
Ngày 07/4, ông Trump đã làm rung chuyển thị trường toàn cầu khi đăng tải một chuỗi thông điệp trên nền tảng Truth social và X, trong đó ông đã ra tối hậu thư công khai với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Nếu Bắc Kinh không rút lại mức thuế trả đũa 34% đối với hàng hóa Mỹ trước ngày 08/4, Hoa Kỳ sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 50% đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc kể từ ngày 09/4, đàm phán sẽ kết thúc vĩnh viễn.
Đây không phải là lời hăm dọa chiến thuật thông thường, đó là tối hậu thư theo nghĩa chính trị kinh tế toàn diện với hàm ý rất rõ, hoặc Trung Quốc rút lui hoặc Hoa Kỳ sẽ kích hoạt một dạng phong tỏa kinh tế có chủ đích. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại một Tổng thống Hoa Kỳ đưa ra tối hậu thư có thời hạn cụ thể, mức phạt rõ ràng và hậu quả toàn diện đối với một nền kinh tế lớn như Trung Quốc.
Đằng sau lời lẽ cứng rắn, chiến thuật của chính quyền Trump rất rõ, không còn là thương lượng mà là ép Bắc Kinh phải lựa chọn giữa khuất phục và trả đũa.
Tối hậu thư của Tổng thống Trump: Đòn cảnh cáo chiến lược
Tổng thống Trump đã nhấn mạnh ba điểm chính trong thông điệp của mình. Ngày 08/4 là hạn cuối để Trung Quốc công khai rút lại mức thuế trả đũa 34% đối với các mặt hàng Mỹ, bao gồm máy móc, nông sản hay là công nghệ và bây giờ thì đã qua hạn cuối. Và, Hoa Kỳ áp dụng mức thuế bổ sung 50% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc, đẩy tổng mức thuế lên ít nhất 145% tính cả mức 104% đã ban hành trước đó (hai lần Nhà Trắng đánh thuế 10% hồi đầu nhiệm kỳ (tháng 02/2025), thuế đối ứng 34% được ông Trump công bố hôm 02/4 và mức thuế mới 50%). Mọi cuộc đàm phán với Trung Quốc sẽ bị đình chỉ vô thời hạn. Trong khi đó, Hoa Kỳ sẽ bắt đầu đàm phán các hiệp định thuế quan sạch với các nước thân thiện như là Việt Nam, Israel, Argentina hay là Ấn Độ. Ba mục tiêu chính trong tối hậu thư của ông Trump như sau:
Một là, Tổng thống Trump đang chứng minh rằng, ông muốn Trung Quốc phải “khuất phục”, điều mà nhiệm kỳ đầu ông chưa làm triệt để. Tối hậu thư là một đòn truyền thông mạnh để làm lu mờ chỉ trích từ Đảng Dân chủ về thương mại, củng cố hình ảnh Tổng thống không nhân nhượng;
Hai là, kiểm tra giới hạn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Trump hiểu rằng Trung Quốc đang chịu áp lực kinh tế trong nước. Nếu ông Tập nhượng bộ, đó là thắng lợi kinh tế và ngoại giao kép. Ngược lại, nếu ông Tập trả đũa thì ông ấy sẽ gánh lấy hệ quả toàn cầu. Ông Trump đặt ông Tập vào thế khó. Rút lui thì mất mặt trong nước, phản kháng thì lãnh đòn thuế chồng chất;
Ba là, tối hậu thư này không đơn thuần chỉ nhằm phá hủy hiện trạng mà để loại bỏ Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ, đưa các nước như Việt Nam, Ấn Độ hay là Mexico vào hệ thống mới do Mỹ dẫn dắt. Do đó, tối hậu thư không chỉ là lời đe dọa, nó còn là lời mời dành cho các đối tác thay thế Trung Quốc.
