Thương nhân có trách nhiệm báo cáo tình hình sử dụng kho xăng dầu

10:28 28/03/2024
Dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương trong hoạt động kinh doanh xăng dầu quy định chặt chẽ trách nhiệm báo cáo tình hình sử dụng kho xăng dầu, trách nhiệm của đại lý bán lẻ xăng dầu khi ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho tối đa ba thương nhân...

Trách nhiệm báo cáo tình hình sử dụng kho xăng dầu

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số quy định tại Nghị định số 80/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023 về kinh doanh xăng dầu, và sửa đổi, bổ sung một số quy phạm pháp luật khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu...

Trong đó, hướng dẫn thi hành một số quy định tại Nghị định số 80/2023/NĐ-CP, dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm báo cáo tình hình sử dụng kho xăng dầu (Điều 3) theo hướng, thương nhân có kho xăng dầu thuộc sở hữu cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu khác thuê sử dụng có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý tình hình sử dụng kho và cho thuê kho theo Mẫu số 1 gửi về Bộ Công Thương trước ngày 10 của tháng đầu tiên của kỳ tiếp theo.

Thương nhân thuê kho để phục vụ hoạt động kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý tình hình sử dụng kho thuê theo Mẫu số 2 về Bộ Công Thương và Sở Công Thương tại địa bàn thương nhân thuê kho trước ngày 10 của tháng đầu tiên của kỳ kế tiếp.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng kho thuê của thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn theo các nội dung sau: Hợp đồng thuê kho; Dung tích thuê sử dụng; Sản lượng hàng hóa qua kho kỳ báo báo.

Trường hợp phát hiện thương nhân có dấu hiệu vi phạm quy định về sử dụng kho, Sở Công Thương kịp thời báo cáo về Bộ Công Thương để phối hợp quản lý.

Bên cạnh đó, về trách nhiệm của đại lý bán lẻ xăng dầu khi thực hiện ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho tối đa ba thương nhân (Điều 4), dự thảo Thông tư quy định thương nhân là đại lý bán lẻ xăng dầu có trách nhiệm ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi khoản 2, khoản 3 Điều 21 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Trường hợp thương nhân là đại lý bán lẻ xăng dầu đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu khi thực ký hợp đồng đại lý với hai (02) hoặc ba (03) thương nhân là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu, thương nhân có trách nhiệm lập hồ sơ gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để sửa đổi, bổ sung thông tin về thương nhân cung cấp xăng dầu trong Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu và Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu của thương nhân theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 20 và điểm b khoản 2 Điều 25 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Trường hợp thương nhân là đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ có một (01) cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi thực hiện ký hợp đồng đại lý với hai (02) hoặc ba (03) thương nhân là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu, thương nhân có trách nhiệm lập hồ sơ gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để sửa đổi, bổ sung thông tin về thương nhân cung cấp xăng dầu trong Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 25 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Sửa đổi, bổ sung một số quy phạm pháp luật

Dự thảo Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung một số quy phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu như: Kiểm tra và cấp Giấy xác nhận, Giấy chứng nhận Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu, Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu, Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu; Điều hành giá xăng dầu; Đăng ký hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu hàng năm...

Đáng chú ý, dự thảo Thông tư đồng thời bãi bỏ Điều 10, Điều 11, Điều 12 Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC ngày 29/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu...

Liên quan đến việc quản lý và điều hành giá xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26/3/2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu; thực hiện nghiêm túc quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là trong việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định... 

Nghị định số 80/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, có một số điểm mới như: (1) Thời gian rà soát, công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu tư các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng; (2) Thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu giảm từ 10 ngày xuống còn 7 ngày; (3) Đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy xăng dầu tư tối đa 3 nguồn; (4) Bãi bỏ loại hình tổng đại lý bán lẻ xăng dầu; (5) Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát điều kiện kho chứa khi cấp Giấy phép thương nhân đầu mối/phân phối xăng dầu…

Bình luận