Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương (PVTM) cho biết, Cục vừa tiếp nhận hồ sơ rà soát cuối kỳ áp dụng chống bán phá giá đối với thép cán nguội (ép nguội) từ Trung Quốc.
Trước đó, ngày 21/12/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3390/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm thép cán nguội (ép nguội) dạng cuộn hoặc tấm có xuất xứ từ Trung Quốc (mã vụ việc: AD08).
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Quản lý ngoại thương, 1 năm trước khi kết thúc thời hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định tiến hành rà soát cuối kỳ đối với việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Nội dung rà soát cuối kỳ được quy định chi tiết tại khoản 2 Điều 82 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 63 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Cục PVTM thông báo chính thức tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ của vụ việc. Theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Nghị định số 10/2018, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo này của Cơ quan điều tra, nhà sản xuất trong nước có quyền nộp Hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Thời hạn Cục PVTM tiếp nhận hồ sơ chậm nhất là ngày 30/10/2024. Hồ sơ phải được nộp trực tiếp tại Cục PVTM trong thời hạn nêu trên theo địa chỉ: Cục PVTM - tầng 8, 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Quyết định số 3390/QĐ-BCT nêu rõ, thép cán nguội Trung Quốc chịu mức thuế chống bán phá giá dao động trong khoảng 4,43-25,22% tùy vào từng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cụ thể.
Trước đó, ngày 03/9/2019, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã gửi hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.
Do đó, Bộ Công Thương đã quyết định khởi xướng điều tra vụ việc theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Luật Quản lý Ngoại thương và các quy định liên quan.
Kết quả cho thấy một số sản phẩm thép Trung Quốc tồn tại các yếu tố có hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài; có sự đe dọa gây thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước.