TÓM TẮT:
Mô hình tích hợp thông tin công trình (Building Information Modeling - BIM) là xu thế tất yếu cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh trong ngành Xây dựng. Hoạt động đào tạo BIM trên thế giới rất đa dạng, từ đào tạo cấp chứng chỉ đến đào tạo trong các trường đại học như một môn học hoặc chuyên sâu hơn là một ngành học. Hiện tại ở Việt Nam vẫn đang chỉ đào tạo ở các khóa học cấp chứng chỉ do nhiều cơ sở, trung tâm, hoặc các viện nghiên cứu tại trường đại học thực hiện. Đi đầu trong lĩnh vực đào tạo BIM trong trường đại học, tác giả đã nghiên cứu tích hợp chương trình đào tạo BIM vào trong đào tạo ngành kiến trúc trình độ đại học tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Bằng phương pháp lí luận, phân tích tổng hợp đánh giá, tìm hiểu các khung chương trình đào tạo trên thế giới, cùng với phỏng vấn trao đổi xin ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo kiến trúc, để đưa ra định hướng giáo dục giảng dạy BIM trong Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Từ khóa: Mô hình thông tin công trình; dạy BIM tại đại học; đẩy mạnh áp dụng BIM; nguồn nhân lực
ABSTRACT:
Along with science and technology development in the industrial revolution 4.0, Building Information Modeling (BIM) has become an inevitable trend of the Construction Industry to improve quality, efficiency and competitiveness. BIM training activities in the world are extremely diverse, from certificate training programmes to university training courses, and more intensive is discipline. Currently in Vietnam, BIM is only trained and certified with programmes from institutions, centers and universities’ research institutes. Leading in the field of BIM training in universities, the author has researched to integrate BIM training program into university-level architecture training at HUCE. By methodology, analysis, synthesis, evaluation, study of training program frameworks in the world, along with interviews with experts in the field of architectural training, the author can indicated BIM educational and teaching orientation at HUCE.
Keywords: Building information modeling; Teaching BIM in university; promoting BIM implementation; human resource.
1. GIỚI THIỆU
Áp dụng Mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling, viết tắt là BIM) là xu thế tất yếu cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của ngành Xây dựng.
Sử dụng BIM giúp kiểm soát các xung đột trong thiết kế, thi công, đồng thời giảm bớt thời gian thực hiện dự án, giảm chi phí, chống thất thoát, lãng phí trong xây dựng. Chính hiệu quả mà BIM mang lại dẫn tới các nước trên thế giới đặc biệt chú trọng tới hoạt động đào tạo BIM. Trong mảng kiến trúc, đội ngũ nhân lực cần phải đào tạo để làm chủ những quy trình và công nghệ mới đã trở nên cấp thiết.
Minh chứng là các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã công bố, ví dụ như Quyết định số 1004/QĐ-BXD "Phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030" hay Quyết định số 1056/QĐ-BXD ngày 11/10/2017 về khung chương trình BIM cho lực lượng chủ đầu tư, nhân sự trong ban quản lý dự án, nhà thầu xây dựng và đặc biệt là các đơn vị tư vấn thiết kế do Bộ Xây dựng đưa ra [1].
Như vậy lực lượng kiến trúc sư hay đội ngũ kỹ sư xây dựng có đầy đủ năng lực sử dụng BIM ở Việt Nam trở thành trọng tâm cần đào tạo. Môi trường đào tạo chuyên nghiệp chính tại các trường đại học lại chưa được đầu tư chuyển hướng để bắt kịp xu thế. Do đó, việc nghiên cứu tích hợp chương trình đào tạo BIM vào trong chương trình đào tạo kiến trúc trình độ đại học là cần thiết.
2. NỘI DUNG
2.1. Tổng quan về đào tạo BIM tại các nước trên Thế giới và Việt Nam
a. Hoạt động đào tạo BIM tại các nước trên thế giới
Lịch sử phát triển của phương tiện thiết kế trong lĩnh vực xây dựng bắt đầu từ việc vẽ tay, sau là các phần mềm 2D, 3D ra đời, tiếp theo chính là BIM đã giúp cho ngành Xây dựng đạt được nhiều bước tiến đột phá.
Việc đào tạo BIM cũng dần trở thành trọng tâm trong giáo dục ngành Xây dựng. [2,tr.4] Barison và Santos là người đã nghiên cứu các chương trình đại học của AEC (AEC là một chương trình dành cho những người đã tốt nghiệp, đã đi làm với mong muốn học thêm để có thêm kỹ năng cho nghề nghiệp tương lai.
