Tiếp tục làm rõ nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa theo Nghị quyết 18-NQ/TW

13:48 30/08/2023
Chủ nhiệm UBKTQH Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục làm rõ các nội dung đã được thể chế hóa theo Nghị quyết 18-NQ/TW, hay quan hệ Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đất đai…

Sẽ tiếp tục làm rõ tiêu chí đề xuất chỉ tiêu sử dụng đất

Sáng 30/8/2023, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ Khóa XV xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đến thời điểm này, nhiều nội dung chưa có phương án tiếp thu, cần được khẩn trương bổ sung, rà soát và hoàn thiện. Các ĐBQH đã tham gia ý kiến về những vấn đề trọng tâm trong báo cáo cũng như các vấn đề các đại biểu quan tâm.

Chủ nhiệm UBKTQH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Về nội dung cụ thể liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc quy định các chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất có ảnh hưởng rất lớn đến thẩm quyền quản lý của từng cấp, thủ tục hành chính liên quan tới đất đai và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, theo đó cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng.

Việc phân loại quá chi tiết các chỉ tiêu sử dụng đất có thể dẫn đến sự thiếu linh hoạt, không đầy đủ hoặc không thể đáp ứng được thay đổi nhanh trong thực tiễn, gây khó khăn trong quá trình triển khai và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Đồng thời, các chỉ tiêu sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất và theo quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng tại Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng phải có sự tương thích với nhau.

Chủ nhiệm UBKTQH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn. Ảnh: quochoi.vn.

Do vậy, UBKTQH sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan làm rõ nguyên tắc, tiêu chí đề xuất các chỉ tiêu sử dụng đất tại các cấp quy hoạch sử dụng đất.

Về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, hiện có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Loại ý kiến thứ hai tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến ĐBQH, không quy định các chỉ tiêu “đất khu công nghiệp”, “đất khu công nghệ cao”, “đất hạ tầng giao thông cấp quốc gia”, “đất ở tại đô thị, đất ở tại nông thôn”, “đất di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”, “đất làm sân gôn”.

Chủ nhiệm UBKTQH Vũ Hồng Thanh cho biết, cơ bản thống nhất lựa chọn loại ý kiến thứ hai. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia chỉ nên xác định chỉ tiêu đất trồng lúa, đất rừng, đất quốc phòng, đất an ninh, để bảo đảm thực hiện cho các cho mục tiêu quốc gia về an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh và thẩm quyền quyết định của Quốc hội theo quy định của pháp luật hiện hành và tránh chồng chéo, bảo đảm việc phân quyền và linh hoạt cho các địa phương, đối với các chỉ tiêu còn lại sẽ được rà soát quy định tại quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, bảo đảm việc quản lý chặt sẽ mục đích sử dụng đất.

Về thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng, nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại dự thảo Luật liệt kê các trường hợp Nhà nước thu hồi đất là cứng nhắc, chưa phản ánh đầy đủ, chưa khắc phục được căn cơ các vấn đề bất cập. Cũng có ý kiến cho rằng cách tiếp cận theo hướng liệt kê các trường hợp như hiện nay chưa làm rõ được sự cần thiết của các dự án, công trình này theo tinh thần của Điều 54 Hiến pháp.

Về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định tại khoản 5 Điều 122. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu để quy định về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với các trường hợp đã có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đã có quy hoạch chi tiết, bảo đảm quyền của Nhà nước điều tiết, phân phối phần địa tô chênh lệch do thay đổi quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất.

Về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất, dự thảo Luật bỏ quy định về mức phân bổ tối thiểu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất.

Về các trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần và trả tiền hằng năm, cần có quy định theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh không chỉ giới hạn trong hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp mà cả hoạt động thương mại, dịch vụ; cho nhà đầu tư được trả tiền một lần hoặc trả tiền hằng năm tương ứng với tính chất của hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên đất, thời hạn, mục đích sử dụng đất và khả năng tài chính của nhà đầu tư, mặt khác, giúp nhà đầu tư tính toán được chi phí đầu tư, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hình thành tài sản thế chấp có giá trị, không chỉ là tài sản đầu tư trên đất mà còn là giá trị gắn với quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm UBKTQH Vũ Hồng Thanh cũng báo cáo, làm rõ các vấn đề về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền; Về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất trong dự thảo Luật.

Sử dụng đất phải xuất phát từ lợi ích quốc gia

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, có một số nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW. Đó là quan điểm Nhà nước có trách nhiệm điều tiết giá trị tăng thêm từ đất, không phải do người sử dụng đất tạo ra để đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.

