Tiếp tục hướng dẫn các địa phương nghiên cứu, thiết kế một số mẫu nhà ở điển hình

20:07 10/03/2025
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục hướng dẫn các địa phương nghiên cứu, thiết kế một số mẫu nhà ở điển hình, phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán và đặc điểm của từng địa phương, vùng miền.

Chiều 10/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.  

Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chiều 10/3 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hoàn thành và bàn giao hơn 65 nghìn căn nhà mới

Báo cáo tại phiên họp cho thấy, ngay sau phiên họp thứ 2, toàn bộ 58 tỉnh, thành phố có nhà tạm, nhà dột nát đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; ban hành kế hoạch triển khai phong trào trên địa bàn; 100% các huyện đã hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện.

Từ phiên họp thứ 2 đến nay, các đơn vị đã chuyển 2.230/3.464 tỷ đồng theo phương án huy động nguồn lực tại chương trình phát động ngày 05/10/2024, đạt 64,4%.

Quỹ “Vì người nghèo” đã tiếp nhận trên 80 tỷ đồng (bao gồm 62 tỷ đồng từ các đơn vị đăng ký ủng hộ tại lễ phát động ngày 13/4/2024). Các địa phương đã vận động được gần 2.700 tỷ đồng.

Đến nay, đã hoàn thành và bàn giao hơn 65 nghìn căn nhà để các hộ gia đình có nơi ở mới; đồng thời đang xây dựng hơn 56 nghìn căn nhà.

Từ sau phiên họp thứ hai đến nay, số lượng nhà hoàn thành tăng gần 16 nghìn căn và số nhà khởi công tăng 18 nghìn căn. Đặc biệt, trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ, có trên 48 nghìn hộ đón tết trong ngôi nhà mới.

Riêng Bộ Quốc phòng và các doanh nghiệp quốc phòng đã hỗ trợ thêm 166 tỷ đồng, nâng tổng kinh phí đã hỗ trợ lên 566 tỷ đồng. Bộ Công an đã chuyển 231 tỷ đồng để hỗ trợ tỉnh Gia Lai triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Ngành Ngân hàng tiếp tục vận động các tổ chức tín dụng hỗ trợ bổ sung gần 91 tỷ đồng, phát động toàn thể cán bộ, đoàn viên và người lao động trong ngành ủng hộ tối thiểu một ngày lương để chung tay xóa 1.000 căn nhà, nâng tổng mức hỗ trợ của ngành Ngân hàng lên gần 1.313 tỷ đồng.

Phấn đấu hết tháng 10 cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đến ngày 30/10/2025 cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát.  

Thủ tướng yêu cầu, trưởng ban chỉ đạo các cấp ở địa phương, người đứng đầu địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, phải phân công, phân cấp, phân nhiệm bảo đảm 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm” và chỉ bàn làm, không bàn lùi, để quyết tâm đến ngày 31/10/2025 cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đa dạng hóa nguồn lực thực hiện Chương trình theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm từ ngân sách Trung tương, ngân sách địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng yêu cầu, Bộ Dân tộc và Tôn giáo chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Bộ Xây dựng: Thống nhất về cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương; kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo theo cơ cấu tổ chức bộ máy mới sau sắp xếp, hoàn thành trước ngày 15/3/2025.

Trình Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo phê duyệt Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo; Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các địa phương và phân công thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương đi kiểm tra hoàn thành trước ngày 15/3/2025.

Thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các địa phương rà soát, hoàn thiện kế hoạch theo ngày, tuần, tháng, quý và từ nay đến cuối năm để hoàn thành mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền sớm bố trí kinh phí hoàn thành trong tháng 3/2025; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ để hoàn thành sớm hơn so với xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tiếp tục hướng dẫn các địa phương nghiên cứu, thiết kế một số mẫu nhà ở điển hình, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán và đặc điểm của từng địa phương, vùng miền để các hộ gia đình tham khảo, nghiên cứu áp dụng.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đôn đốc, kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định.

Thủ tướng đề nghị, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt chỉ đạo để phấn đấu đến ngày 31/10/2025 cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, ban hành quy chế tổ chức hoạt động, phân công cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, hoàn thành trước ngày 15/3/2025.

Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 55/QĐ-BXD, hướng dẫn về tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát.

Theo đó, tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát bao gồm, nhà tạm, nhà dột nát là nhà ở được xây dựng trên đất ở không có tranh chấp và đáp ứng một trong các tiêu chí.

Cụ thể, về diện tích nhà ở: Đối với hộ đơn thân thì có diện tích nhỏ hơn 18 m²; đối với trường hợp hộ gia đình thì có diện tích nhỏ hơn 30 m² và diện tích bình quân đầu người nhỏ hơn 8 m².

Về kết cấu nhà ở: Nhà ở có kết cấu không bền chắc là nhà ở có ít nhất hai trong ba kết cấu chính bao gồm nền - móng, khung - tường, mái được làm bằng vật liệu không bền chắc, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Về thời gian sử dụng: Nhà ở được xây dựng bằng vật liệu bền chắc có thời gian sử dụng từ 20 năm trở lên, chưa được cải tạo, sửa chữa, hiện đã xuống cấp, hư hỏng, không bảo đảm an toàn khi sử dụng.

Đối với các tiêu chí khác (nếu có) như: Không gian chức năng (bếp, vệ sinh), hệ thống kỹ thuật trong nhà (cấp điện, cấp nước), an toàn cháy nổ… căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20/01/2025.

Bình luận