AEC thì không có các môn học cơ bản) tại 25 trường đại học, hầu hết là ở Hoa Kỳ. Họ suy ra rằng có 6 trường đại học giảng dạy BIM ở cấp độ sơ cấp, 12 trường dạy BIM ở cấp độ trung cấp và 7 trường đại học giảng dạy BIM ở cấp độ nâng cao. BIM ở cấp độ nhập môn không yêu cầu bất kì điều kiện nào (thậm chí không phải CAD) hoặc kỹ năng tính toán cao, phù hợp với sinh viên năm nhất.
Barison và Santos cũng chỉ ra có những trường dạy BIM thông qua hợp tác đào tạo từ xa, phù hợp với trường hợp các sinh viên phân tán ở các vị trí địa lý khác nhau, trong các cơ sở giáo dục khác nhau.
Các ví dụ về trường đại học đã thực hiện phương pháp này như Đại học Nebraska-Lincoln (Kiến trúc) và Đại học Wyoming (Kỹ thuật kiến trúc). Về đào tạo cấp độ nâng cao ở Hoa Kỳ có thể nhắc tới Đại học Virginia Tech và Đại học Nam California.
Liên kết đào tạo bởi Đại học Loughborough (Vương quốc Anh), Đại học Coventry (Vương quốc Anh) và Đại học Ryerson (Canada).Việc đầu tư ngay vào giai đoạn đào tạo sinh viên đại học là điều hợp lý về mặt kinh tế. Tuy nhiên, việc đưa BIM vào một loạt các chương trình như vậy cần có hậu cần tốt, đòi hỏi sự phối hợp và nhất quán trong cách tiếp cận.
Tại trường đại học Loughborough - Vương quốc Anh, sau khi nhập học, một sinh viên đại học điển hình sẽ phải trải qua bốn giai đoạn giáo dục BIM. Trong năm đầu tiên, sinh viên tập trung vào các nguyên tắc và khái niệm cơ bản về BIM, nhận thức và sử dụng cơ bản các công nghệ BIM cũng như đánh giá cao các vấn đề về cộng tác và khả năng tương tác.
Năm thứ hai dành riêng cho các giao thức / tiêu chuẩn BIM, sản xuất thông tin thiết kế đa lĩnh vực, phối hợp các mô hình và tạo bộ dữ liệu COBie - Construction Operations Building Information [3].
Trong năm thứ ba, sinh viên thường được bố trí thực tập, nơi họ thấy được tầm quan trọng của việc sử dụng BIM, đánh giá nhu cầu của ngành, học tập các kỹ năng thực tế, tham gia phát triển chuyên môn và tích lũy kinh nghiệm thực tế về cơ hội cũng như rào cản đối với việc áp dụng BIM.
Sinh viên năm cuối sẽ phải áp dụng BIM cho lĩnh vực chuyên môn của mình bao gồm luận văn và đồ án thiết kế cuối khóa, thiết lập và quản lý môi trường dữ liệu chung (CDE - Common Data Environment) và có được kiến thức về phân phối chiến lược của BIM cho các dự án xây dựng.
Các môn ưu tiên giảng dạy được ánh xạ với sơ đồ phát triển BIM. Mục đích là để thể hiện quá trình tiến bộ của chương trình học tập BIM, đặc biệt là trong năm học đầu tiên, nơi một học phần (hai học kì) duy nhất có kết quả học tập vượt qua BIM cấp độ 0, cấp độ 1 và cấp độ 2. Từ so sánh trực quan sau khi hoàn thành Cad 2D trong học kì 1, sinh viên kết thúc với một dự án thiết kế vào cuối học kì 2.
Một vài môn học BIM năm thứ hai và thứ ba chồng lên nhau ở BIM cấp độ 1 và cấp độ 2, điều này là không thể tránh khỏi do việc lồng ghép BIM vào chương trình đào tạo cơ bản. Ba môn học về BIM hoàn toàn mới cần được đưa vào giảng dạy vì mục đích đào tạo của chúng không nằm trong các môn học hiện có, môn học dựa trên các khái niệm hoàn toàn mới. Ví dụ như phát hiện - tránh xung đột và sử dụng các môi trường dữ liệu chung.
Giai đoạn thứ 3 được dành riêng cho các môn học mới BIM sẽ bao quát các khía cạnh của BIM mà môn học cũ không thể lồng ghép được, do hạn chế chặt chẽ về chương trình giảng dạy cũng như do tính đặc thù của chúng. Ba môn học mới được Antony Thorpe (2016) [2] đề xuất cho các chương trình BSc và MSc: một môn học cho chương trình BSc về phối hợp 3DBIM trong đó chủ đạo là kiểm tra cơ sở dữ liệu BIM và phát hiện xung đột.