Tổng thống Trump từng tuyên bố, Trung Quốc đã đánh cắp hàng nghìn tỷ USD từ Mỹ bằng cách thao túng thương mại, tỷ giá và trợ giá. Họ phải trả giá mức thuế bổ sung được lựa chọn vì nó đủ lớn để phủ định toàn bộ lợi thế giá của hàng Trung Quốc tại Mỹ, nó cũng đủ rõ ràng để nhà đầu tư hiểu rằng kỷ nguyên Trung Quốc đã qua, đủ dễ hiểu với cử tri Mỹ rằng Trump đánh mạnh, đánh thật. Đây là con số chính trị, không dừng ở con số thương mại.
Kết quả của tối hậu thư này đã được thấy ngay, chỉ trong 24 giờ sau khi nó được công bố, chứng khoán Trung Quốc mất hơn 6% giá trị vốn hóa, đồng nhân dân tệ giảm 2,4% so với USD, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2020, hay là giá cổ phiếu của các hãng Mỹ tại Trung Quốc như là Apple, Tesla, Nvidia giảm sâu. Các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam, Ấn Độ bắt đầu đón dòng vốn đột biến.
Như vậy có thể thấy, tối hậu thư của ông Trump không phải để đối thoại mà để lựa chọn phe. Nó đánh dấu sự chuyển từ thương chiến mềm sang cắt đứt chiến lược và trong chiến lược đó, Trung Quốc không còn được coi là đối thủ cạnh tranh cần kiểm soát mà là kẻ bị loại khỏi cuộc chơi.
Đáp trả của Trung Quốc: Phản công có chủ đích
Chưa đầy 24 giờ sau khi Tổng thống Trump ban hành tối hậu thư, chiều 09/4, Đài Truyền hình trung ương CCTV đưa tin Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo sẽ nâng mức thuế bổ sung áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ lên 84%, bắt đầu từ 12h01 trưa 10/4 đối với nhiều nhóm hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Động thái này được truyền thông gọi là đòn phản công lớn nhất từ trước đến nay của Bắc Kinh trong chiến tranh thương mại.
Câu hỏi đặt ra là liệu đòn đánh 84% này có thực sự hiệu quả hay chỉ là phản xạ chính trị để giữ thể diện trong nước. Theo tuyên bố chính thức của Bắc Kinh thì mức thuế 84% này sẽ được áp dụng ngay lập tức với các mặt hàng là nông sản chủ lực như đậu nành, ngô, thịt bò, thịt heo xuất xứ từ Trung Tây Hoa Kỳ; công nghệ bán dẫn và thiết bị phần cứng máy chủ, linh kiện vi mạch từ California, Texas; xe ôtô, hàng tiêu dùng cao cấp, xe điện, dược phẩm mỹ phẩm từ các tập đoàn Mỹ có nhà máy tại Trung Quốc hoặc là xuất khẩu trực tiếp. Tổng giá trị hàng hóa bị ảnh hưởng ước tính lên tới 120 tỷ USD mỗi năm, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc.
Vậy mục đích thật sự của Bắc Kinh là gì trong bối cảnh suy thoái, thanh niên đang thất nghiệp và giảm tiêu dùng kéo dài từ 2023 đến tận 2025?
Đòn thuế này giúp nhà lãnh đạo Trung Quốc thể hiện rằng Bắc Kinh vẫn có khả năng đối đầu và bảo vệ chủ quyền. Mức 84% không phải là con số tùy tiện, nó tương đương một nữa với tổng mức thuế của Mỹ 145% (đến chiều 11/4, Tân Hoa xã dẫn lời Ủy ban Thuế quan thuộc Chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ áp mức thuế 125% đối với tất cả hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ nhập khẩu vào nước này, bắt đầu từ 12/4 ). Rõ ràng là Bắc Kinh đã chọn cách đáp trả vừa đủ, không vượt ngưỡng để giữ cửa đàm phán mở về lâu dài. Điểm đáng chú ý là hàng loạt mặt hàng bị đánh thuế là nông sản, ngành chủ lực ở các tiểu bang trung tâm như là Iowa, Ohio hay là Missouri. Đây là đòn gián tiếp gây sức ép lên nội bộ Đảng Cộng hòa, buộc các nhóm cử tri nông nghiệp phải yêu cầu Trump xuống thang. Cho nên, đây là đòn đánh về chính trị nhiều hơn là kinh tế.
Vậy Trung Quốc có đòn bẩy với Mỹ hay không?
