Tiếp tục hoàn thiện quy trình đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác, sử dụng

17:40 08/06/2024
Sau hơn 3 năm thực hiện, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP đã phát sinh một số yêu cầu cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định này, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 12 năm nay.

Chiều 07/6, tại Hà Nội, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp với Cơ quan điều hành Mạng kiểm định chất lượng công trình xây dựng (VNBAC) tổ chức Hội thảo “Đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác, sử dụng và phổ biến một số nội dung pháp luật mới trong hoạt động xây dựng”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng phát biểu tại Hội thảo.

Hệ thống đánh giá cũ gặp nhiều khó khăn khi áp dụng

Tại Hội thảo, ông Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã nêu khái quát những hạn chế trong thực tiễn áp dụng Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.

Ông Phạm Minh Hà cho biết, trong những năm qua, Bộ Xây dựng và các đơn vị chuyên môn đã thường xuyên nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật, hành lang kỹ thuật để kiểm soát, đảm bảo chất lượng công trình trong quá trình khai thác sử dụng. Tuy nhiên, các quy định về giám định các công trình xây dựng đã được ban hành cách đây 10 năm và tồn tại nhiều khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn.

Đặc biệt, sau các sự cố sập đổ công trình cũ tại Hà Nội và các địa phương khác, Bộ Xây dựng đã tham mưu với Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ nguy hiểm tại các đô thị trên phạm vi cả nước.

Thực tế, việc đánh giá an toàn công trình trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có quy định chi tiết về đối tượng, nội dung, tần suất đánh giá và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan. Bên cạnh đó, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các nghiên cứu chuyên sâu có liên quan để phục vụ cho công tác này còn hạn chế, nhất là các công trình cũ đã xuống cấp, bị cơi nới, cải tạo, thay đổi công năng thiếu hồ sơ, thông tin quan trọng liên quan đến các thông số đánh giá.

Trên cơ sở đó, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đề xuất tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các quy trình đánh giá, tạo hành lang kỹ thuật để triển khai các quy định của pháp luật. Bộ Xây dựng và các chuyên gia đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để phổ biến, trao đổi về chuyên môn.

Ông Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng phát biểu tại Hội thảo.

Các quy định về giám định công trình xây dựng cũng đã được áp dụng thí điểm với sự hỗ trợ từ các đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm định xây dựng như VNCC và một số doanh nghiệp, quản lý số lượng lớn công trình trên cả nước. Các quy định được chia thành 2 nhóm vấn đề: Các quy trình khung sẽ trình Bộ Xây dựng ban hành thông tư và đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng; Hướng dẫn thực hiện đánh giá kỹ thuật để áp dụng và thường xuyên hoàn thiện khi có vấn đề mới phát sinh.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho rằng, việc hoàn thiện quy trình đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác, sử dụng là hết sức quan trọng và cần thiết, góp phần hoàn thiện công tác quản lý nhà nước, làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ trong quản lý đầu tư xây dựng cũng như quản lý chất lượng công trình.

Thứ trưởng đề nghị các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là các thành viên Mạng kiểm định chất lượng công trình xây dựng cần tập trung thảo luận, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, đóng góp ý kiến sát thực tế trong lĩnh vực hoạt động xây dựng nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hạn chế trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng có những hướng đi đúng và thực hiện có hiệu quả cao nhất trong quản lý đầu tư xây dựng, hoàn thành nhiệm vụ chung của Ngành.

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật

Giới thiệu các điểm mới dự kiến trong Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, đại diện Cục Quản lý hoạt động xây dựng cho biết, các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời giải quyết vướng mắc bất cập phát sinh trong thực tế áp dụng và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Qua tổng kết, đánh giá các ý kiến nhận được trong quá trình thực hiện Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và Nghị định số 35/2023/NĐ-CP, Bộ Xây dựng nhận thấy các nội dung vướng mắc, bất cập; các nội dung có thể sửa đổi nhằm cải cách, đơn giản thủ tục hành chính cũng như đảm bảo phù hợp, đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tập trung theo 5 nhóm vấn đề chính như: (1) Các quy định chung; (2) Lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; (3) Tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng; (4) Giấy phép xây dựng; (5) Điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng.

Trong đó, nhóm vấn đề (5), về điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, thời hạn hiệu lực của chứng chỉ hành nghề cá nhân đang được quy định là 5 năm, chứng chỉ hành nghề của tổ chức là 10 năm. Để tạo điều kiện, giảm thời gian thực hiện thủ tục của các cá nhân, quy định cấp chứng chỉ hành nghề sẽ rà soát lại về điều kiện kinh nghiệm và kéo dài thời hạn hiệu lực thành 10 năm, tương đồng với thời gian có hiệu lực của chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Một số lĩnh vực như quản lý dự án, tư vấn giám sát, thi công xây dựng theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và Nghị định số 35/2023/NĐ-CP đang chia theo các nhóm theo loại công trình xây dựng (công trình dân dụng, công nghiệp, nông nghiệp phát triển nông thôn,...), tuy nhiên đặc thù của công tác này không yêu cầu cao về chuyên môn, nghiệp vụ theo từng loại công trình nên có thể gộp lĩnh vực, giảm số loại chứng chỉ yêu cầu phải cấp cho các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.

Về chứng chỉ hành nghề của cá nhân, chứng chỉ hoạt động xây dựng của tổ chức, nội dung đánh giá về chuyên môn phù hợp, chứng minh năng lực kinh nghiệm cũng còn một số bất cập, cần chuẩn hóa lại để đáp ứng yêu câu quản lý.

Hay quy trình cấp chứng chỉ cá nhân hiện nay, việc gộp quy trình sát hạch trong quy trình xét cấp hồ sơ trong một số trường hợp khi không đủ số lượng người để tổ chức sát hạch sẽ kéo dài thời gian cấp chứng chỉ. Theo đó, cần tách quy trình đăng ký sát hạch để thuận tiện thực hiện.

Toàn cảnh Hội thảo.

Hiện tại, Bộ Xây dựng đã gửi lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định đến các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức chịu tác động của Nghị định; đồng thời đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Xây dựng.

Trước đó, ngày 19/3/2024, Bộ Xây dựng có Quyết định số 181/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Ngày 25/3/2024, tổ chức họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chỉ tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Tại văn bản số 2226/BXD-HĐXD ngày 22/5/2024, Bộ Xây dựng đã gửi lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định đến các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức chịu tác động của Nghị định.

Bình luận