Hai môn (cho 2 chương trình BSc và MSc) là kết hợp quy trình làm việc kỹ thuật số trên không gian mạng (không cần giấy tờ) và nhập vai hợp tác.
Những môn học mới này được thiết kế để áp dụng giảng dạy thử nghiệm cho một nhóm sinh viên được lấy từ các ngành khác nhau. Ví dụ như môn CVC045: là sinh viên BSc năm cuối từ các chương trình khác nhau tham gia. Sinh viên từ BSc quản lý Kỹ thuật Xây dựng dự kiến sẽ tham gia học phần này từ năm thứ hai.
Đối với môn CVP335: nhóm sinh viên tham gia gồm các sinh viên sau đại học quốc tế được rút ra từ hai chương trình Quản lý Xây dựng và Quản lý dự án xây dựng. Trong cả hai môn học, thiết kế ứng dụng tạo mô hình thông tin (tức là 3D, 4D và 5D BIM) [4] và nhập môn hợp tác đều dựa trên bài toán là mô hình hóa lại một bản thiết kế công trình.
Sinh viên có quyền tự do lựa chọn cách tạo dữ liệu 5D: tức là thông qua bảng tính được tạo từ Revit hoặc bằng cách xuất mô hình 3D sang CostX hoặc Navisworks để tự tính toán số lượng. Sinh viên thường làm việc trong một nhóm gồm bốn người (BSc) hoặc năm người (MSc), theo đó ba/ bốn thành viên sẽ tạo ra các dữ liệu thiết kế cơ sở - tức là từ bản phác thảo đến thiết kế cuối cùng với thông tin chi phí.
Người thứ tư/ năm đóng vai trò quản lý thông tin, người điều phối luồng thông tin và tổng hợp các mô hình kết cấu và kiến trúc trong dự án. Tất cả các vai trò khác đều do các thành viên trong nhóm tự phân công và thương lượng.
Sinh viên được khuyến khích sử dụng thư viện BIM Quốc gia của Vương quốc Anh (NBL,2015) để tải xuống các sản phẩm và chi tiết đáp ứng các tiêu chí cụ thể của khách hàng, tuân thủ các tiêu chuẩn thông số kỹ thuật xây dựng quốc gia.

Đối với CVC045, hai người kiểm tra có trách nhiệm đóng vai khách hàng, họ được cấp quyền truy cập chỉ đọc vào không gian làm việc của mỗi nhóm (Thư mục dùng chung cho khách hàng) để có thể đưa ra phản hồi và yêu cầu thay đổi vào các khoảng thời gian cụ thể.
Các yêu cầu thay đổi nhằm mục đích khiến học sinh cộng tác tạo ra các phiên bản sửa đổi của mô hình và lưu lại các phiên bản thay thế phù hợp với PAS1192-2. Đầu ra của mỗi nhóm được đánh giá bằng phương pháp điện tử, thông qua môi trường dữ liệu chung và không được phép nộp bài giấy.
Thành phần “báo cáo khách hàng” bằng văn bản yêu cầu sinh viên phản ánh kinh nghiệm của họ và thể hiện sự hiểu biết về BIM cấp độ 2 và bất kì hạn chế nào của môi trường dữ liệu chung hoặc quy trình vận hành công việc.
Các sinh viên BSc cũng được yêu cầu duy trì một nhật ký ghi chép bằng wikipost, qua đó họ ghi lại kinh nghiệm tập thể của mình khi bắt đầu và kết thúc môn học, cũng như trong các cuộc họp thảo luận nhóm.
Một ví dụ khác là chương trình đào tạo kiến trúc BIM tại trường đại học Waterford institute of technology - vùng đông nam Ireland. kéo dài 4 năm chuyên ngành kiến trúc với các kĩ năng nâng cao về Công nghệ thông tin xây dựng BIM được CIAT (Viện Công nghệ Kiến trúc Chartered) công nhận.
Với chứng nhận này chương trình đã được đánh giá, khảo sát về nội dung, cấu trúc, nguồn lực và đáp ứng được các yêu cầu của Viện. Đây là chương trình đại học duy nhất ở Ireland thúc đẩy BIM làm trọng tâm đào tạo.
Sinh viên được rèn luyện để thành thạo khoa học xây dựng và sản xuất các bản vẽ và thông số kĩ thuật xây dựng cho các loại tòa nhà phức tạp, cho phép họ trở thành thành viên kỹ thuật của nhóm thiết kế xây dựng.