Có, nhưng mà hạn chế. Thị trường Trung Quốc vẫn là một phần quan trọng của xuất khẩu Mỹ. Boeing, Tesla, Apple, Qualcomm, Tyson Foods… đều cần thị trường này để tăng trưởng. Nông sản Mỹ không dễ tiêu thụ nhanh tại nơi khác, Trung Quốc chính là người mua lớn nhất về đậu nành và thịt heo toàn cầu. Tuy nhiên Trung Quốc không có nhiều biên độ trả đũa như trước đây. Tổng lượng hàng Mỹ xuất sang Trung Quốc chỉ xấp xỉ 150 tỷ USD đã bị đánh thuế gần hết, Mỹ xuất khẩu nhiều dịch vụ không đánh thuế được trong khi Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa rất dễ bị trừng phạt. Việc tự cô lập thị trường có thể khiến người tiêu dùng Trung Quốc thiệt hại, làm sâu thêm cuộc khủng hoảng tiêu dùng nội địa. Cho nên, đòn bẩy của Bắc Kinh đang yếu đi, không phải vì thiếu công cụ mà vì các công cụ ấy sẽ tự làm tổn thương chính họ. Đòn thuế 84% của Bắc Kinh là một hành động phản kháng có kiểm soát, nó không đủ mạnh để đảo chiều cán cân nhưng cũng không quá yếu để bị coi là lùi bước. Thay vào đó, nó gửi tín hiệu cho ông Trump rằng Trung Quốc không chấp nhận ép buộc, nó cũng giúp trấn an dư luận trong nước rằng chính quyền đã phản ứng mạnh mẽ. Nhìn chung thì đây là đòn vừa để giữ thể diện vừa để giữ thế, một nước cờ phòng thủ hơn là tấn công chiến lược.
Tác động đến thị trường toàn cầu: Tâm lý sụp đổ - phản ứng lan truyền
Khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chính thức bước vào một trận chiến thuế quan không khoan nhượng, thị trường toàn cầu không còn phản ứng bằng sự lo lắng mà bằng sự hoảng loạn có tổ chức. Tối hậu thư từ Trump và đòn trả đũa 84% từ Trung Quốc đã gây ra hiệu ứng dây chuyền chỉ trong vòng chưa đầy 48 giờ, khiến giới đầu tư, chính phủ và các tập đoàn đa quốc gia đồng loạt phải điều chỉnh lại kế hoạch tài chính, chuỗi cung ứng và chiến lược rủi ro. Chứng khoán Trung Quốc thì sụt mạnh, tâm lý mất niềm tin, chỉ số CSI 300 giảm hơn 6,2% trong 2 ngày liên tiếp sau tuyên bố thuế từ Mỹ, làn sóng bán tháo cổ phiếu trong các lĩnh vực xuất khẩu, bán lẻ, công nghệ sản xuất. Chứng khoán Mỹ thì biến động mạnh, chia phe rõ rệt, NASDAQ và S&P 500 giảm tới 2,6 đến 3,1% , tập trung ở các cổ phiếu có liên kết với Trung Quốc như Apple, Tesla, Micron hay là Nvidia. Các nước ASEAN như là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia thì ghi nhận dòng vốn FDI thăm dò tăng nhẹ, khi các công ty cân nhắc rút khỏi Trung Quốc.
Bối cảnh này bắt đầu đánh dấu cho sự trỗi dậy của tài sản trú ẩn. Đồng USD tăng và vàng bật mạnh, vàng vượt mốc 3.200 USD/ounce , cao nhất trong lịch sử khi nhà đầu tư lo sợ chiến tranh thương mại sẽ dẫn tới khủng hoảng tín dụng hoặc xung đột khu vực. Dòng vốn đầu tư quốc tế thì đang rút khỏi Trung Quốc , các quỹ lớn như là BlackRock, Fidelity bắt đầu chuyển dần đầu tư khỏi Trung Quốc sang các nền kinh tế ít rủi ro chính trị.
Cuộc chiến thương mại này không chỉ là vấn đề về thuế mà còn là chất xúc tác để dòng vốn toàn cầu chọn phe. Các nhà đầu tư không còn nhìn căng thẳng Mỹ - Trung dưới lăng kính thương mại nữa, thay vào đó họ đang điều chỉnh chiến lược đầu tư dựa trên các yếu tố rủi ro địa chính trị kéo dài, mức độ độc lập chuỗi cung ứng hay là khả năng kiểm soát của nhà nước.
Trong một cuộc chiến thương mại không có ai là người chiến thắng tuyệt đối, thiệt hại đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ thể hiện ra ngay ở tác động trực tiếp đến xuất khẩu.
Tác động trực tiếp đến kinh tế Trung Quốc
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ năm 2024 là khoảng 525 tỷ USD, với mức thuế trung bình 145%, hàng hóa Trung Quốc sẽ không còn khả năng cạnh tranh tại Hoa Kỳ. Dự báo Trung Quốc sẽ mất từ 0,9 - 1,5 điểm phần trăm GDP chỉ từ sụt giảm xuất khẩu trực tiếp. Bên cạnh đó các nhà máy phục vụ xuất khẩu cho Hoa Kỳ, đặc biệt là điện tử, đồ gỗ, máy móc hay là quần áo sẽ buộc phải cắt giảm công suất hoặc đóng cửa. Tác động dây chuyền đến thất nghiệp, hàng triệu lao động mất việc làm, tiêu dùng nội địa vốn đã yếu sẽ suy giảm mạnh do mất thu nhập. Đáng lo hơn, FDI vào Trung Quốc trong quý I/2025 chỉ đạt 13,4 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ, là mức thấp nhất trong bốn năm qua. Doanh nghiệp nội địa bắt đầu tìm cách chuyển tiền ra ngoài, dẫn đến áp lực tỷ giá. Tính sơ bộ, trong ngắn và trung hạn, tổn thất ước tính là 3,5 - 4,2 điểm phần trăm GDP, nếu tình hình này kéo dài từ 6 - 9 tháng.
Tác động trực tiếp đến kinh tế Hoa Kỳ
Mặc dù ít hơn về số nhưng không nhỏ hơn về chiều sâu. Trung Quốc cung cấp 32% hàng tiêu dùng và linh kiện cho Mỹ năm 2024. Khi thuế áp lên tới 145%, hàng triệu sản phẩm từ điện thoại, laptop đến đồ gia dụng sẽ tăng giá ít nhất từ 20 - 40%, lạm phát lõi có thể tăng thêm 1,5 - 1,8 điểm phần trăm trong quý II và quý III/2025. Apple, Tesla, Qualcomm hay Nvidia sẽ chịu gián đoạn sản xuất và mất lợi nhuận từ thị trường Trung Quốc khi bị trả đũa. Dự báo lợi nhuận nhóm doanh nghiệp SMP 500 có hợp tác với Trung Quốc sẽ giảm từ 8 - 12% trong năm 2025. Khi Trung Quốc ngừng nhập đậu nành, thịt bò, ngô, nông dân Mỹ mất thị trường tiêu thụ trị giá hơn 30 tỷ USD. Các tiểu bang nông nghiệp miền Trung Tây phản ứng gay gắt, gây áp lực lên chính quyền Trump. Tổng thiệt hại có thể khiến tăng trưởng GDP Mỹ giảm từ 0,8 - 1,2 điểm phần trăm nếu không có chính sách kích thích tương đương.
Về số học, Trung Quốc mất nhiều hơn cả về giá trị thương mại lẫn tâm lý nhà đầu tư, còn về chiến lược thì Hoa Kỳ chịu tổn thương chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng để lập trình lại một trật tự thương mại mới. Nhiều nhà quan sát đã ví việc Mỹ - Trung đáp trả thuế lẫn nhau lần này như là một phiên bản của thế chiến thương mại lần 2. Tuy nhiên nếu nhìn sâu vào cách cả hai bên triển khai, đây không đơn thuần là cuộc đấu vì thặng dư hay là bảo hộ mà là cuộc tái định vị trật tự kinh tế toàn cầu do địa chính trị dẫn hướng. Trong thương chiến 2018 - 2019, Hoa Kỳ áp thuế để Trung Quốc mở cửa thị trường, chấm dứt trợ cấp nông nghiệp và bảo vệ tài sản trí tuệ, mục tiêu vẫn là ép Trung Quốc cải cách để duy trì vai trò trong hệ thống hiện tại. Còn trong cuộc thương chiến năm 2025 lần này, mức thuế 145% không nhắm vào cải cách nữa mà nhắm vào tách rời toàn diện.