Hiện các chính sách mới chỉ thể hiện được một phần, cần tiếp tục hoàn thiện chênh lệch về địa tô đối với dự án không phải qua đấu giá, đấu thầu, hay người sử dụng đất được hưởng lợi từ chính sách quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn chưa có quy định về điều tiết như thế nào.

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: quochoi.vn.

Ngoài ra, Nghị quyết 18-NQ/TW cũng đặt mục tiêu thị trường bất động sản trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phải trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả, nhưng thực tế việc phân bổ đất đai qua cơ chế thị trường đã làm sai lệch méo mó kết quả.

Người có nhu cầu, có khả năng sử dụng không tiếp cận đất đai hoặc tiếp cận với chi phí quá cao, làm tăng chi phí kinh doanh, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đất đai lại trở thành công cụ đầu cơ để sinh lời, không phải được đưa vào khai thác, sử dụng. Vậy giải pháp nào giải quyết vấn đề này vẫn chưa được đề cập cụ thể trong dự thảo Luật…

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH TP.HCM nêu rõ, trong quá trình sửa đổi luật, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và Uỷ ban Kinh tế đã rất quan tâm chỉ đạo, thể hiện sự thận trọng vì lợi ích quốc gia. Khi nhắc đến sử dụng đất thì phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, địa phương, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của người dân.

Vì vậy, cần phải làm rõ hơn ba lợi ích này. Cùng với đó, cần xác định thuộc tính của đất gồm có vị trí và diện tích. Có vị trí đất phù hợp với làm giao thông, có vị trí gần với sông, với biển… mỗi vị trí này đều có những lợi thế khác nhau. Khi nhắc đến lợi ích quốc gia, địa phương thì cần xác định vị trí đất có thể làm đc gì để có lợi nhất đối với đất nước và địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đất có vị trí nhất định, diện tích nhất định thì cần phải làm gì có lợi nhất cho đất nước, địa phương thì đó là lợi ích quốc gia. Chẳng hạn, nếu vị trí đất đó làm đường giao thông là tốt nhất thì phải thu hồi đất để làm giao thông. Thu hồi đất để làm dự án có ý nghĩa nhất với quốc gia, địa phương thì Nhà nước thu hồi vì lợi ích của đất nước, địa phương.

Quy định thẩm quyền của chính quyền địa phương

Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên quan tâm đến quy định trong dự thảo luật liên quan đến thẩm quyền của chính quyền địa phương trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đại biểu cho rằng, cần quy định rõ trong luật thay vì giao Chính phủ quy định chi tiết, nhằm đảm bảo tương thích với các luật khác và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Lò Thị Luyến nêu thực tế những khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện thẩm quyền chuyển đổi sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 158 Luật Đất đai hiện hành quy định HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền chuyển đổi đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng dưới 20ha. Luật Lâm nghiệp quy định HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới… dưới 20 ha. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn.

Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: quochoi.vn.

Về các quy định về chuyển đổi sử dụng đất trồng lúa, Luật Đất đai hiện hành đã quy định thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh trong việc chuyển đổi đất lúa và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không quy định hạn mức và giao Chính phủ quy định. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư công, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các tiêu chí phân loại của các dự án nhóm A, B, C lại được xác định trên tổng mức đầu tư sử dụng vốn đầu tư công và không liên quan đến diện tích sử dụng các loại đất lúa, chỉ có dự án quan trọng quốc gia mới có tiêu chí về chuyển mục đích sử dụng đất lúa thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Như vậy, theo dự thảo trình, hạn mức chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và HĐND, trong khi đó chưa có luật nào quy định rõ ràng. Quy định vậy sẽ gây khó khăn, chồng chéo cho địa phương. Đề nghị sửa đổi Điều 122 của dự thảo Luật; đồng thời với thẩm quyền và hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất rừng và các loại đất khác phải được quy định ngay trong luật để tương thích với các luật khác, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng…

Chủ nhiệm UBKTQH Vũ Hồng Thanh tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các ĐBQH và cho biết thời gian tới, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát bảo đảm tính thống nhất hệ thống pháp luật, tiếp tục cụ thể hóa các nội dung như ý kiến của ĐBQH để nghị như: Làm rõ các nội dung thể chế hóa theo Nghị quyết 18-NQ/TW, hay làm rõ quan hệ nhà nước đại diện chủ sở hữu đất đai…

Bình luận