Sinh viên được cung cấp kiến thưc nâng cao trong việc áp dụng phương pháp BIM - một phương pháp tiếp cận hợp tác tích hợp để phân phối dự án xây dựng giữa các chuyên gia có liên quan, tức là kỹ sư, nhà khảo sát số lượng, kiến trúc sư và nhà thầu xây dựng.
Các học phần như Quản lý dự án, công trình lỗi và sửa chữa, kĩ thuật và công nghệ hợp tác xây dựng cũng sẽ cho phép sinh viên tốt nghiệp trở thành chuyên gia thực hành liên ngành trong ngành Xây dựng.
Bảng 2.1 Chương trình đào tạo kiến trúc BIM tại trường đại học Waterford institute of technology - vùng đông nam Ireland
Chương trình Kiến trúc - BIM tập trung giảng dạy về phần công nghệ và kĩ thuật xây dựng: ngoài việc học tập BIM tại các xưởng, chương trình học còn có các môn học về phần mềm tính toán năng lượng, quản lý dự án, xuất bản vẽ. Những môn học thuần túy về học thuật đã được giản lược bớt.
Ví dụ như môn học về bối cảnh văn hóa hay môn nghiên cứu và phát triển học thuật, truyền thông thị giác - những môn học chuyên về phát triển kỹ năng tư duy thiết kế, văn hóa trong khung chương trình ngành Kiến trúc, thì bên ngành Kiến trúc - BIM đã được giản lược thay bằng môn học quan niệm thiết kế kiến trúc
Như vậy, trên thế giới những năm gần đây việc đào tạo BIM chính là ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng. Điều này có thể thấy rõ từ các phương thức đào tạo BIM hiện có như đào tạo từ xa, các hội thảo khoa học hoặc đào tạo cấp chứng chỉ ngắn hạn hay dài hạn.
Thậm chí dấu ấn quan trọng là xây dựng được một khung chương trình đào tạo chính quy ngay trong trường đại học. Đây là một định hướng đúng đắn đặt nền móng cho việc xây dựng lực lượng lao động mới thành thạo biết sử dụng BIM trong tương lai.
b. Hoạt động đào tạo BIM tại Việt Nam
Sử dụng từ khóa "khóa học BIM" và "khóa đào tạo BIM" trên mạng tìm kiếm Google thì lần lượt nhận được 5.400.000 kết quả sau 0,69 giây và 918.000 kết quả sau 0,87 giây. Điều này chứng tỏ việc đào tạo BIM hiện đang thu hút được rất nhiều sự chú ý.
Bảng 2.2: Các cơ sở đào tạo BIM tại VN
Trong 14 trang cung cấp khóa học BIM xuất hiện đầu tiên, có tới gần một nửa là có các chương trình đào tạo Quản lý BIM - BIM manager, có cấp chứng chỉ đào tạo của Autodesks. Các khóa học từ cơ bản đến nâng cao ở các lĩnh vực như kiến trúc, xây dựng, cơ điện. Các khóa đào tạo BIM cơ bản cho chuyên viên mô hình - BIM Modeler khoảng 20 đến 30 buổi. Mục tiêu chủ yếu là đào tạo học viên sử dụng phần mềm.
Cấp độ cao hơn là đào tạo điều phối BIM - BIM Coordinator. Cấp độ cao nhất là khóa BIM Manager - quản lý BIM. Như vậy, điều kiện tốt nhất người học phải trải qua 3 khóa học để được cấp chứng chỉ quản lý BIM. Chi phí cho mỗi khóa học cũng tùy vào từng trung tâm.
Mức giá dao động trong khoảng 3 đến 5 triệu đồng. Do đó, tổng chi phí cũng khá lớn nên đối tượng học viên thường thấy là kỹ sư, kiến trúc sư đã ra trường, có kinh nghiệm thực tế, và có kinh tế để trang trải. Đặc biệt có 3/14 trung tâm được liệt kê là chuyên môn đào tạo BIM từ cơ bản đến nâng cao ở lĩnh vực cơ điện.
Chỉ có 2/14 trung tâm đơn thuẩn đào tạo sử dụng phần mềm, tức là chuyên đào tạo chuyên viên mô hình BIM. 3/14 trung tâm đào tạo tới điều phối BIM - BIM Coordinator là đào tạo về nguyên lý, quy trình, giúp học viên hiểu rõ hơn về bản chất công việc.
Tổng kết trên cũng khá hợp lý khi tiến trình áp dụng BIM trong xây dựng tại Việt Nam đang được thực hiện mạnh mẽ. Việt Nam đã đi qua những bước đi đầu tiên trong tiến trình làm chủ BIM, đòi hỏi cần phải có một lượng lớn lực lượng lao động có tay nghề cao làm chủ được công nghệ.