Tối hậu thư của Tổng thống Trump mang theo thông điệp “chúng tôi không muốn đàm phán, chúng tôi muốn định nghĩa lại ai được tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”. Đây là bước chuyển từ logic kinh tế sang logic quyền lực, không còn đặt câu hỏi là Trung Quốc làm gì sai mà là Trung Quốc có đáng tin để hợp tác lâu dài hay không. Mỹ đang xây dựng lại một hệ thống thương mại theo kiểu chuỗi cung ứng có lý lịch, mục đích là đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, hướng đến các quốc gia thân thiện, minh bạch và dân chủ, ví dụ như là Mexico, Ấn Độ hay Philippines, Việt Nam. Mỹ không chỉ muốn giảm nhập khẩu từ Trung Quốc mà muốn cô lập mô hình kinh tế dựa vào nhà nước của quốc gia này.
Chính quyền Trump không đánh Trung Quốc vì thương mại mà vì mô hình Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược lâu dài. Tất nhiên là Trung Quốc không còn cam chịu mà đang cố gắng xây dựng thế giới song song. Từ năm 2023, ông Tập Cận Bình đã phát động chiến lược tuần hoàn kép, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu, thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Chính phủ Trung Quốc đã đổ hàng nghìn tỷ nhân dân tệ vào hệ thống sản xuất chip AI, năng lượng trong nước để tự chủ công nghệ . Bên cạnh đó là nỗ lực kết nối với các nền kinh tế phi phương Tây như là Nga về năng lượng, nguyên liệu chiến lược, Iran, Trung Á về dầu mỏ, logistics hay châu Phi, Nam Mỹ về khoáng sản, lương thực. Mục tiêu là xây dựng trục kinh tế thay thế bên ngoài ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Trung Quốc hiểu rõ rằng họ không còn được chào đón trong hệ thống phương Tây và đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái riêng.
Cơ hội cho Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Chúng ta vẫn nói với nhau rằng khi rủi ro, thách thức đến với nước này thì lại mở ra cơ hội cho các nước khác. Việt Nam, Ấn Độ, EU, ASEAN cũng như vậy. Việt Nam, nếu thành công trong việc tách rời khỏi Trung Quốc thì có thể trở thành trung tâm sản xuất thay thế trong sạch, được Mỹ và các quốc gia G7 dành nhiều ưu ái. Tuy nhiên nếu Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc thì sẽ bị nghi ngờ là trạm trung chuyển. Ấn Độ với lợi thế về dân số và nền tảng công nghệ, cộng với chính phủ chủ động, đang nổi lên là trung tâm sản xuất thay thế quy mô lớn nên được Mỹ đẩy mạnh chuỗi cung ứng AI, bán dẫn, năng lượng tái tạo với quốc gia này. EU với Pháp và Đức vẫn muốn giữ thương mại với Trung Quốc nhưng Đông Âu, Bắc âu thì muốn theo Mỹ, điều này tạo ra chia rẽ nội khối. Bức tranh địa chính trị đang thể hiện rõ sự phân cực của thế giới, không phải theo ý thức hệ mà theo định vị chuỗi cung ứng.
Trong suốt hai tuần đầu tháng 4/2025, thế giới chứng kiến một chuỗi leo thang chưa từng thấy trong lịch sử thương mại toàn cầu hiện đại. Từ góc nhìn địa kinh tế, thuế quan chỉ là công cụ bề mặt, dưới lớp vỏ đó là Hoa Kỳ đang thực thi một kế hoạch “ly hôn” có kiểm soát với Trung Quốc, dùng thuế để cưỡng chế doanh nghiệp Mỹ và đồng minh rời khỏi thị trường Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả cách đóng cửa chiến lược có giới hạn, giữ thể diện nội bộ nhưng cũng âm thầm rút về phòng tuyến công nghiệp lõi. Hai hệ thống kinh tế đang trượt khỏi nhau như hai mảng kiến tạo, tạo ra những khe nứt và những trận địa chấn mà các quốc gia khác phải lựa chọn vượt qua hay rơi vào.
