Ngày 23/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 333/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch khoáng sản), xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch đã đề ra.
Cụ thể hóa tiến độ, các bước triển khai và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện Quy hoạch.
Đồng thời, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là việc giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện Quy hoạch; nghiên cứu tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thực hiện các công trình, dự án cấp bách, quan trọng thuộc nhóm ưu tiên.
Kế hoạch nêu các giải pháp cần phải thực hiện đồng bộ, gồm giải pháp về pháp luật, chính sách; giải pháp tài chính, đầu tư; giải pháp khoa học, công nghệ, môi trường; giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức; giải pháp về đào tạo, tăng cường năng lực...
Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách và pháp luật của Nhà nước về khoáng sản nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp.
Hoàn thiện, bổ sung các chính sách pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các dự án thăm dò, khai thác gắn với các dự án chế biến khoáng sản. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động thăm dò, khai thác nhằm tuân thủ chính sách, pháp luật về khoáng sản và môi trường, đảm bảo an toàn lao động.
Đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu khoa học phục vụ việc hoàn thiện để ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật nâng cao công tác quản lý, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.
Đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản và khoáng sản đi kèm nhằm cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác và phục vụ các lĩnh vực kinh tế...
Ngày 12/01, Bộ Xây dựng đã công bố Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch đưa ra các chỉ tiêu về thăm dò, khai thác trong từng giai đoạn cho cụ thể các nhóm khoáng sản làm VLXD như: Xi măng, đá ốp lát, mỹ nghệ, gốm sứ, vật liệu chịu lửa, kính xây dựng và vôi công nghiệp…
Trong giai đoạn 2021-2030, dự kiến cấp phép và đưa vào thăm dò 518 khu vực khoáng sản và cấp phép khai thác cho 931 khu vực khoáng sản. Giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến cấp phép và thăm dò 177 khu vực khoáng sản và cấp phép khai thác cho 931 khu vực khoáng sản. Tổng tài nguyên, trữ lượng huy động vào Quy hoạch là 26,6 tỷ tấn các loại khoáng sản và 2,25 tỷ m3 đá làm ốp lát.
Đồng thời quy hoạch chế biến và sử dụng khoáng sản theo hướng tăng cường nghiên cứu ứng dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng phế thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp và các ngành khác làm nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất VLXD, giảm sử dụng tài nguyên khoáng sản tự nhiên, giảm ô nhiễm môi trường.