Do đó, các trung tâm cũng tập trung đào tạo Người quản lý BIM. Minh chứng là có tới 6/14 trung tâm đào tạo BIM Manager có cấp chứng chỉ .
Ngoài các kênh đào tạo chuyên nghiệp từ các tổ chức giáo dục, ngay tại các nội bộ doanh nghiệp cũng có các chương trình huấn luyện nâng cao nghiệp vụ. Ngoài ra, các cá nhân cũng có thể thực hiện tự đào tạo thông qua việc quan sát, phân tích và tiếp thu từ các hoạt động diễn ra trong cũng như bên ngoài tổ chức.
Mặt khác, với sự phát triển của công nghệ truyền thông, internet và mạng xã hội, việc tiếp nhận kỹ năng, kiến thức không chỉ bị giới hạn bởi các phương pháp đào tạo truyền thống. Ví dụ như hình thức đào tạo trực tuyến, 08/14 khóa có cung cấp loại hình học online, giúp người học thuận lợi hơn nhiều trong việc tiếp cận.
Nghĩa là học viên có thể ở các tỉnh thành xa vẫn có thể học và lấy chứng chỉ, miễn là có một đường truyền Internet tốt.
Các trang blog, diễn đàn trao đổi ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã ra đời góp phần mang nhiều tri thức tới người học. Chính nhờ mạng lưới rộng lớn các chuyên gia này sẽ giúp việc tiếp cận, phổ biến và phát triển BIM một cách dễ dàng hơn.
Việc chia sẻ, thảo luận với các đồng nghiệp về vấn đề chuyên môn giúp củng cố những kiến thức hiện tại và các kiến thức mới tiếp thu từ các đồng nghiệp ở các mảng khác. Bởi hệ sinh thái BIM là nơi tổ hợp của các chuyên gia với các chuyên ngành khác nhau như xây dựng, kiến trúc, cơ điện, môi trường nước…
2.2. Đào tạo ngành Kiến trúc tại Trường ĐHXDHN.
Hiện tại, trong chương trình đào tạo kiến trúc và quy hoạch tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội hiện tại vẫn chưa đào tạo BIM chuyên sâu. Môn đồ họa AutoCad 2D được giảng dạy cùng với môn hình họa và vẽ kĩ thuật đối với chương trình CDIO cho ngành kiến trúc, chuyên ngành kiến trúc nội thất, chuyên ngành kiến trúc công nghệ, chuyên ngành kiến trúc - quy hoạch và chuyên ngành kiến trúc cảnh quan.
Còn chương trình cũ chuyển đổi thì đồ họa AutoCad 2D được giảng dạy cùng môn Vẽ kĩ thuật. Việc lồng ghép đào tạo BIM cần phải cân nhắc sắp xếp cho phù hợp từng chương trình bởi việc học đồ họa BIM nên được bố trí sau khi sinh viên hoàn thành môn học có nội dung đào tạo về đồ họa 2D.
Ngành kiến trúc/ chuyên ngành kiến trúc công nghệ và chuyên ngành quy hoạch - kiến trúc theo chương trình tiếp cận CDIO : môn đồ họa 2D AutoCad được phối hợp cùng môn Hình họa và
Vẽ kĩ thuật trong kì 1 năm 1 → Như vậy để đào tạo đồ họa BIM cho các chuyên ngành này có thể được thực hiện sớm từ ngay kì 2 năm 1.
Ngành kiến trúc - Kiến trúc Pháp ngữ và ngành Quy hoạch vùng và đô thị theo chương trình cũ chuyển đổi. Môn đồ họa 2D AutoCad được lồng ghép cùng môn Vẽ kĩ thuật - Autocad trong kì 1 năm 2 → Để đào tạo đồ học BIM thì phải thực hiện sau thời điểm này.
2.3. Đề xuất
Theo Quyết định số 1004/QĐ-BXD "Phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030", việc ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý hệ thống thông tin công trình BIM sẽ là bước đi bắt buộc và rất quan trọng trong tương lai.


Để áp dụng thành công hệ thống thông tin công trình vào thiết kế tới thi công thì nguồn nhân lực như kĩ sư xây dựng nói chung và kiến trúc sư nói riêng cần được đào tạo chặt chẽ, bài bản, bắt buộc phải trang bị kiến thức về BIM.
Như vậy lực lượng lao động này mới có thể đáp ứng được đòi hỏi của xã hội, đáp ứng được công việc thiết kế cũng như theo kịp với tiến trình áp dụng hệ thống thông tin công trình BIM của cả nước.
