Số lượng CĐR của CTĐT hiện tại còn quá nhiều gây khó khăn trong công tác đánh giá mức độ đạt được CĐR.
- Việc thiết kế thang đo để đánh giá mức độ đạt CĐR của người học cần được nghiên cứu xây dựng cho phù hợp hơn.
3.2. Chương trình đào tạo, Chương trình dạy học (CTDH)
Nội dung bản mô tả CTĐT được thiết kế phù hợp với mục tiêu, CĐR, nội dung bản mô tả CTDH có đầy đủ thông tin về phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra, đánh giá và ma trận kết nối các phương pháp, hình thức đánh giá với CĐR.
Kết quả khảo sát, phân tích, đánh giá về chất lượng của CTĐT, CTDH được thể hiện trong Bảng 2.
Bảng 2. Kết quả đánh giá mức độ đạt được của nội dung CTĐT, CTDH
Bên cạnh những mặt đạt được, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, công tác bảo đảm chất lượng cần quan tâm đến một số vấn đề sau:
- Xây dựng ma trận kết nối của các CĐR của học phần với CĐR của CTĐT một cách chi tiết hơn;
- Cập nhật, điều chỉnh phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá phù hợp cho từng CĐR.
3.3. Hoạt động hỗ trợ người học
Nhằm giúp người học thích nghi với việc học tập ở môi trường mới, hoạt động hỗ trợ người học được Nhà trường quan tâm từ lúc người học nhập học cho đến khi tốt nghiệp ra trường thông qua đội ngũ cố vấn học tập chuyên trách. Thống kê kết quả khảo sát về mức độ hài lòng của người học đối với hoạt động hỗ trợ cho kết quả tốt.
Trên cơ sở đánh giá chất lượng của hoạt động hỗ trợ Trường và đánh giá ngoài được thể hiện theo Bảng 3.
Bảng 3. Kết quả đánh giá mức độ đạt được của hoạt động hỗ trợ
Tuy nhiên, để cải tiến nâng cao hoạt động hỗ trợ người học, công tác bảo đảm chất lượng cần chú ý các nội dung:
- Rà soát, đánh giá hiệu quả của hoạt động tư vấn học tập, về chất lượng hoạt động ngoại khoá hỗ trợ cho các hoạt động học tập của người học.
- Khảo sát, đánh giá mức độ đáp ứng của CTĐT đối với người học sau khi làm việc.
3.4. Hoạt động nghiên cứu khoa học
Hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên ngày càng được quan tâm. Số lượng giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng tăng về số lượng cũng như chất lượng. Trong giai đoạn 2018 - 2022, giảng viên Bộ môn kỹ thuật xây dựng tham gia nhiều đề tài cấp tỉnh, Bộ và cấp Trường, hiện tại, giảng viên Bộ môn kỹ thuật xây dựng đang tham gia thực hiện 02 đề tài cấp tỉnh, 01 đề tài cấp Trường. Tỷ lệ sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng tham gia nghiên cứu khoa học từng bước được nâng lên và là điểm sáng trong đánh giá CTĐT.
Trên cơ sở khảo sát, phân tích, đánh giá, kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học được thể hiện trong Bảng 4.
Bảng 4. Kết quả đánh giá của hoạt động NCKH của giảng viên và sinh viên
Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên còn một số tồn tại sau:
- Hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên còn mang tính ràng buộc nghĩa vụ, chưa thực sự là nhu cầu của giảng viên.
- Các hoạt động học thuật cho sinh viên nghiên cứu chưa được tổ chức đa dạng.
3.5. Kết quả đầu ra
Để đánh giá kết quả đầu ra, Trường đã thu thập, thống kê đầy đủ dữ liệu về việc làm, tỉ lệ tốt nghiệp đúng hạn, tỉ lệ sinh viên bị buộc thôi học. Trên cơ sở phân tích kết quả, tỉ lệ sinh viên có việc làm tương đối cao, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng tiến độ còn thấp và tỉ lệ sinh viên buộc thôi học khá cao theo Bảng 5.
Bảng 5. Kết quả khảo sát tỉ lệ sinh viên có việc làm, tốt nghiệp đúng tiến độ và tỉ lệ sinh viên bị buộc thôi học
4. KẾT LUẬN
Trên cơ sở khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng của việc đào tạo ngành Xây dựng tại Trường Đại học Tiền Giang, mặt mạnh, một số điểm tồn tại đã được nhìn nhận. Nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngành, một số giải pháp bảo đảm chất lượng được đề xuất thực hiện trong thời gian tới, Trường cần tập trung thực hiện các công việc:
Một là, thực hiện việc khảo sát đầy đủ tất cả các bên liên quan về mục tiêu, CĐR của CTĐT, đặc biệt chú ý đến mẫu khảo sát như: sự phù hợp của số lượng từng loại doanh nghiệp theo quy mô, loại đơn vị khảo sát tương ứng với việc làm của người học sau tốt nghiệp và đối tượng khảo sát.
Hai là, xây dựng các phương pháp giảng dạy, hình thức kiểm tra đánh giá nhằm bảo đảm việc đánh giá phù hợp, chính xác cho từng CĐR.
Ba là, tăng cường công tác hỗ trợ người học nhằm nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp đúng hạn, giảm tỉ lệ buộc thôi học nâng cao hiệu quả đào tạo.
Bốn là, gắn kết hoạt động học tập của người học với hoạt động nghiên cứu khoa học, học đi đôi với hành, góp phần đáp ứng CĐR của CTĐT.
Cuối cùng, tăng cường hợp tác với các Trường có đào tạo ngành Xây dựng nhằm trao đổi, đối sánh kết quả đào tạo nhằm học hỏi các điểm tích cực, tìm ra các hạn chế cần cải tiến góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo trình độ đại học ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Tiền Giang, giai đoạn 2018 - 2022.
[2]. Nguyễn Quốc Phong, “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra của sinh viên ngành xây dựng, Trường Đại học Tiền Giang”, Tạp chí Giáo chức Việt Nam, 2022.
[3]. Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với các yêu cầu về đảm bảo chất lượng tại Trường Đại học Tiền Giang, kỷ yếu hội thảo khoa học cấp trường, Trường Đại học Tiền Giang, 2022.