Bộ Xây dựng nhận vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Hà Tĩnh nội dung kiến nghị: “Đề nghị quan tâm, đầu tư xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên dạy học vùng sâu, vùng xa”.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:
1. Về quy định của pháp luật đối với việc phát triển nhà ở công vụ cho giáo viên
- Theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 32 của Luật Nhà ở năm 2014, đối tượng được thuê nhà ở công vụ bao gồm: “đ) Giáo viên đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo”.
- Tại Khoản 5 Điều 5 của Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ, trong đó quy định tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ cho giáo viên:
“5. Cán bộ, công chức, viên chức (giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế) có vị trí việc làm chuyên môn phù hợp đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo được bố trí cho thuê gian nhà tập thể:
a) Diện tích sử dụng từ 24 m2/gian nhà đến 36 m2/gian nhà (không kể diện tích công trình phụ); diện tích bình quân tối thiểu 12 m2/người;
b) Trang bị nội thất bao gồm: 01 bộ bàn ghế, 01 tủ lạnh, 01 máy giặt dùng chung; mỗi người được trang bị riêng 01 tủ quần áo, 01 quạt, 01 giường, 01 đệm;
c) Định mức kinh phí tối đa trang bị nội thất cho gian nhà tập thể quy định tại khoản này là 60 triệu đồng”.
- Tại Điều 71 của Luật Nhà ở năm 2014 quy định: “Vốn cho phát triển nhà ở công vụ bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương”.
2. Về quy định trách nhiệm, thẩm quyền trong việc đầu tư phát triển nhà ở công vụ cho giáo viên
Ngày 11/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1625/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 – 2015 và lộ trình đến năm 2020. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện việc tổng kết Đề án này và chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu xây dựng cho giai đoạn tiếp theo để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật về nhà ở, đối với việc phát triển nhà ở công vụ nói chung và nhà ở công vụ giáo viên nói riêng thì UBND cấp tỉnh lập và phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở công vụ trong Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương (trong đó xác định rõ nhu cầu về nhà ở công vụ bao gồm: loại nhà ở, số lượng, diện tích sàn nhà ở; địa điểm xây dựng và diện tích đất để xây dựng nhà ở; nguồn vốn và phân kỳ đầu tư hàng năm và 05 năm (Điều 27 của Luật Nhà ở và Điều 20 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP).
Như vậy, pháp luật về nhà ở và pháp luật có liên quan đã có quy định tương đối đầy đủ, chặt chẽ về nhà ở công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức là giáo viên đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.
Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá việc thực hiện các quy định của Luật Nhà ở 2014 nói chung, các quy định liên quan đến nhà ở công vụ cho giáo viên nói riêng, báo cáo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan để phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của đất nước cũng như của từng địa phương.