Việc đào tạo phải có sự giúp sức của toàn xã hội. Nhà nước cần kiến tạo môi trường thuận lợi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, trường đại học và các cá nhân, sinh viên tiếp cận được các phần mềm BIM giá rẻ, tuyên truyền rộng rãi các lợi ích về sử dụng BIM góp phần thay đổi nhận thức về việc ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý hệ thống thông tin công trình.
Tại các trường đại học, cần phải thay đổi quan điểm về đào tạo chuyên ngành kiến trúc. Việc lồng ghép đào tạo BIM vào khung chương trình đào tạo chuyên ngành kiến trúc là rất cần thiết, sẽ thúc đẩy việc xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nắm vững quy trình vận hành cũng như các tiêu chuẩn, giao thức BIM [6].
Để làm rõ hơn việc tích hợp đào tạo BIM vào khung chương trình giáo dục đại học chuyên ngành Kiến trúc, tôi xin đưa ra các phương án đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ tiến trình áp dụng Bim theo Quyết định số 1004/QĐ-BXD "Phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030".
Như tình hình hiện nay, ta không thay đổi khung chương trình đào tạo đại học mà để việc đào tạo BIM cho 100% các cơ sở ngoài đại học đào tạo. Ví dụ như các doanh nghiệp sản xuất hoặc các trung tâm tin học, viện nghiên cứu đào tạo và cấp chứng chỉ.
Ưu điểm của việc này là các trường đại học sẽ không mất chi phí đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống chương trình đào tạo, xây dựng đội ngũ giáo viên đủ trình độ năng lực để đảm nhiệm giảng dạy BIM. Nhưng nhược điểm, nguồn nhân lực bị phụ thuộc vào xã hội. Chất lượng đào tạo không đồng đều, lãng phí nguồn lực của xã hội.
Chưa kể, sinh viên ra trường thiếu kỹ năng không đáp ứng ngay được công việc, không bắt kịp xu thế của xã hội, dần dần bị đào thải hoặc các doanh nghiệp bỏ chi phí và công sức để đào tạo lại kĩ năng cho nhân viên. Danh tiếng của trường đại học bị giảm sút.
Phương án tích hợp 1: Nâng cấp khung chương trình - lồng ghép đào tạo BIM cơ bản vào khung chương trình đào tạo đại học chuyên ngành kiến trúc với mục tiêu sau khi ra trường, sinh viên hoàn toàn có năng lực đảm nhiệm được vị trí BIM Modeling trong các doanh nghiệp.
Với phương án này, sinh viên sau khi ra trường đã được xây dựng kiến thức nền tảng, nắm bắt được các khái niệm cơ bản về BIM. Tuy nhiên, các kiến trúc sư tương lai vẫn cần phải học tập thêm, trau dồi các kĩ năng mới có thể trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ưu điểm của phương án này là tạo nên định hướng tốt cho sinh viên về việc bắt buộc phải nắm bắt công nghệ trong thiết kế kiến trúc. Sinh viên biết được kiến thức cơ bản về quy trình BIM, có nền tảng vững chắc, các em có thể tự chủ nâng cao năng lực bản thân, góp phần nâng cao thương hiệu của trường đại học trong lĩnh vực đào tạo kiến trúc sư.

Như vậy, theo phương án thứ nhất, việc tích hợp cần thực hiện các nội dung sau:
Bổ sung môn học lý thuyết BIM cơ bản vào trong chương trình. Để sinh viên có sự thay đổi về nhận thức đối với quy trình làm việc của một dự án, cũng như định hướng công việc cần đảm nhiệm trong tương lai, tham khảo từ các khung chương trình đào tạo tại trường đại học ở Anh, Mỹ thì việc đào tạo nhận thức này nên được thực hiện từ sớm.
Thời điểm vàng là những năm đầu sinh viên. Môn học nói về các quy trình vận hành của dự án, các tiêu chuẩn của bản vẽ, vị trí vai trò của kiến trúc sư trong vòng đời của dự án, hoặc là việc phối hợp làm việc nhóm giữa kiến trúc sư và kĩ sư các ngành.
Bổ sung thêm môn học mới về đồ họa BIM cơ bản . Môn học này nên có mối liên hệ nối tiếp từ môn học được bổ sung lý thuyết BIM cơ bản [5], để củng cố khối kiến thức về BIM cho sinh viên.
Khối lượng kiến thức về kĩ năng xây dựng mô hình 3D thường lớn và cần thời gian để rèn luyện cho sinh viên kịp thời ứng dụng cho thể hiện đồ án trên máy tính (năm thứ 3 trở đi), vậy nên, các bạn sinh viên nên học đồ họa trước thời điểm này.
Tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, trong block 1 kì 1 năm thứ 2, đối với sinh viên kiến trúc theo khung trình độ quốc gia chuyển đổi ( như các lớp KD, KDF, QH), sinh viên được làm quen với môn đồ họa 2D AutoCad trong môn Vẽ kĩ thuật AutoCad, do đó việc học đồ họa 3D BIM nên học sau khi làm quen với môn đồ họa 2D.
Để có thể học tốt môn đồ họa 3D BIM, các bạn sinh viên cần nhiều thời gian để luyện tập. Và trong một thời gian ngắn không thể nắm vững hết được kĩ năng này → việc học môn đồ họa 3D BIM nên học vào thời điểm kì 2 năm thứ 2.
Tuy nhiên, trong các chương trình đào tạo CDIO (KDCQC, KDNC, KDNTC, QHC) ,. Trong nội dung môn hh - vkt, sinh viên được học đồ họa 2D AutoCad ngay từ kì 1 năm thứ 1, nên thời điểm học đồ học 3D BIM có thể thực hiện ngay kì 2 năm 1 hoặc năm thứ 2.
Để có thể thực hiện được phương án này, nhà trường cần đầu tư một khoản chi phí để xây dựng chương trình đào tạo, cơ sở vật chất cũng như đầu tư mua phần mềm bản quyền, xây dựng đội ngũ giảng viên.

Với phương án 2, đây là một chương trình bao gồm cả phương án 1 và mở rộng nâng cao mô hình đào tạo nhân lực chất lượng cao đủ năng lực đảm nhiệm vị trí BIM coordinator trong các đơn vị tuyển dụng.
Trường đại học sẽ tiến hành đào tạo BIM xuyên suốt trong cả quá trình học tập tại đại học, từ các môn học lý thuyết về BIM cơ bản đến chuyên sâu, cũng như đào tạo về cách sử dụng các phần mềm đồ họa 3D BIM, quản lý điều phối mô hình BIM.
Với chương trình mới này sẽ cung cấp cho sinh viên mọi công cụ để rèn luyện kỹ năng cần thiết nhất để thiết kế kiến trúc đáp ứng được tiến trình ứng dụng BIM vào trong lĩnh vực xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Mục tiêu là sinh viên ra trường có kiến thức và kĩ năng về xây dựng mô hình và điều phối BIM trong nhóm thiết kế.
Đội ngũ kiến trúc sư này sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của xã hội, tính chất công việc. Điều này sẽ đưa thương hiệu của trường đại học lên đứng đầu cả nước trong lĩnh vực đào tạo kiến trúc sư đáp ứng tiến trình áp dụng Bim.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là chi phí đầu tư rất lớn. Nhưng đây như là một khoản đầu tư dài hạn, vì nó mang lại lợi ích lớn, đưa tên tuổi trường đại học lên đứng đầu cả nước, thu hút đông đảo sinh viên theo học, cũng như các doanh nghiệp liên quan đầu tư, liên kết.
Như vậy, theo phương án 2 cần phải thực hiện các nội dung cụ thể sau:
Bổ sung môn học lý thuyết BIM nâng cao vào trong chương trình . Để các em sinh viên có sự hiểu biết sâu sắc đối với BIM, các việc cần làm và những lợi ích mà BIM mang lại cho một dự án.
Khả năng tích hợp 3D với 4D, 5D… đối với quy trình làm việc của một dự án, tham khảo từ các khung chương trình đào tạo tại trường đại học ở Anh, Mỹ, chương trình khung của Bộ Xây dựng và các khung chương trình từ các trung tâm đào tạo BIM chất lượng cao thì môn học lý thuyết BIM nâng cao được thực hiện sau khi sinh viên hoàn thành môn học lý thuyết BIM cơ bản.
Tuy nhiên, việc đào tạo BIM càng sớm là càng tốt. Do đó, tác giả cho rằng môn học lý thuyết BIM nâng cao nên học kế tiếp ngay sau môn học lý thuyết BIM cơ bản.

Bổ sung thêm môn học mới về đồ họa BIM nâng cao. Môn học này cung cấp kiến thức cho sinh viên hiểu rõ các thành phần trong công trình của từng bộ môn. Biết cách tạo và quản lý hồ sơ bản vẽ, góc nhìn, các bảng biểu thống kê, các tính năng quản lý theo giai đoạn, tạo nhiều phương án thiết kế và cách tạo nhóm đối tượng.
Quan trọng là việc kết nối giữa các mô hình trong phần mềm, tương tác giữa các loại file với phần mềm đồ họa BIM. Nâng cao hơn là các tính năng làm việc nhiều người trong một file bản vẽ.
