Tiếp tục thúc đẩy gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng

06:42 22/07/2024
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng, gói tín dụng hỗ trợ nông, lâm, thủy sản 30 nghìn tỷ đồng…
Tiếp tục thúc đẩy gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Trên đây là một trong các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ra tại Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và Quý III năm 2024.

Theo đó, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đồng thời biến đau thương thành hành động trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Một là, tiếp tục tập trung tháo gỡ kịp thời khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, giảm phí, lệ phí đã được ban hành.

Đồng thời khẩn trương nghiên cứu tác động, hoàn thiện, đề xuất Chính phủ Nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 7/2024.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát rủi ro nợ xấu, triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.

Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, nhất là cho nhà ở xã hội, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn…

Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng, gói tín dụng hỗ trợ nông, lâm, thủy sản 30 nghìn tỷ đồng…

Hai là, tăng cường các biện pháp phòng, chống biến đổi khí hậu, thiên tai, không để bị động bất ngờ; tiếp tục thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, sớm hoàn thành Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, bão, lũ; tham mưu, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân, an toàn đê điều, hồ đập trong mùa mưa bão; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam theo đúng chỉ đạo tại Thông báo số 328/TB-VPCP ngày 16/7/2024, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ TN&MT khẩn trương rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon nhằm tạo môi trường pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc hình thành và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, trình Chính phủ trong tháng 7/2024.

Ba là, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công để kích hoạt dẫn dắt đầu tư tư, thúc đẩy hợp tác công tư.

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ chủ động xây dựng kế hoạch công tác để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 và 26 Tổ công tác theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023.

Các Bộ, cơ quan, địa phương quán triệt, coi giải ngân đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm; bám sát kế hoạch, mục tiêu giải ngân chi tiết từng dự án để tập trung chỉ đạo; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án dự kiến khởi công mới cuối năm 2024; khắc phục các bất cập để giải ngân nhanh hơn, sử dụng hiệu quả hơn vốn ODA.

Bộ KH&ĐT khẩn trương tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền trong tháng 7/2024 điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2024 giữa các Bộ, cơ quan, địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ.

Các Bộ, cơ quan: NN&PTNT, LĐTB&XH, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan được giao làm Chủ dự án thành phần khẩn trương rà soát tổng thể các vướng mắc trong việc giải ngân vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan để đề xuất giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo kế hoạch được giao, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương tại Phiên họp thứ 6 trong tháng 8/2024.

Ngoài các nhiệm vụ trên, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ khác như: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách nhà nước; Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực; Chú trọng hơn nữa các lĩnh vực văn hóa, xã hội; Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai từ đầu tháng 4/2023 theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, nhằm hỗ trợ cho vay chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án NƠXH, nhà ở công nhân, với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường. 

Đến nay, đã có 129 dự án NƠXH, với quy mô hơn 114.900 căn, được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình, với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. 

Trước thực tế gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho phát triển NƠXH đến nay mới giải ngân chưa đến 1%, Chính phủ, Bộ Xây dựng đang tìm các biện pháp thúc đẩy chương trình này, để mọi người dân đều có nhà ở, đặc biệt với người có thu nhập thấp.

Bình luận