Câu hỏi là liệu nền kinh tế Trung Quốc có thể sụp đổ hay không? Câu trả lời, chắc chắn là không nhưng suy thoái là có. Vì tuy Trung Quốc mất vai trò trung tâm nhưng nếu biết chuyển hướng sang thị trường nội địa và các nước phi phương Tây thì họ sẽ vẫn tồn tại dù với quy mô nhỏ hơn. Còn Mỹ thì sẽ gánh thiệt hại chính trị nhưng nếu quản lý tốt chuỗi cung ứng thay thế thì họ cũng sẽ tái thiết thương mại có kiểm soát thành công. Có một thực tế rõ ràng là trong khi Trung Quốc đang bị đẩy lùi khỏi sân khấu thương mại phương Tây thì Hoa Kỳ khẩn trương viết lại luật chơi bằng chuỗi hiệp định song phương sạch.
Việt Nam đứng trước một cơ hội lịch sử nhưng cũng là một thách thức sinh tử. Việt Nam không thể đứng ngoài bởi độ mở kinh tế lớn, khiến mọi cơn địa chấn thương mại đều lan nhanh và rất nhanh. Nhưng cũng không thể đứng giữa, vì mô hình trung lập thương mại đang trở nên lỗi thời khi thế giới bị chia rẽ bởi chuỗi cung ứng có lý lịch. Chỉ còn một con đường đứng lên và định vị mình là quốc gia sản xuất độc lập, minh bạch, đáng tin. Muốn làm được điều đó thì Việt Nam phải dứt khoát tách khỏi chuỗi cung ứng Trung Quốc một cách có chọn lọc, đặc biệt ở các ngành xuất khẩu chủ lực; đầu tư vào truy xuất xuất xứ, nội địa hóa linh kiện, minh bạch hải quan và chứng từ để bảo vệ thị trường Hoa Kỳ; và gia tăng nhập khẩu chiến lược từ Mỹ như là nông sản, năng lượng, công nghệ để tạo cân bằng lợi ích và tăng đòn bẩy cho đàm phán.
Việt Nam đã được mời vào sân chơi mới, nơi luật lệ khắt khe hơn nhưng phần thưởng cũng lớn hơn. Đây không chỉ là lúc sống sót mà là lúc vươn lên thành quốc gia chủ lực trong chuỗi giá trị hậu Trung Quốc. Cơ hội không đến nhiều và lựa chọn hôm nay sẽ định hình vai trò của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
https://tuoitre.vn/trung-quoc-tra-dua-ap-thue-bo-sung-84-doi-voi-hang-my-20250409182126601.htm
https://tuoitre.vn/trung-quoc-dap-tra-ap-thue-125-len-hang-hoa-my-20250411152436288.htm
https://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-trung-quoc-huy-don-hang-loat-vi-thue-quan-my-post1026871.vnp
https://nguoiquansat.vn/dow-jones-mat-1-700-diem-s-p-500-giam-gan-6-210649.html
https://goonus.io/gia-vang/vang-the-gioi/
https://viettimes.vn/anh-huong-boi-lenh-trung-phat-cua-my-dong-von-fdi-trung-quoc-di-lui-ve-nam-1991-post183492.html
https://mekongasean.vn/xuat-nhap-khau-trung-quoc-tro-lai-moc-6000-ty-usd-trong-nam-2024-38009.html
https://vneconomy.vn/thue-quan-my-trung-leo-thang-gioi-kinh-te-hoc-dieu-chinh-du-bao-kinh-te-trung-quoc.htm
https://cafef.vn/di-sau-ve-truoc-chien-luoc-ai-1400-ty-usd-gay-choang-cua-trung-quoc-dang-sau-thanh-cong-cua-deepseek-188250318101256987.chn