Để có thể học tập môn học đồ họa BIM nâng cao này, sinh viên bắt buộc phải hoàn thành xong môn học đồ họa BIM cơ bản, và thời gian ít nhất 3 tháng để rèn luyện kiến thức cơ bản trước khi đăng kí học nâng cao.
Việc đào tạo BIM nâng cao, không chỉ dừng lại ở việc học môn đồ họa thiết lập được mô hình 3D của dự án, còn có các phần mềm BIM hỗ trợ cho việc quản lý và tích hợp thông tin lên mô hình chung, văn bản báo cáo, quản lý va chạm giữa các thông tin từ các bộ môn.
Do đó, môn đồ họa BIM nâng cao không chỉ đào tạo một phần mềm đồ họa BIM mà còn có các phần mềm BIM dành cho quản lý.
3. KẾT LUẬN
Việc đào tạo BIM tại Việt Nam đã và đang phát triển rất mạnh mẽ, đạt được một số thành tựu ban đầu. Xu hướng áp dụng BIM trong lĩnh vực xây dựng dần được chú trọng, thì tại các đơn vị doanh nghiệp có sử dụng BIM thường muốn tuyển dụng người có các chứng chỉ đào tạo về BIM.
Do đó, kiến trúc sư - kỹ sư mới ra trường muốn tạo lợi thế trong tìm kiếm việc làm, mong muốn nâng cao nghiệp vụ sẽ phải tìm đến các cơ sở đào tạo BIM để học tập. Tuy nhiên với số lượng ít ỏi các trung tâm, viện nghiên cứu có thể đào tạo BIM thì số lượng học viên có chứng chỉ vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động cần tuyển dụng.
Ngoài ra đối với các học viên cũng có ảnh hưởng, ví như tổn thất thời gian hay chi phí học tập. Do đó, nếu xây dựng thành công chương trình đào tạo BIM ngay tại trường đại học sẽ giúp tạo ra nguồn nhân lực đông đảo, sẵn sàng cung ứng cho các đơn vị tuyển dụng có áp dụng BIM.
Cách thức đào tạo BIM tại đại học cũng nên thực hiện bằng cách lồng ghép giảng dạy BIM vào khung chương trình sẵn có. Tuy nhiên để tích hợp đào tạo BIM vào chương trình đào tạo chuyên ngành xây dựng vấp phải rất nhiều khó khăn.
Ví dụ như chi phí đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất, chuẩn bị lực lượng giảng viên nguồn được huấn luyện bài bản có chứng chỉ đào tạo BIM, có kinh nghiệm thực tế. Quan trọng nhất là phải xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo BIM.
Nguồn lực đầu tư ban đầu rất lớn và các việc cần làm cũng rất nhiều, do đó việc lồng ghép nên thực hiện theo lộ trình, xác định mục tiêu ngắn hạn để phấn đấu thực hiện. Khó khăn tuy nhiều nhưng việc đào tạo BIM tại trường đại học cần phải suy xét, tập trung nghiên cứu bởi những lợi ích to lớn mà nó mang lại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ban chỉ đạo BIM - Bộ Xây dựng (2021) Khung chương trình đào tạo BIM cho người hành nghề xây dựng: Thực trạng và khuyến nghị http://bim.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/khung-chuong-trinh-dao-tao-bim-cho-nguoi-hanh-nghe-xay-dung:-thuc-trang-va-khuyen-nghi, 07/04/2021.
[2] Antony Thorpe (2016) How universities are teaching bim: A review and case study from the UK.
[3] VietBIM (2019) COBie - Định nghĩa, hệ thống và phân loại trong Revit, https://vietbimcoder.com/cobie-dinh-nghia-thong-va-phan-loai-trong-revit/, 02/01/2019.
[4] Revizto (2020) BIM Standards: Iso 19605 and more. Different levels of BIM, https://revizto.com/en/bim-standards-level-of-information-bim/, 18/11/2020.
[5] Cnectdots (2018) 20 phần mềm BIM phổ biến nhất hiện nay http://www.cnectdots.com/tin-tuc/20-phan-mem-bim-pho-bien-nhat-hien-nay.html, 16/10/2018.
[6] Nguyễn Như Trang (2018) Xây dựng năng lực để làm việc với BIM ở Việt Nam, Tạp chí KHCN XD, tập 12 - số 1 [3] Trang tin về công nghệ BIM trong Xây dựng (2017), Định dạng IFC là gì, https://congnghebim.vn/dinh-dang-ifc-la-gi/, 11/05/2017.