Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam

08:47 13/07/2023
Đây là chủ đề của Hội thảo quốc tế do Bộ Xây dựng chủ trì, Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản, Vụ Quan hệ quốc tế - Bộ Xây dựng và Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức tại Hà Nội sáng 13/7.

Diễn đàn góp ý xây dựng, hoàn thiện môi trường đầu tư

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu; Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Hoàng Hải; Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Trung Thành; các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương...

Theo Ban tổ chức, Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu những nội dung mới trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), đồng thời quảng bá tiềm năng thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về phát triển nhà ở và thị trường BĐS.

Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư, doanh nghiệp BĐS nước ngoài.

Từ năm 2022 đến nay, tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, hậu quả của đại dịch Covid - 19 cùng những khó khăn nội tại trong nước đã khiến thị trường BĐS Việt Nam rơi vào trạng thái trầm lắng, nhiều doanh nghiệp địa ốc lâm vào tình cảnh khó khăn, nhất là về nguồn vốn, thanh khoản và thủ tục pháp lý.

Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện để thị trường phục hồi và phát triển lành mạnh, bền vững.

Đặc biệt, thể chế, pháp luật, môi trường kinh doanh đã và đang được khẩn trương hoàn thiện. Các đạo luật quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung và dự kiến sẽ được ban hành vào cuối năm nay.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đã chủ trì dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Hai dự án luật đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến hồi tháng 6 vừa qua.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Hội thảo này là diễn đàn quan trọng để giới thiệu những nội dung mới trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Đây cũng là cơ hội quý báu để các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam trực tiếp trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, nhà đầu tư trong nước và quốc tế nhằm hoàn thiện dự thảo các đạo luật và xây dựng các văn bản hướng dẫn.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, nếu hai luật này được thông qua sẽ có tác động tích cực đến thị trường nhà ở và BĐS, đảm bảo minh bạch, lành mạnh và ổn định thị trường, cải thiện mạnh mẽ niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết, Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển thị trường BĐS tại Việt Nam” là diễn đàn chất lượng để thông tin - truyền thông chính sách, góp ý xây dựng, hoàn thiện môi trường đầu tư, đồng thời là dịp quảng bá tiềm năng thị trường BĐS Việt Nam đến các nhà đầu tư quốc tế và kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và nước ngoài, góp phần kiến tạo thêm các chiều kích, dư địa phục hồi và phát triển thị trường. 

Xu hướng chính sách, phát triển thị trường BĐS

Trong khuôn khổ hội thảo, thông qua phiên tham luận và các phiên thảo luận mở, đại diện Bộ Xây dựng đã giới thiệu, cung cấp thông tin về các nội dung mới của hai dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi ) cùng  một số đánh giá về tiềm năng, cơ hội thị trường, gắn liền với tác động của hai dự án luật sau khi được Quốc hội thông qua vào cuối 2023. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Hải cho biết dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), về quy định sở hữu nhà chung cư, Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo luật. Tuy nhiên, có bổ sung, làm rõ các nội dung về thời hạn sử dụng, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay.

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Hoàng Hải giới thiệu những điểm mới sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BDS (sửa đổi).

Về sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ cho phép giữ nguyên như dự thảo Luật về việc cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư, đồng thời tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bỏ quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất thuê.

Về chính sách nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội...

Đối với dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), thống nhất quy định các giao dịch kinh doanh nhà ở trong Luật Kinh doanh BĐS không còn quy định trong Luật Nhà ở để tránh giao thoa, chồng chéo. Quy định cụ thể về kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng trong dự án BĐS. Quy định về đặt cọc khi mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, chỉ được nhận tiền đặt cọc hoặc các khoản tiền khác từ khách hàng nhằm mục đích bán, cho thuê mua nhà ở khi nhà ở đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật.

Sửa đổi, bổ sung quy định về giao dịch qua sàn giao dịch BĐS, trong đó đề xuất phương án yêu cầu thực hiện qua sàn đối với các BĐS để tăng cường công khai, minh bạch và quản lý hoạt động giao dịch.

Sửa đổi, bổ sung quy định xây dựng và quản lý hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Bổ sung quy định điều tiết thị trường BĐS theo nguyên tắc điều tiết, các trường hợp cần thiết điều tiết...

Ông Hoàng Hải khẳng định, việc sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở đảm bảo cân đối cung - cầu, đa dạng hóa nguồn cung, tránh tình trạng thị trường phát triển nóng, bất thường, gây lạm phát kinh tế. Tạo cơ hội cho người dân có thu nhập thấp, trung bình tại khu vực đô thị có khả năng tiếp cận nhà ở một cách đa dạng thông qua việc mua, thuê, thuê mua nhà ở phù hợp với khả năng tài chính. Đồng thời, tạo động lực mới cho thị trường BĐS phát triển minh bạch, hiệu quả, bền vững...

Tại Hội thảo, Hiệp hội BĐS Việt Nam và các chuyên gia đưa ra các thông tin mới nhất và thảo luận về tình hình cũng như các xu hướng phát triển của thị trường BĐS Việt Nam.

Đồng thời, các doanh nghiệp, tập đoàn, định chế tài chính hàng đầu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… cũng đã chia sẻ các kinh nghiệm, bài học của mình trong phát triển nhà ở và thị trường BĐS, cũng như đề xuất các cơ chế hợp tác tại Việt Nam.

Số liệu mới nhất từ Bộ KH&ĐT cho thấy, lũy kế đến ngày 12/7/2023, cả nước đã thu hút 67,161 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực BĐS. Trong khi đó, Hiệp hội BĐS Việt Nam dự báo, thị trường BĐS trong thời gian tới sẽ có sự phục hồi, phát triển nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan; sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0; sự đa dạng của các nguồn lực tài chính...

Bên cạnh các phân khúc truyền thống nhà ở, khu công nghiệp, nghỉ dưỡng, văn phòng… dự báo sản phẩm trên thị trường BĐS sẽ ngày càng đa dạng hơn, nhất là nguồn cung nhà ở sẽ gia tăng mạnh.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam, đến năm 2025, tỷ trọng BĐS/tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 21,2% (462,7 tỷ USD/2.183,09 tỷ USD) và đến năm 2030 là 22,0% (1.232,29 tỷ USD/5.601,31 tỷ USD).

Bình luận