
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo và lấy ý kiến cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) để Luật hóa một số quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD khi Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành.
Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu
Theo NHNN, trong thời gian qua, khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực thi hành, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu gặp một số vướng mắc, khó khăn trong thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ), kê biên TSBĐ và hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự.
Điều 301 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”. Do đó, trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản, thì tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, TCTD phải khởi kiện và chờ thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Pháp luật mới chỉ ghi nhận quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc người đang giữ tài sản không giao tài sản để bên nhận bảo đảm xử lý TSBĐ, nhưng không quy định trực tiếp quyền thu giữ TSBĐ của bên nhận bảo đảm, gây khó khăn rất lớn đến quyền xử lý TSBĐ của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và TCTD vì tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu cũng như các TCTD không thể thực hiện việc thu giữ nếu các chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, thậm chí tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến TSBĐ nhằm kéo dài thời gian xử lý TSBĐ.
Quá trình khởi kiện, tham gia tố tụng và tiến hành thi hành án theo quy định cho mỗi vụ án thường kéo dài nhiều năm cũng làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả của việc xử lý nợ xấu, dẫn đến khó có thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, làm ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và là một trong những nguyên nhân làm hạn chế việc tiếp cận tín dụng của khách hàng, hạn chế khả năng tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng của nền kinh tế.
Điều 90 Luật Thi hành án dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định cơ quan thi hành án dân sự có quyền kê biên tài sản cầm cố, thế chấp trong trường hợp người phải thi hành án không còn TSBĐ nào khác để thi hành án hoặc có mà không đủ nếu giá trị TSBĐ đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án. Quy định này ảnh hưởng lớn đến quyền chủ nợ của bên nhận bảo đảm, làm gia tăng nợ xấu của hệ thống các TCTD, đặc biệt trong trường hợp TSBĐ hình thành từ vốn vay là nguồn chính để trả nợ cho TCTD…
Theo đó, việc tiếp tục Luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn đã và đang cản trở TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền hợp pháp của mình trong việc xử lý nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu…
Thúc đẩy nhanh quá trình thu hồi nợ xấu
Góp ý cho một số nội dung trong dự thảo Luật, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đề xuất: khi quyết định xử lý TSBĐ là dự án nhà ở, dự án kinh doanh BĐS, TCTD được chủ động thực hiện quyền chuyển nhượng dự án cho bên nhận chuyển nhượng; được thực hiện các thủ tục tại các CQNN; được khai thác, kinh doanh các sản phẩm của dự án, thực hiện hợp tác/huy động vốn để tiếp tục triển khai dự án nhằm mục đích bán tài sản, sản phẩm của dự án nhằm thu hồi nợ xấu cho các TCTD, chi nhánh NHNN.
Lý giải cho đề xuất này, VPBank cho biết, khoản 2 Điều 185 Luật Nhà ở quy định: Việc xử lý tài sản thế chấp là một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; tổ chức nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án phải có đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở và phải thực hiện thủ tục nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra VPBank cho rằng, hiện nay hầu như chưa có thêm hướng dẫn nào liên quan đến việc xử lý tài sản để thu hồi nợ đối với tài sản thế chấp là dự án, trong khi đây là loại tài sản đặc biệt, có giá trị lớn, tầm ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội lớn, thủ tục xử lý TSĐB (chuyển nượng dự án) theo quy định và thực tế thường kéo dài, chịu sự điều chỉnh bởi nhiều Luật, nhiều các điều kiện, thủ tục phức tạp. Theo quy định, quá trình thủ tục chuyển nhượng dự án đều phải có sự tham gia, phê duyệt của chủ đầu tư dẫn đến việc xử lý TSĐB để thu hồi nợ đối với dự án hầu như chưa triển khai được theo đúng bản chất là ngân hàng có quyền chủ động, mà hầu hết TCTD đều phải thống nhất, thỏa thuận với chủ đầu tư về phương án thu hồi nợ, nếu chủ đầu tư không hợp tác thì không có cơ chế để xử lý một cách khả thi trên thực tế.
Theo VPBank, nếu trao quyền chủ động cho các TCTD trong việc thực hiện chuyển nhượng dự án cho bên nhận chuyển nhượng, quyền khai thác/bán sản phẩm dự án, hợp đồng/huy động vốn để tiếp tục thi công, xây dựng, hoàn thiện dự án sẽ thúc đẩy nhanh quá trình thu hồi nợ xấu, cũng như đảm bảo quyền lợi cho những người mua nhà.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, hiện Luật Kinh doanh BĐS 2023 chỉ quy định thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS trong trường hợp chủ đầu tư dự án chủ động chuyển nhượng (tại Điều 42 Luật Kinh doanh BĐS 2023), vì vậy cần thiết Luật hóa quy định về thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS trong trường hợp TCTD xử lý tài sản bảo đảm là BĐS để tránh vướng mắc khi thực hiện, tạo điều kiện cho các TCTD sớm thu hồi nợ xấu, giảm gánh nặng tài chính cho chính các doanh nghiệp BĐS, giải quyết quyền lợi chính đáng của những người mua BĐS…
NHNN ghi nhận khó khăn, vướng mắc của ngân hàng, đồng thời cho biết việc xử lý tài sản thế chấp là một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được quy định tại Luật Nhà ở, pháp luật về dân sự. Do vậy, việc hướng dẫn các nội dung liên quan đến xử lý tài sản thế chấp tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD là không phù hợp.
Như vậy, đối với các bất cập được các NHTM nêu trên đây, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ có hướng xử lý phù hợp theo thẩm quyền.
Tại Thông báo số 61/TB-VPCP, ngày 25/02/2025 về kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các NHTM để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, Thường trực Chính phủ yêu cầu NHNN khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, trong đó có việc luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD theo đúng quy định pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn, nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD, báo cáo cấp thẩm quyền trong tháng 02/2025, để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 dự kiến diễn ra vào tháng 5/2025.
Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017 và được thực hiện trong thời hạn 05 năm từ ngày có hiệu lực thi hành.